Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 12/2/2009 16:9'(GMT+7)

Xuất khẩu lao động- một giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững

Những người đi lao động ở nước ngoài đang làm thủ tục tại sân bay

Những người đi lao động ở nước ngoài đang làm thủ tục tại sân bay

Ngay cả ở những tỉnh có hoạt động XKLĐ mạnh như Thanh Hóa cũng chỉ có 1.782 người của 7 huyện nghèo trên tổng số 16.890 người lao động của tỉnh đi XKLĐ trong 2 năm qua.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hầu hết các lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu đều là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, không có tay nghề nên chỉ phù hợp với những thị trường thu nhập trung bình và thấp, không đòi hỏi cao về chất lượng lao động như Malaysia, Trung Đông.

Triển khai gói giải pháp đặc thù của Chính phủ hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo nhất nước với một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa, đào tạo định hướng để lao động ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ giai đoạn 2009 - 2015. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2009-2012, sẽ thực hiện thí điểm đưa khoảng 10.000 lao động ở 61 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Con số này trong giai đoạn từ 2011-2015 sẽ là khoảng 50.000 lao động.

Người dân tại 61 huyện nghèo sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, toàn diện như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tìm thị trường XKLĐ, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, viza và lý lịch để tham gia XKLĐ, đặc biệt là xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi và hỗ trợ rủi ro cho các trường hợp XKLĐ phải về nước trước hạn.

Khoảng 2-3% số lao động phải về nước trước thời hạn đa phần vì các lý do về sức khỏe, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc do chủ sử dụng lao động gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên người lao động bị mất việc làm. Các trường hợp này sẽ được hỗ trợ bằng một lượt vé máy bay khi phải về nước.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, sau khi đi làm việc ở nước ngoài từ 3-6 tháng, người lao động có khả năng tích lũy tiền gửi về cho gia đình. Vốn tích lũy từ XKLĐ khi được hướng dẫn để đầu tư phát triển kinh tế sẽ tạo khả năng thoát nghèo bền vững cho các hộ gia đình. Mục tiêu của Đề án sẽ góp phần giảm 40.000 hộ nghèo tại 61 huyện nghèo nhất nước hiện nay.

Hôm nay (12/2), tại Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

Cả nước hiện có 61 huyện gồm 797 xã và thị trấn thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.

Dân số 61 huyện nghèo có 2,4 triệu người, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm chủ yếu từ nông nghiệp.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của khu vực; giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống của dân cư ở các huyện nghèo gấp 5 - 6 lần so với hiện nay.

Minh Hằng ( Chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất