(TG)- Tăng lương là điều mà hầu hết công nhân đang mong muốn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với chi phí nhân công của doanh nghiệp sẽ tăng lên, làm tăng giá thành sản phẩm. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào vừa cải thiện được đời sống cho người lao động vừa duy trì được năng lực chi trả của doanh nghiệp cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả đôi bên.
*Công nhân muốn nâng cao mức sống
Chị Huỳnh Thị Mộng Điệp, công nhân Phân xưởng sợi, Công ty Cổ phần May Việt Thắng chia sẻ, với mức lương cơ bản hiện nay, nếu thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ, thu nhập cũng tạm đủ cho việc trang trải các chi phí sinh hoạt của gia đình nhưng khó có dư để tích lũy. “Tăng lương không chỉ nguyện vọng của riêng mình tôi mà là của hầu hết công nhân hiện nay. Lương có tăng, cuộc sống của công nhân mới đỡ lo toan, vất vả. Chúng tôi cũng yên tâm lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước”, chị Điệp cho biết.
Cùng chung mong muốn, chị Trương Thị Phượng, công nhân Khu Chế xuất Linh Trung I cho rằng, tăng lương cơ bản như đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đều cần thiết giúp người lao động an tâm làm việc và có thể dành dụm chút ít sau khi nghỉ hưu.
Theo chị Phượng, trong thời buổi vật giá leo thang, từ xăng, gas cho tới bó rau đều tăng giá mà lương không tăng thì không những không cải thiện được cuộc sống cho người lao động mà còn khiến họ phải "chắt bóp" hơn nữa. Việc tăng lương tối thiểu thêm 8% cũng chỉ giúp công nhân ngoại tỉnh, đang ở nhà thuê sống “dễ thở” hơn một chút, cải thiện thêm về đời sống tinh thần chứ chưa dám nghĩ tới việc dành dụm cho những việc lớn hơn như mua nhà.
Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương, nhiều công nhân mong muốn có công việc ổn định, lâu dài. Chị Nguyễn Bích Vân chia sẻ, ai cũng muốn tăng lương, nhưng quan trọng nhất với bản thân chị và nhiều lao động nữ sau tuổi 35 là được đảm bảo việc làm. Nhiều doanh nghiệp trả lương cao nhưng chỉ tuyển lao động trong độ tuổi 18 – 30 và tìm nhiều lý do để sa thải lao động lớn tuổi. Nguyên nhân là nếu lao động làm việc lâu năm, doanh nghiệp phải trả tiền lương theo thâm niên cao, trong khi đó năng suất, độ nhanh nhạy, linh hoạt của công nhân sau 35 tuổi, đặc biệt là công nhân nữ bắt đầu giảm sút.
Theo chị Bích Vân, nếu phải nghỉ việc, những công nhân này cũng rất khó tìm được việc làm với mức lương cao hơn ở doanh nghiệp khác. Do đó, nếu phải lựa chọn giữa việc tăng lương với đảm bảo công việc lâu dài, chị sẽ chọn đảm bảo công việc lâu dài.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Chí Minh Kiều Ngọc Vũ, cho rằng, lộ trình tăng lương tối thiểu trong năm 2019 là vấn đề tất yếu để thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.
*Doanh nghiệp đề xuất tăng theo lộ trình
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nâng cao thu nhập cho người lao động là việc làm cần thiết, vì đó là quá trình phân phối lại thành quả sản xuất, tái đầu tư cho nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp là người lao động.
Dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực trong thời gian qua, ông Dũng nhận định, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong năm 2019 là hợp lý và không phải là vấn đề quá lớn đối với doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Tuy nhiên, việc tăng thu nhập cho người lao động phải phù hợp, thích ứng với tình hình phát triển và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Như vậy mới đảm bảo sự hài hòa về lợi ích lâu dài cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Hơn nữa, những chính sách dành cho người lao động nên khảo sát trực tiếp người lao động. Việc khảo sát phải phân tích đầy đủ để người lao động hiểu, nắm được cả lợi ích trước mắt và lâu dài. Nếu chỉ nói nâng lương cho người lao động, dĩ nhiên ai cũng đồng ý ngay nhưng hãy giải thích cho người lao động biết nếu nâng lương quá cao đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tìm cách cắt giảm nhân công, tăng nguy cơ mất việc làm của nhiều người lao động và đó có thể là chính bản thân mình.
Cùng quan điểm nâng cao thu nhập cho người lao động là việc tất yếu, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn phân tích, những doanh nghiệp đề xuất không nâng lương tối thiểu không đồng nghĩa với việc họ không muốn nâng cao thu nhập cho người lao động mà chỉ muốn việc điều chỉnh mức lương phù hợp với tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp. Bởi nếu quy định lương tối thiểu nghĩa là doanh nghiệp đương nhiên phải trả thêm chi phí cho mức năng suất, sản lượng như cũ, làm tăng giá thành sản phẩm đồng nghĩa với giảm khả năng cạnh tranh. Trong thực tế, doanh nghiệp luôn mong muốn tăng thu nhập cho người lao động song song với việc tăng được năng suất lao động, tăng sản lượng hàng hóa tạo ra.
Để phát huy hết hiệu quả thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, ông Trần Việt Anh cho rằng, việc điều chỉnh tăng lương, tăng thu nhập cũng nên lựa chọn thời điểm hợp lý. Cụ thể vào các tháng cuối năm là giai đoạn doanh nghiệp cần người lao động tăng năng suất, việc tăng lương, tăng thu nhập sẽ là cú hích cần thiết tạo động lực cho người lao động. Ngược lại, sau Tết là giai đoạn doanh nghiệp đã qua chu kỳ sản xuất cao điểm, công suất sản xuất rất giảm, người lao động cũng trong tâm thế vui chơi, lễ hội không nên tạo điều kiện tăng thu nhập.
Ông Trần Việt Anh đề xuất, trước khi đưa ra quyết định điều chỉnh, Hội đồng tiền lương và cả đại diện sử dụng lao động nên có khảo sát từng khu vực, chú ý các khu vực tập trung nhiều nhà máy da giày, dệt may có số lượng lao động lớn như Bình Dương, các Khu Công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Người lao động ở mỗi khu vực có cuộc sống khác nhau, chi phí sinh hoạt khác nhau nên không thể đưa ra một mẫu số chung về lương tối thiểu. Thêm nữa, chính quyền địa phương nơi tập trung nhiều công nhân và những chủ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải được tham gia vào Hội đồng tiền lương để có cái nhìn toàn diện về vấn đề điều chỉnh lương, thu nhập của người lao động sao cho hài hòa với mục tiêu chung.
Để đưa ra con số cụ thể cho mức tăng lương tối thiểu trong năm 2019, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam cho rằng với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế hiện nay, việc tăng lương tối thiểu trong năm 2019 là điều nên làm và mức tăng từ 3 - 6% là hợp lý. Theo ông Kiệt, mức tăng này cơ bản cân bằng được nhu cầu và lợi ích cho cả hai bên; trong đó, người lao động có thêm khoản thu nhập để đáp ứng các nhu cầu của mình cũng như gia đình đồng thời đảm bảo mức tăng chi phí hợp lý để doanh nghiệp tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường./.
TG