Thời
gian qua, việc một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo,
quản lý bị xử lý sai phạm theo nguyên tắc của Đảng và các quy định pháp
luật được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai đã tạo sự
đồng thuận trong xã hội, được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Song các đối tượng chống phá, thù địch đã lập tức lợi dụng vấn đề này để
đưa ra những luận điệu xuyên tạc, nhằm bôi nhọ, vu cáo Đảng và Nhà nước
ta, phủ nhận những thành quả trong công tác cán bộ nói riêng và công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung.
Do đó, cần nhận diện rõ âm mưu chống phá thâm hiểm đó để nhận thức rõ
quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta trong xử lý cán bộ mắc sai phạm,
khuyết điểm góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, củng cố niềm tin của
nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự nghiêm minh của pháp
luật.
Thực tiễn cho thấy phần lớn cán bộ sai phạm ở Việt Nam bắt
nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên đã sa
vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến tham ô, tham nhũng.
Thống kê cho
thấy có khoảng 70% các vụ án xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta thời gian
qua đều liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, đa phần các luận
điệu sai trái, thù địch đều nhắm đến việc xử lý cán bộ sai phạm do
nguyên nhân này, và tập trung xoay quanh hai luồng ý kiến:
Một
là, cho rằng nếu quá tập trung vào xử lý cán bộ sai phạm sẽ làm "nhụt
chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm và "cản trở" quá trình
phát triển của đất nước. Những người đưa ra ý kiến này cố tình tỏ ra lo
ngại trước sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta khi xử lý những cán bộ,
đảng viên mắc sai phạm, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao.
Họ cho rằng nếu tình trạng này kéo dài thì "không ai còn dám làm việc
nữa"! Trước mỗi kỳ họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, xuất hiện không ít ý kiến dạng "tâm thư" đề nghị công
tác xử lý cán bộ cần phải có "trọng tâm", "trọng điểm", tránh tình trạng
làm tràn lan, ồ ạt kiểu "phong trào".
Hai là, có ý kiến cho
rằng việc xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta thời gian qua thực chất là
"thanh trừng bè phái", "đấu đá nội bộ". Hoặc có ý kiến cho rằng việc xử
lý đó chỉ là "trò che mắt thế gian", "chỉ dám đánh con tôm con tép" hoặc
"hạ bệ", "triệt tiêu" những người không cùng "nhóm lợi ích"! Những luận
điệu này một phần xuất phát từ những người hạn chế về nhận thức, thiếu
thông tin, thiếu sự tin tưởng vào quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước song
phần lớn xuất phát từ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch muốn
xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng vì sự phát triển của đất nước.
Việc xử lý cán bộ
sai phạm ở Việt Nam hiện đang diễn ra quyết liệt và có sức lan tỏa vô
cùng mạnh mẽ, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh
giá cao.
Phát biểu về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
chỉ rõ: "Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán
bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong
muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì
sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự
trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân
dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn
nữa trong thời gian tới".
Những nỗ lực của Việt Nam trong xử lý
cán bộ sai phạm do tham nhũng, tiêu cực được thể hiện rõ cả trong quan
điểm chỉ đạo và thực tiễn triển khai. Về quan điểm chỉ đạo, có thể thấy
rõ từ khi đổi mới đến nay, nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng cũng có những
nghị quyết chuyên đề liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu
cực.
Tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về
"Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện
nay"; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa IX về "Tiếp tục đẩy mạnh cuộc
vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng,
lãng phí"; Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay"; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh
đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội
bộ"...; Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên
quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hóa"…
Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng và phát huy hiệu
quả trên thực tiễn, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống các văn bản pháp
luật liên quan đến xử lý các sai phạm của cán bộ do tham nhũng, tiêu cực
như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng
phí… Đây là căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng để xử lý những cán bộ
mắc sai phạm. Bên cạnh đó, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật đảng,
công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng
được chỉ đạo quyết liệt; tạo nên những bước chuyển biến rõ rệt trong
việc phát hiện, xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Về thực
tiễn triển khai, việc xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta hiện được thực
hiện theo đúng phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".
Bằng chứng là, thời gian qua nhiều vụ án nghiêm trọng đã được đưa ra xét
xử nhanh chóng, đúng người đúng tội, khắc phục đáng kể tình trạng án
đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điều
đó cho thấy rõ quyết tâm rất lớn cũng như năng lực, bản lĩnh của Đảng,
Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng
viên, kể cả những người đã và đang giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống
chính trị.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được
dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, vừa
có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng;
được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc
tế đánh giá cao.
Ông Thomas Bo Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty
Mascot Việt Nam và Lào bình luận: "Đảng và Chính phủ phòng chống tham
nhũng, tiêu cực rất quyết liệt và theo một cách có hệ thống. Tôi cho
rằng, đây là động thái đúng đắn và cho tôi hy vọng rằng tham nhũng, tiêu
cực sẽ không diễn ra khi thấy Đảng và Chính phủ xử lý tham nhũng, tiêu
cực quyết liệt như thế cũng như nhìn thấy hậu quả nếu tham nhũng, tiêu
cực. Bên cạnh đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng,
tiêu cực cấp tỉnh mới đây cũng là một quyết định đúng".
Có thể
thấy rõ, việc xử lý những cán bộ sai phạm không những không làm cản trở
sự phát triển của đất nước như một số người lo ngại mà còn tạo thêm
nhiều xung lực mới cho đất nước phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã chỉ rõ: "Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần
rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định
chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân
dân".
Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc xử lý quyết liệt
các vụ án tham nhũng không chỉ ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn tài
sản lớn của Nhà nước mà quan trọng hơn cả là góp phần đáng kể trong
việc củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thêm xung lực mới để cổ vũ, động
viên khích lệ nhân dân tiếp tục đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Việc
xử lý những sai phạm của cán bộ cũng được tiến hành một cách cẩn trọng,
bài bản chứ không phải kiểu "phong trào" như các đối tượng chống phá,
thù địch vẫn rêu rao, quy chụp. Hơn nữa, thực chất của việc xử lý những
cán bộ sai phạm ở Việt Nam thời gian qua là "trị bệnh cứu người", góp
phần xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong
sạch, vững mạnh toàn diện. Đây là cuộc đấu tranh chống "giặc nội xâm",
không phải là cuộc đấu tranh giữa các "phe cánh", hay "đấu đá nội bộ",
"thanh trừng bè phái"… như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc
với động cơ, dụng ý xấu.
Cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng
tại một số địa phương, cấp, ngành, công tác đấu tranh phòng chống tham
nhũng, tiêu cực nói chung và việc xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên
nói riêng vẫn còn những hạn chế.
Cơ bản nhất là việc tự kiểm
tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan,
đơn vị vẫn là khâu yếu; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa
bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với biểu hiện ngày càng tinh vi khiến
cho tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của
Đảng, của chế độ. Do đó, mỗi cán bộ, người dân, cơ quan, đơn vị cần tiếp
tục nêu cao tinh thần: kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy
lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh
mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực
phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những
hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham
nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, không có vùng cấm,
không có ngoại lệ.
Từ quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong
việc xử lý cán bộ sai phạm, cũng đặt ra yêu cầu đối với mỗi cán bộ, đảng
viên phải phát huy tinh thần tự giác: "tự soi", "tự sửa", "tự chịu
trách nhiệm" trước những việc làm của mình để góp phần xây dựng đảng và
hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện./.
TS. LÊ THỊ CHIÊN (nhandan.vn)