Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 12/2/2013 10:17'(GMT+7)

Xuất khẩu 2013: Nâng cao giá trị, tập trung chiều sâu

Xuất khẩu 2013 sẽ được tập trung phát triển theo hướng bền vững, hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu.

Xuất khẩu 2013 sẽ được tập trung phát triển theo hướng bền vững, hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu.

Đây là một trong những kết quả nổi bật của ngành công thương trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và là một bước chuyển quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu khi mà nhiều năm Việt Nam ở trong tình trạng nhập siêu.

Tuy nhiên, năm 2013 được dự báo còn rất nhiều khó khăn và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đặt ra chỉ là 10% so với 2012. Xung quanh những vấn đề về xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.

- PV: Xin thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật về xuất nhập khẩu trong năm 2012 của ngành Công Thương?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Kinh tế thế giới năm 2012 biến động phức tạp, khó khăn và thách thức nhiều hơn, tăng trưởng toàn cầu cũng thấp hơn so với dự báo đầu năm. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn cũng chịu nhiều tác động tiêu cực, giá một số hàng hóa nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Còn trong nước, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế... đã có tác động nhất định đến sản xuất hàng xuất khẩu, làm tăng giá thành sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ cũng như các chương trình đầu tư phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp kịp thời của Chính Phủ, đặc biệt là việc triển khai Nghị Quyết 01/NQ-CP và Nghị Quyết 13/NQ-CP nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường... hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 đạt 114,63 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Mức tăng trưởng này cao hơn 5,3% so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng trong năm 2012.

Quy mô xuất khẩu đã được mở rộng, khối lượng hàng hóa xuất khẩu gia tăng, góp phần tiêu thụ tốt lượng hàng hóa sản xuất ra. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống có khối lượng tăng khá như nhân điều, cà phê, chè, cao su, máy vi tính, sản phẩm điện tử... kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng mới như điện thoại di động, máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su, sản phẩm từ sắn... cũng tăng mạnh.

Điều này đã khẳng định chủ trương phát triển mặt hàng xuất khẩu mới từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế đang ngày càng được mở rộng.

Trong năm 2012, đã có thêm hai mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD, nâng tổng số mặt hàng xuất khẩu chủ lực lên 23 mặt hàng, với tổng giá trị xuất khẩu 101,1 tỷ USD, chiếm 88,3% kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, cân bằng cán cân thanh toán và ổn định kinh tế vĩ mô.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người đã tăng từ mức 760 USD năm 2010 lên trên 1.300 USD năm 2012, rút dần khoảng cách chênh lệch so với một số nước trong khu vực. Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, góp phần tiêu thụ hết hàng hóa nông sản của nông dân.

Xuất khẩu tăng trưởng tốt cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần cải thiện cán cân thương mại. Năm 2012 lần đầu tiên sau 20 năm liên tiếp nhập siêu, Việt Nam đã xuất siêu 284 triệu USD là kết quả đáng khích lệ.

- PV: Từ những kết quả của năm trước, trong năm 2013, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2013, Quốc hội giao chỉ tiêu cho ngành công thương về xuất nhập tăng trưởng 10% so với năm 2012 và nhập siêu kiểm soát ở mức 8% kim ngạch xuất khẩu.

Trên cơ sở chỉ tiêu Quốc hội thông qua và căn cứ vào chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, dự báo đến năm 2030 đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương xác định định hướng xuất khẩu trong năm 2013 là phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý.

Đối với nhóm hàng nông sản, mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát trển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm sinh thái có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh.

Đối với nhóm nhiên liệu khoáng sản, giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản.

Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu, từng bước tạo tiền đề chuyển sang xuất khẩu trực tiếp, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, không ngừng ứng dụng các thiết bị khoa học mới, hiện đại hóa để từng bước nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Về thị trường, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng, tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế qua để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

- PV: Có thể thấy nhiều khó khăn vẫn đang ở phía trước, nhất là các thị trường xuất khẩu chủ lực chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc. Vậy để đạt các mục tiêu trên thì ngành Công Thương sẽ có những giải pháp gì thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp theo Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, dự báo đến năm 2030.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phát triển thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc phát triển xuất khẩu, cụ thể là tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh.

Đồng thời tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn.

Riêng về nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tổn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn đã được triển khai trong năm 2012 sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2013 này.

Xin trân trọng cảm ơn thứ trưởng./.

Đức Duy (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất