Thứ Ba, 26/11/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 26/3/2016 9:37'(GMT+7)

Xử lý vi phạm trật tự xây dựng: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Thực hiện phá dỡ phần công trình xây dựng sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thực hiện phá dỡ phần công trình xây dựng sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đó cũng là 3 năm liên tiếp Hà Nội lấy mục tiêu năm trật tự xây dựng và văn minh đô thị để siết chặt công tác quản lý đô thị hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại hơn.

Nhưng con đường từ quyết tâm đến mục tiêu còn vướng quá nhiều rào cản từ thực tế áp dụng chính sách. Hàng loạt vụ vi phạm về trật tự xây dựng kéo dài từ năm này qua năm khác trên địa bàn thành phố vẫn cho thấy độ "nóng" còn rất lớn từ loại hình vi phạm này, đang tạo ra những bức xúc không hề nhỏ như một thách thức trên đường phát triển của một Thủ đô giàu đẹp.

Từ độ “vênh” của chính sách


Một chính sách chỉ đem lại hiệu quả khi giải quyết được những mâu thuẫn trong xã hội, khỏa lấp được những “kẽ hở” chưa có cơ chế, chế tài điều chỉnh.

Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng theo Nghị định 26/NĐ- CP chỉ là một phần trong các kế hoạch thanh tra. Song hành với Nghị định này, quy trình, thẩm quyền trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng áp dụng Nghị định 180/2007/NĐ-CP xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo hướng dẫn Luật Xây dựng đã tạo ra một sự thay đổi lớn, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa lực lượng thanh tra chuyên ngành và chính quyền cơ sở.

Tuy nhiên, trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận này, việc xử lý đối với các trường hợp sai phạm lại trở nên hết sức phức tạp và có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt, buông lỏng vi phạm và không thể điểm danh được tổ chức, cá nhân trách nhiệm cuối cùng.

Áp dụng hai Nghị định này, các cấp chính quyền được quyền ban hành các Quyết định hành chính trong việc đình chỉ, xử phạt, ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.

Trong khi đó, lực lượng Thanh tra xây dựng chỉ thực hiện được quyền kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị ủy ban nhân dân các cấp xử lý.

Có thể hiểu, quy định phân cấp này có mục đích hàng đầu là đảm bảo tính độc lập, tránh hành vi bao che, móc ngoặc tiêu cực của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiếp tay cho sai phạm. Nhưng mặt khác, quy định như vậy, vô tình đã làm giảm tính triệt để, tập trung trong xử lý vi phạm, tạo ra một “kẽ hở” nguy hiểm như “dao không lưỡi,” “búa không đầu” để đối tượng vi phạm lợi dụng.

Đến “lỗ hổng” trong thực thi


Thực tế ba năm áp dụng hai Nghị định trên tại địa bàn Thủ đô đã phát sinh những bất cập mà hệ lụy của nó làm xói mòn lòng tin của người dân đối với công tác quản lý trật tự xây dựng của thành phố, gây ra những bức xúc không nhỏ thậm chí còn dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc” của chủ đầu tư trong quá trình xử lý vi phạm.

Mới đây, dự án chung cư cao tầng Mỹ Sơn Tower (số 62 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm buộc cơ quan chức năng ra các quyết định đình chỉ thi công. 

Và điều “độc đáo” là một trong những lá đơn xin nối lại điện, nước của doanh nghiệp này lại xuất hiện “bút phê” của lãnh đạo quận Thanh Xuân yêu cầu Chủ tịch phường Thanh Xuân Trung có văn bản đến Công ty Điện lực Thanh Xuân cấp điện trở lại cho công trình bị đình chỉ.

Liệu, việc đồng ý cho cấp lại điện, nước này có trái với kiến nghị ban đầu của lực lượng thanh tra xây dựng? Nghiêm trọng hơn, việc cố tình không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan chức năng, tiếp tục thi công đã dẫn đến tai nạn sập giàn giáo xảy ra khiến bảy công nhân bị thương vào ngày 17/1.

Việc một cơ quan kiểm tra, phát hiện, lập biên bản sai phạm, một cơ quan ra quyết định xử phạt hành chính dẫn đến tính thiếu thống nhất và cũng chính là điểm yếu nhất trong toàn bộ quy trình xử lý vi phạm, thường xuyên bị đối tượng sai phạm lợi dụng. 

Đã có rất nhiều trường hợp công trình vi phạm được lực lượng thanh tra xây dựng phát hiện, làm “tròn vai” trong khâu kiểm tra, lập hồ sơ vi phạm, kiến nghị xử lý nhưng không được các cấp chính quyền vào cuộc.

Dự án trung tâm thương mại, văn phòng và nhà chung cư cao tầng để bán và cho thuê (Discovery Complex) tại 302 Cầu Giấy do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư là một trường hợp điển hình cho thấy tính thiếu thống nhất trong xử lý sai phạm.

Dự án này ngay từ khi Đội Thanh tra xây dựng Cầu Giấy được thành lập và đi vào hoạt động đã nhiều lần gửi thông báo yêu cầu chủ đầu tư công trình này cung cấp các hồ sơ liên quan đến hoạt động xây dựng để thanh kiểm tra nhưng chủ đầu tư cố tình không cung cấp. 

Và mặc dù đã hai lần bị lập biên bản về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ nhưng chủ đầu tư vẫn không hợp tác.

Sau khi phát hiện hành vi vi phạm của chủ đầu tư, Đội đã tiến hành lập biên bản và chuyển đến ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng để xử lý theo thẩm quyền. Và trong quá trình giám sát việc đình chỉ thi công, Đội đã nhiều lần có văn bản gửi ủy ban nhân dân phường đề nghị áp dụng triệt để các biện pháp đình chỉ, song, không hiểu vì lý do gì chính quyền phường lại im lặng để chủ đầu tư bất chấp các quyết định xử lý, tiếp tục thi công, gây bức xúc trong dư luận?

Khoảng trống trong công tác phối hợp giữa thanh tra xây dựng và chính quyền cơ sở còn làm nảy sinh một hành vi vi phạm mới của chủ đầu tư tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Đó là việc chủ đầu tư đã lợi dụng “kẽ hở” trong các văn bản quy phạm pháp luật để cố tình kéo dài thời gian xây dựng công trình, rồi tìm mọi cách “hợp thức hoá” sai phạm khi “việc đã rồi.”

Theo Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Cầu Giấy Phạm Văn Lợi, căn cứ theo các quy định hiện hành, chính quyền và đơn vị chức năng chỉ được phép đình chỉ công trình xây dựng khi có vi phạm trật tự xây dựng (sai phép hoặc không phép), nhưng không có quyền áp dụng đình chỉ thi công khi chủ đầu tư có hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

“Nếu chỉ lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì chủ đầu tư vẫn không sợ và cứ nộp phạt xong lại tiếp tục thi công. Do vậy, nếu quy định của pháp luật cho phép áp dụng ngay các biện pháp đình chỉ thi công đối với các trường hợp này thì chủ đầu tư mới hợp tác,” ông Lợi nói.

Không chỉ “hở” về chính sách, tồn tại trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị ở Hà Nội còn khá phổ biến với hiện tượng “sờ đâu sai đó,” buông lỏng quản lý, thậm chí chính quyền và các ngành chức năng còn “làm ngơ,” “rơi vào bẫy” hợp thức hóa sai phạm như nhiều vụ nổi cộm thời gian gần đây.

“Bịt kẽ hở,” “siết” kỷ cương

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đã đến lúc Hà Nội cần đánh giá tổng thể, chi tiết về hiệu quả áp dụng chính sách, đặc biệt là hai Nghị định trên để kịp thời có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là “bịt kín kẽ hở” trong công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra chuyên ngành và chính quyền địa phương theo hướng trao quyền xử lý triệt để cho một đầu mối là thanh tra xây dựng.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp trong quản lý cấp, thu hồi giấy phép xây dựng và đảm bảo an ninh trật tự cũng như các vấn đề xã hội trong quá trình xử lý? Có như vậy, mới tránh được tình trạng chỉ ra văn bản xử phạt mà không quyết liệt vào cuộc, không áp dụng triệt để các biện pháp xử lý dẫn đến vi phạm vẫn tái diễn phức tạp với những thủ đoạn tinh vi hơn.

Ông Hùng cho rằng để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ngoài việc điều chỉnh chính sách, các cơ quan, tổ chức, chính quyền cần nghiêm túc hơn trong xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có biểu hiện tiếp tay cho sai phạm.

Đối với lực lượng thanh tra chuyên ngành, trong khi chờ sự điều chỉnh về khuôn khổ pháp lý, cần chủ động và tăng cường có các kế hoạch phối kết hợp với chính quyền địa phương mở các đợt cao điểm về thanh, kiểm tra để cùng thống nhất các biện pháp xử lý dứt điểm khi phát hiện sai phạm.

Trước mắt, để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong xử lý vi phạm, thành phố cần nghiên cứu cơ chế cho phép lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện được quyền kiến nghị vượt cấp, phát huy vai trò của Chánh Thanh tra xây dựng nếu thấy biểu hiện thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương.

Tính linh hoạt trong tiến trình áp dụng chính sách vì mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước là một trong những việc làm luôn được khuyến khích trong đời sống thực tiễn.

Để có một Hà Nội đẹp, văn minh, một Thủ đô mỹ quan, đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc chắc chắn không phải là quá trình đơn giản, nhanh chóng. Song, chính hiệu quả từ xử lý sai phạm trong trật tự xây dựng là sự khởi đầu phù hợp nhất nhằm tạo sức răn đe, nâng cao ý thức đối với các chủ công trình; nó cũng thể hiện tính kiên quyết, thượng tôn pháp luật của các cấp chính quyền và người dân Thủ đô./.

Theo VN+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất