(TG)- Những luận điểm và mệnh đề trong tư tưởng nhân văn và phát triển của Người đang phản ảnh hơi thở của thời đại, là những giá trị mà nhân loại đang nỗ lực để hướng tới trong cuốn sách sẽ góp phần giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về những giá trị to lớn và sâu sắc trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là giá trị nhân văn và phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lý luận chính trị cho ra mắt bạn đọc cuốn sách: “Tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị nhân văn và phát triển” do nhóm tác giả PGS,TS Lê Quốc Lý; PGS,TS Phạm Ngọc Anh; TS Lê Văn Lợi tổ chức biên soạn dưới sự chỉ đạo của GS,TS Tạ Ngọc Tấn- Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cuốn sách là tập hợp, chọn lọc và giới thiệu các tham luận trong Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị nhân văn và phát triển” được tổ chức ngày 8/5/2015 tại Hà Nội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định, Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…Trong đó, toát lên một giá trị hạt nhân, cốt lõi, xuyên suốt và trường tồn, đó chính là tư tưởng nhân văn cao đẹp, tư tưởng vì con người, vì sự giải phóng và phát triển toàn diện con người. Tư tưởng nhân văn và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn sáng mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Có thể nói, giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Mục đích cao nhất của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là mong muốn con người được giải phóng triệt để và trở thành chủ nhân đích thực của đất nước, của thế giới. Cả cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nhiệt thành và không ngừng nghỉ của Người cũng không vì mục đích nào khác ngoài độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, loại bỏ những cái ác, cái xấu, vì những giá trị “chân, thiện, mỹ” cho nhân dân, dân tộc và nhân loại. Ở đâu, lúc nào và đối với bất cứ ai được gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều cảm nhận được những tình cảm chân thành, sâu sắc, sự giản dị nhưng rất đỗi thanh cao, vĩ đại ở phong cách, đạo đức, lối sống, cử chỉ, lời nói cũng như việc làm của Người.
Với ý nghĩa như vậy, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là kết tinh của văn hóa, văn hóa Việt Nam, văn hóa nhân loại, thể hiện tập trung ở trong tư tưởng của Người, lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa cái tốt với cái xấu, giữa cái cũ lạc hậu với cái mới tiến bộ, văn minh qua mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
Những luận điểm và mệnh đề trong tư tưởng nhân văn và phát triển của Người đang phản ảnh hơi thở của thời đại, là những giá trị mà nhân loại đang nỗ lực để hướng tới trong cuốn sách sẽ góp phần giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về những giá trị to lớn và sâu sắc trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là giá trị nhân văn và phát triển./.
TH