Thứ Sáu, 29/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 28/7/2009 11:55'(GMT+7)

Xuất hiện bệnh nhân cúm A/H1N1 biến chứng

Sau hơn hai tháng tiếp nhận và điều trị hơn 700 ca mắc cúm A/H1N1 tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hôm qua, bác sĩ Trần Tịnh Hiền - Phó Giám đốc bệnh viện này cho biết, khoảng một phần trăm bệnh nhân hết virus cúm chậm sau 7 đến 10 ngày. Thậm chí có bệnh nhân 14 ngày mới khỏi bệnh.

Theo nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, chủng virus cúm A/H1N1 ở Việt Nam cũng giống như trên thế giới.

Theo bác sĩ Hiền, có đến 99 phần trăm ca bệnh nhẹ, điều trị khỏi sau 3-4 ngày và không có biến chứng.

“Chúng tôi đã nghiên cứu những ca có hiện tượng kháng thuốc để xem virus có đột biến hay không nhưng thấy không xuất hiện virus đột biến. Song việc đo nồng độ thuốc tamiflu trong máu thì đang chờ kết quả”- bác sĩ Hiền cho biết.

Tuy nhiên, bệnh viện đang điều trị cho bốn bệnh nhân xuất hiện các biến chứng khi mắc cúm A/H1N1. Đa số các trường hợp đều bị biến chứng sang phổi nặng dẫn đến viêm phổi.

“Rất may các bệnh nhân này được phát hiện và điều trị kịp thời nên không có trường hợp nào nguy kịch” - bác sĩ Hiền nói.

Tại khu cách ly điều trị của bệnh viện, còn có một phụ nữ mang thai hơn 20 tuần tuổi cũng có biến chứng sau khi mắc cúm, nhưng chưa biết việc điều trị với Tamiflu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không.

Nhiều chùm cúm mới vào trường học

Sau trường tư thục Nguyễn Khuyến và Ngô Thời Nhiệm xuất hiện ổ dịch cúm, hôm qua 27/7, thêm một ổ dịch phát tán ở Trường ĐH Quốc tế RMIT. Chín sinh viên và một nhân viên của trường bị lây cúm từ sinh viên mắc cúm trước đó. Tất cả các sinh viên bị phát hiện dương tính với cúm A/H1N1 vào hôm qua đều lây lan từ sinh viên P., học chung lớp thương mại.

RMIT đóng cửa từ ngày 24/7, nhưng, do phát hiện sinh viên mắc cúm muộn, ngành y tế cho biết nguy cơ dịch lây lan khá cao.

Theo bà Trần Huỳnh Nhã Trân - Phụ trách truyền thông của nhà trường, sau khi đóng cửa, nhà trường đã liên hệ với Trung tâm Y tế Dự phòng Quận 7 đến phun thuốc sát khuẩn toàn bộ phòng học và khuôn viên xung quanh trường.

SV trường Trung học Xây dựng TPHCM được cách ly chiều 27/7. Ảnh: Lê Nguyễn

Ngoài ra, trường thông báo cho toàn thể sinh viên theo dõi sức khỏe tại nhà, liên lạc với nhà trường hoặc cơ quan y tế khi có biểu hiện nghi cúm. Bà Trân cho biết trường RMIT có 4.000 sinh viên, trong đó 200 người là sinh viên nước ngoài.

Cùng ngày, bác sĩ Trần Tịnh Hiền- Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết, Trần Thanh Tr., 14 tuổi, học sinh trường tư thục Hồng Đức ở Q. Tân Bình vừa được phát hiện dương tính với cúm A/H1N1.

Chiều 26/7, học sinh này có biểu hiện sốt cao nên được đưa đến BV Nhiệt đới làm xét nghiệm. Rất may, 1.500 học sinh của trường đang được nghỉ hè.

Hôm qua, một sinh viên khác ở trường Trung học Xây dụng TPHCM trên đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh cũng được phát hiện mắc cúm A/H1N1. Ngay khi phát hiện ca bệnh, trong trường này có hơn 400 sinh viên đang học và thi cuối kỳ.

Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Y tế Dự phòng Q. Bình Thạnh phối hợp với ban giám hiệu nhà trường đến cách ly 54 sinh viên tiếp xúc với bệnh nhân mắc cúm này.

Năm sinh viên đang có triệu chứng nghi ngờ, được ngành y tế lấy mẫu chờ kết quả xét nghiệm và cách ly. Chiều qua, lãnh đạo trường quyết định đóng cửa và cho sinh viên nghỉ hè để ngành y tế khử khuẩn, sát trùng khu vực xung quanh trường và phòng học.

 PV (theo Lê Nguyễn- Báo Tiền phong)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất