Đứng chân trên đỉnh một ngọn núi cao hơn ngàn thước so với mực nước biển, Đồn biên phòng Pha Long bốn mùa chìm trong sương mây, gió núi thổi ào ào như bão. Quản lý 16,3 km đường biên, với 19 cột mốc, trải dài trên hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ, được mệnh danh là “cổng trời khô khát” của huyện Mường Khương, bởi nơi đây toàn núi đá vôi, rất hiếm nước, cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long nằm lòng “đồn là nhà, biên giới là quê hương; đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
“Để biến điều đó thành hành động, từ người chỉ huy đến mỗi chiến sĩ luôn sẵn sàng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói ngôn ngữ của đồng bào”; có như vậy dân mới tin, mới yêu quí và che chở, đùm bọc như người thân trong gia đình” - Trung tá Trần Đình Quang, Đồn trưởng Đồn biên phòng Pha Long tâm sự.
Dáng chắc nịch, da nâu sậm, nụ cười hồn hậu, anh Quang sải những bước dài của người quen đi rừng vượt dốc, đưa tôi đến nhà văn hóa thôn Pha Long 1, nằm trên doi đất bằng hiếm hoi ở ngang sườn núi dốc, lợp mái tôn đỏ như là bông hoa rừng khoe sắc.
Ông Vàng Seo Xóa, dân tộc Mông, một già làng có uy tín trong cộng đồng phấn khởi nói: “Ở nơi núi cao này bà con mình cũng có ti-vi xem để biết tin tức mọi miền; có đường ô-tô trải nhựa đi vào tận nhà, có trường học cho trẻ em, có trạm y tế chữa bệnh cho người già lúc đau yếu... đó là nhờ chương trình 135 của Đảng và Nhà nước. Người Mông mình đổi đời rồi, ơn Đảng và Bác Hồ nhiều lắm!”.
Quân y Đồn biên phòng Pha Long (Lào Cai) khám, chữa bệnh cho người dân địa phương.
Ở Đồn biên phòng Pha Long, có những chiến sĩ mang quân hàm xanh từ nhiều miền quê khác nhau đang sát cánh bên nhau canh giữ bình yên cho đất mẹ Tổ quốc thân yêu. Tôi gặp thiếu tá Hoàng Văn Hiền, người Từ Liêm - Hà Nội. Anh vừa cùng đồng đội đi tuần tra biên giới trở về, quần áo, giày tất ướt sũng, nhưng khuôn mặt sáng và đôi mắt lấp lánh niềm vui.
Tốt nghiệp Học viện Biên phòng Sơn Tây, Hoàng Văn Hiền vào nhận công tác ở biên giới tây nam Kiên Giang, rồi quay ngược lên biên giới phía bắc Lào Cai, về đồn Pha Long. Mùa đông, sương mù đặc quánh, đứng cách vài mét không nhìn rõ mặt, gió thốc, rét căm căm; còn mùa hè thì nóng như đổ lửa, ruồi vàng, bọ chó được dịp hoành hành. Vừa “bén rễ” vùng đất hoang sơ biên giới, vừa “bốn cùng” với bà con dân tộc để phát triển phong trào sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự ở mấy thôn giáp biên.
Ngày xuống bản “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con dân tộc Mông, Dao, Xa Phó, Thu Lao... làm thủy lợi cấy lúa, trồng ngô lai giống mới; trồng cỏ VA06 nuôi gia súc; trồng trẩu phủ xanh đất trống đồi trọc; bài trừ tập tục lạc hậu, bảo tồn điệu múa, lời ca văn hóa truyền thống... Đêm khoác áo mưa ngăn sương, chống gậy vượt núi, băng suối đến từng nhà dạy chữ, cho con em đồng bào.
Nhanh nhẹn và thuần thục như người bản địa, chàng sĩ quan biên phòng người Hà Nội dẫn tôi theo con đường dân sinh mới mở giữa ngút ngàn lau lách, đi bộ hơn chục km, vào thăm bản Ma Lù Thàng. Đây là bản khó khăn nhất của xã, với 27 hộ người Mông, giao thông cách trở.
Vừa gặp thiếu tá Hiền, trưởng bản Vàng Seo Sần hồ hởi: “Nhờ có bộ đội biên phòng giúp sức, bà con đã có ruộng bậc thang cấy lúa, biết trồng rừng giữ nguồn nước, chăn nuôi trâu bò…, đã bớt cái đói cái nghèo, con cái được đi học. Vui nhiều lắm…!”.
Thiếu tá Hiền kể lại, có đợt cắm bản “bốn cùng” dài đến sáu tháng liền, giúp dân làm thủy lợi, khai hoang ruộng bậc thang để cấy lúa nước bằng giống mới, làm chuồng trại tránh rét để nuôi gia súc. Đội “bốn cùng” do anh phụ trách đã vận động đồng bào trồng được hàng chục ha trẩu và thông mã vĩ, giờ đang khép tán xanh ngát trên những triền đồi chạy dọc biên giới.
Đến các thôn Lũng Pâu, Lồ Cố Chin, Na Măng… và xa trung tâm xã hơn 10 km như Lũng Cáng, ở đâu, đồng bào dân tộc cũng nói về bộ đội biên phòng với niềm tin yêu như nói về người thân. Trưởng thôn Lồ Cố Chin Tráng Seo Páo nhắc chuyện thượng úy Lê Đức Lập - y sĩ của Đồn đã kịp thời xử lý cứu sống cháu bé người Mông bốn tuổi, bị tiêu chảy cấp. Gặp lại ân nhân, tay bắt mặt mừng, bố cháu bé cứ ôm chặt người lính biên phòng quê Bắc Ninh, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má.
Nghẹn ngào, ông Lù vỗ vai người lính quân y: “Mình cố gắng làm ăn tốt, làm giàu để có dịp về thăm quê bộ đội biên phòng Lập, thăm thủ đô, đến nhà uống rượu kết nghĩa anh em. Chúng mình sẽ uống rượu mừng bằng bát, đúng theo phong tục người Mông mình nhé”.
Giữa trưa, chúng tôi đi dọc biên giới theo sông La Hờ hay còn gọi là sông Xanh, bởi bốn mùa nước xanh ngăn ngắt, đây là khởi thủy của con sông Chảy vạm vỡ, đổ nước quay tua bin thủy điện Thác Bà, hòa với sông Hồng ở đoạn Việt Trì - Phú Thọ, rồi chảy qua Hà Nội thân thương, cuối cùng đổ ra biển ở đất Thái Bình. Suốt gần ba km biên giới đường sông là những cột mốc, tảng đá, lùm cây, bãi bồi… đã in dấu chân những người lính biên phòng và những chàng trai, cô gái, già làng đất Pha Long anh hùng, để gìn giữ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước thân yêu.
Bí thư Đảng ủy xã Pha Long Lê Đức Hạnh nói về cách giao khoán cho từng hộ và nhóm hộ gia đình ở ba thôn giáp biên nhận giám sát, bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhờ vậy, trong năm qua, nhân dân đã cung cấp cho bộ đội Đồn biên phòng Pha Long hàng chục nguồn tin có giá trị, kịp thời xử lý việc xâm canh chồng lấn ở khu vực giáp biên, không để phát sinh phức tạp; đồng thời xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
“Bốn năm gắn bó với Pha Long, với bà con biên giới, em đã thành người miền núi rồi, được bà con dân tộc vùng cao này coi như người thân trong nhà, đó là niềm vui lớn của người lính biên phòng” - chàng trai người Hà Nội, thiếu tá Hiền bộc bạch.
Xuất kích đi tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới ở Đồn biên phòng Pha Long (Lào Cai).
Tôi hiểu rằng, đó là cách để anh và đồng đội cùng với bà con các dân tộc nơi đây kết thành sức mạnh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân để vững vàng bảo vệ biên giới, lãnh thổ, là phên dậu vững chắc của Tổ quốc.
Đồn biên phòng Pha Long đã hai lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang. Một mùa xuân mới lại về, cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long đang ra sức “rèn cán, luyện quân”; xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại; gắn bó máu thịt với nhân dân; vững vàng một niềm tin nơi địa đầu biên giới đất nước.