Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 26/1/2015 20:40'(GMT+7)

Xứ sở Kim tự tháp trong vòng xoáy bất ổn an ninh

Hàng nghìn người tập trung ở Quảng trường Ta-hơ-ria ngày 25/1/2014.

Hàng nghìn người tập trung ở Quảng trường Ta-hơ-ria ngày 25/1/2014.

AFP cho biết, an ninh đã được chính quyền Ai Cập báo động ở mức cao nhân dịp đánh dấu 4 năm sự kiện ngày 25/1/2011. Theo Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập M.I-bra-him (Mohamed Ibrahim), chính quyền đã chuẩn bị "chiến lược an ninh" nhằm bảo vệ các địa điểm trọng yếu. Xe quân đội hạng nặng đã được triển khai tại Quảng trường Ta-hơ-ria (Tahrir)-trung tâm của làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hồi đầu năm 2011. Một lượng lớn cảnh sát đặc nhiệm và lính bộ binh cũng thường xuyên án ngữ gần địa điểm này kể từ năm ngoái. An ninh được tăng cường tại khắp các ga tàu điện ngầm tại thủ đô Cai-rô. Theo AP, trong dịp lễ kỷ niệm hồi năm 2014, 108 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình với lực lượng an ninh và người dân địa phương, trong khi hơn 1000 người khác bị cảnh sát bắt giữ.

Trong khi đó, phong trào thanh niên 6/4, lực lượng từng đi đầu trong làn sóng biểu tình lật đổ ông H.Mu-ba-rắc, đã dùng các trang mạng xã hội để kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình trong ngày 25/1. Trong một tuyên bố, phong trào 6-4 cho rằng, các yêu sách của cuộc cách mạng ngày 25/1/2011 gồm "bánh mì, tự do và công bằng xã hội" vẫn chưa được thực hiện. Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL)-lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đứng đầu, cũng kêu gọi các đảng phái, các lực lượng cách mạng đoàn kết và vượt qua các bất đồng để "giành lại cách mạng".

Cho đến nay, an ninh và kinh tế vẫn là bài toán nan giải đối với chính quyền của Tổng thống En Xi-xi (Abdel Fattah el-Sisi). Các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông M.Mơ-xi (Mohamed Morsi), vị Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập sau chính biến  năm 2011, người đã bị lật đổ hồi tháng 7-2013, vẫn diễn ra gần như hằng ngày dù bị chính quyền trấn áp mạnh tay. Ngoài ra, bất chấp các chiến dịch an ninh lớn và việc khóa chặt đường biên giới với dải Ga-da của Pa-le-xtin, các nhóm thánh chiến Hồi giáo và khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda vẫn phát triển mạnh tại Bán đảo Xi-nai. Hoạt động khủng bố có xu hướng dịch chuyển sang thủ đô Cai-rô và các thành phố đông dân thuộc vùng châu thổ sông Nin, trực tiếp đe dọa các mục tiêu chiến lược như kênh đào Xuy-ê. Bên cạnh đó, nguy cơ bất ổn cũng đang rình rập tại các đường biên giới của Ai Cập, nhất là tại khu vực sa mạc trống trải ở phía Tây giáp với Li-bi.

Trong khi đó, tình trạng lạm phát lên tới 12%, trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm mạnh từ mức trung bình 6-7% dưới thời ông H.Mu-ba-rắc xuống còn khoảng 2%, thâm hụt ngân sách ở mức 34,8 tỷ USD-tương đương 14% GDP, chủ yếu do các chương trình trợ cấp hết sức tốn kém và thất thoát lớn, nợ công chiếm khoảng 80% GDP, dự trữ ngoại tệ giảm từ mức 36 tỷ USD hồi tháng 1-2011 xuống còn khoảng 17 tỷ USD. Gần 40% dân số Ai Cập, tức khoảng 34 triệu người, đang sống ở mức cận nghèo đói. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,4%, trong đó gần 70% số người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15-29 tuổi.

Theo các nhà phân tích, tất cả những vấn đề trên có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau, trong đó khôi phục an ninh là vấn đề then chốt nhất, giúp tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và giải quyết tình trạng thất nghiệp. Khi kinh tế phát triển, người dân được bảo đảm “cơm no, áo ấm” và các quyền tự do, trong khi bạo lực và khủng bố vốn có nguồn gốc từ bất công và nghèo đói sẽ không còn đất sống. Việc giải quyết các vấn đề trong nước cũng sẽ giúp Ai Cập có thêm nguồn lực để bảo vệ các lợi ích của mình và khôi phục vị thế quốc gia.

Sau 4 năm phải hứng chịu cơn địa chấn "Mùa xuân Ả-rập", đông đảo người dân vẫn nuôi hy vọng về sự chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng với những chương đẫm máu nhất trong lịch sử của xứ sở  Kim tự tháp, đồng thời mở ra giai đoạn phát triển ổn định. Tuy nhiên, viễn cảnh này chỉ đạt được khi chính quyền mới của Ai Cập có chính sách đúng đắn để thúc đẩy hòa giải dân tộc. Để làm được điều đó, MB và các lực lượng đồng minh Hồi giáo sẽ phải chấp nhận thực tế mới và đoạn tuyệt với bạo lực. Trong khi đó, về phía chính quyền, họ cũng cần tạo cơ hội cho những người Hồi giáo hướng thiện, thay vì tiếp tục đẩy họ vào chân tường và buộc họ phải lựa chọn hình thức đấu tranh cực đoan./.

Hoàng Vũ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất