Tiết trời Hà Nội mấy ngày Tết khá đẹp. Rồi các miền quê khác cũng vậy, miền Trung dịu mát, miền Nam nắng ấm, ấy là quan sát qua báo, đài, cũng như gọi điện thăm hỏi được bà con khoe thời tiết đẹp nên mới biết. Nhưng thời tiết ấy cũng chẳng nói lên nhiều điều nếu không nhớ lại đợt rét đậm, rét hại cách nay chừng 3 tuần. Đỉnh núi Ba Vì thuộc địa bàn Hà Nội còn phủ trắng tuyết; một vòng tây bắc, đông bắc ngập trong giá rét, thiệt hại về của rất lớn, vật nuôi, cây trồng chết nhiều. Ấy vậy nhưng trong khi băng giá còn phủ trắng đường, những đoàn thiện nguyện đã xuyên núi, xuyên rừng vào những bản làng xa nhất, rét nhất để giúp đỡ mọi người. Có chuyện chính người giúp đỡ cũng bị “kẹt” lại những vùng chia cắt do giá rét, đường trơn, lập tức họ lại tự biến mình thành những “phóng viên mặt trận” thông báo tình hình cho người dưới xuôi biết. Rồi những đoàn xe dưới xuôi lại nối đuôi nhau lên, và những lần sau này đi trúng, đi đúng hơn nhiều.

Đôi khi tôi nghĩ người dân mình cứu người như cứu hỏa. Thấy ai đó, hay cộng đồng nào đó tổn thương thì tất cả dường như sôi sục lên. Cái tình thương người ấy nói là xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc thì cũng đúng, nhưng nói là mới được tôi luyện thêm từ mấy thập kỷ gần đây thì càng đúng hơn. Không tin hãy cứ thử ra đường hỏi mấy cháu bé học sinh tiểu học, mầm non. Lũ trẻ này dù chưa phải là “lực lượng lao động” của xã hội nhưng cũng đã biết làm từ thiện. Mà cái cách chúng làm từ thiện thì đến cả những người chai lì cảm xúc nghe ra cũng xúc động đến rơi nước mắt. Chúng dành tiền ăn sáng, đứa vẽ tranh, làm bánh, trồng rau… để giúp người nghèo. Tôi quen cô Hồng Nhung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện Niềm tin trẻ. Cô kể rằng, câu lạc bộ có chương trình kết nối để người có điều kiện nhận đỡ đầu làm anh nuôi, chị nuôi giúp trẻ vùng khó có “bữa cơm có thịt”. Thống kê danh sách, cô thấy nhiều “anh nuôi, chị nuôi” chỉ là học sinh tiểu học, có khi còn ít tuổi hơn cả “em nuôi” của mình.

 

 

Hội làng Đọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam).


Cái mầm thiện ấy được nuôi dưỡng từ thế hệ ông bà, đến thế hệ cha mẹ, rồi đến con, cháu sau này. Từng thế hệ ươm vào một chút, để “cây thiện” xum xuê phủ bóng. Lòng thiện có thể xoay chuyển được cơ trời. Dự báo thời tiết trước đó nói rằng Tết này lại rét đậm, rét hại, nhưng xem “cơ trời” thế này thời tiết cũng phải chiều lòng người.

 

Hội xuân non nước

Mấy ngày đầu xuân, người người phấn khởi, dân gian trẩy hội, lễ chùa, khắp miền rộn tiếng hoan ca. Hội đầu xuân có vị trí quan trọng trong lòng người Việt, đó là dịp tri ân với tiền nhân. Tri ân và cũng là dịp học tập tấm gương tiền nhân, bài học về tình yêu nước. Mỗi người Việt Nam đều có nhu cầu học những bài học đó. Tình yêu nước phản ánh qua hội làng còn bao gồm tinh thần nhân đạo, đoàn kết, tương thân tương ái.

Làng Đông Thiên (ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được lập năm 1471, tương truyền vua Lê Thánh Tông bình định Chiêm Thành, bắt được 3 vạn tù binh khải hoàn hồi kinh. Số phận 3 vạn tù binh này có lẽ đã rất khác nếu không phải ở trong tay vua Lê Thánh Tông, vị minh quân thấm nhuần đạo lý “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Vua đã ban cho tù nhân đất để ở, lại dạy phải thờ vua Chăm-Trà Toàn làm thành hoàng làng, thờ Phù Dung công chúa (vợ Trà Toàn) làm mẫu để con cháu không mất gốc. Đến giờ, hơn 500 năm đã trôi qua, hội làng vẫn diễn ra ngợi ca công đức của vua Lê Thánh Tông.

Hội làng Đông Thiên đề cao tinh thần nhân nghĩa. Cạnh làng Đông Thiên có làng Mai Động vốn là đất phong của tướng Nguyễn Tam Trinh thời Hai Bà Trưng, có hội vật đề cao tinh thần thượng võ. Xa hơn một chút có làng Hoàng Mai là ấp của tướng Trần Khát Chân thời nhà Trần có hội rước, ca ngợi lòng trung nghĩa. Vậy là trong một vùng đất nhỏ, câu chuyện của mỗi làng đã phác họa những nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt. Đó là đấu tranh và xây dựng, nhân nghĩa và trung nghĩa, nhân đạo và nhân  văn… tất cả đều hài hòa, đầy đặn.

Nhà sử học Phan Huy Lê tổng kết rằng, Việt Nam ta có đến 12 thế kỷ chiến tranh trong 21 thế kỷ qua. Nghĩa là để có một ngày hòa bình, ta đã phải đấu tranh mất hơn một ngày. Có người hỏi sao Việt Nam lại chiến tranh nhiều thế, Giáo sư Phan Huy Lê đã trả lời rằng đó là bước đường cùng rồi, người Việt Nam không thể đổi hòa bình lấy nô lệ, hay lệ thuộc. Hòa bình đối với người Việt quý giá lắm nhưng độc lập, tự do còn quý giá hơn. Trong lịch sử các tiền nhân đã làm thế, từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, thời nào cũng có những anh hùng tập hợp người dân đấu tranh cho những giá trị đó. Trong cuộc sống đời thường, người Việt Nam cũng trao truyền tình yêu nước qua ca dao tục ngữ, bằng những lời hát ru câu ca đầu đời. Tất cả hun đúc trở thành tinh thần và tâm hồn người Việt.

Trẩy hội đầu xuân nhớ ơn tiền nhân mở cõi, thấy lòng người xúc động trước sự đi lên ấm no thanh bình của Tổ quốc. Hội xuân năm nay có phần đặc biệt, đó là tâm lý lạc quan tin tưởng của người dân vào sự phát triển của đất nước sau những thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII. Mùa xuân năm nay có những điều thú vị như thế.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ/ QĐND