Con số hơn 6.500 trường hợp ở các địa phương hưởng chế độ ưu đãi chính sách người có công (NCC) với cách mạng không đúng đã bị phát hiện và đình chỉ, do chính công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) phối hợp Bộ Quốc phòng, cơ quan hữu quan tiến hành đang được dư luận hết sức quan tâm.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV vừa qua, ghi nhận ý kiến tại hội trường và trả lời báo chí bên hành lang QH về tình trạng trục lợi chính sách NCC ở một số địa phương đang gây bất bình trong nhân dân. Trong triển khai thực hiện chính sách còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; tình trạng lợi dụng chính sách NCC để trục lợi diễn ra phức tạp, gây bức xúc xã hội. Nguyên nhân chính là do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và chế tài đủ mạnh; bộ máy hành chính ở một số địa phương từ cấp xã, cấp huyện trở lên khi xem xét, đánh giá, xác nhận đối tượng NCC còn chủ quan, mang tính chất gia đình, làng xã; có nơi coi việc xác nhận hồ sơ NCC cho các đối tượng để có tiền từ chính sách ưu đãi, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Do vậy, khi triển khai thực hiện không bảo đảm công bằng, minh bạch, trong đó người không đủ giấy tờ hoặc không thuộc diện hưởng chính sách đã tìm cách làm giả hồ sơ… Nhiều địa phương, cơ sở khi triển khai thực hiện còn buông lỏng quy trình xác định, thẩm định đối tượng NCC, không thể hiện được sự công bằng, dân chủ ở cơ sở; những người không có công lại được hưởng chính sách NCC, dẫn tới đơn thư, khiếu kiện, mất đoàn kết trong làng bản, thôn, xóm, xã phường...
Trả lời chất vấn tại diễn đàn QH về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng LÐ-TB và XH Ðào Ngọc Dung cho biết, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng NCC đang được tiến hành quyết liệt và đã đạt hiệu quả nhất định; bảo đảm đúng, đủ và kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm vấn đề này; nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đưa vấn đề này trở thành văn hóa trong ứng xử. Tuy nhiên, Bộ và các địa phương đã phát hiện, đình chỉ thực hiện chính sách 6.510 trường hợp, gồm: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ðến tháng 8-2018, Bộ LÐ-TB và XH đã kết thúc thanh tra ở bảy quân khu và Bộ Tư lệnh thủ đô. Kết quả cho thấy, số hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015-2018 với tổng số 66.014 hồ sơ; đến nay, Bộ trưởng LÐ-TB và XH đã quyết định đình chỉ 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng; có trường hợp khai man, có trường hợp giả mạo, có trường hợp thương binh thật nhưng hồ sơ không đầy đủ phải tạm đình chỉ. Trong đó, đã kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Bộ LÐ-TB và XH đã phối hợp xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về chính sách NCC, nhất là xử lý về Ðảng và về mặt hành chính. Các cơ quan chức năng, tòa án đã truy tố 49 vụ, trong đó, có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, xử án treo 124 người. Ðáng chú ý, thời gian gần đây, nhiều trường hợp hưởng sai chính sách NCC đã tự nguyện trả lại số tiền được hưởng không đúng quy định.
Hiện nay, Bộ LÐ-TB và XH đang tiến hành các quy trình để trình Thường vụ QH xem xét, sửa đổi toàn diện Pháp lệnh NCC với cách mạng. Ðồng thời, sẽ lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, tố giác để xem xét, xử lý, tổng kết phân loại các hành vi vi phạm, các cách thức trục lợi phổ biến cho cán bộ để phòng ngừa. Tiếp tục thanh tra số hồ sơ thương binh còn lại giai đoạn 2015-2018 trong quân đội và cả nước; cùng các địa phương thanh tra, rà soát toàn bộ 320 nghìn hồ sơ người tham gia kháng chiến bị chất độc hóa học và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm, bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật và tạo niềm tin trong nhân dân.
Với chủ trương không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách NCC để trục lợi, gây bức xúc dư luận xã hội, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương của Ðảng, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với NCC. Tính chất đặc thù, nhạy cảm và phức tạp của vấn đề đòi hỏi lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ LÐ-TB và XH và các ngành chức năng cần chủ động phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương rà soát lại hồ sơ, đối tượng tồn đọng để công nhận NCC; để NCC thật sự được hưởng chính sách NCC, tránh tình trạng NCC nhưng lại không được hưởng chính sách. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nêu cao trách nhiệm của làng, bản, thôn xóm trong tham gia thẩm định, xác định đối tượng NCC. Quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận NCC phải bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, đúng quy định. Khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chế độ chính sách; xử lý nghiêm các sai phạm, việc trục lợi chính sách NCC với cách mạng.
Trần Quyết/Nhân dân