Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 9/2/2009 22:0'(GMT+7)

Dệt may-giữ mức xuất khẩu, tạo việc làm

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Hướng tới mục tiêu kim ngạch từ 9,2 đến 9,5 tỷ USD

- Chúng tôi được biết hiện xuất khẩu dệt may đang gặp khó khăn khi phần lớn các doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng sau quý 1 năm 2009. Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có chỉ đạo, định hướng như thế nào để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn?

- Tình hình suy thoái kinh tế tại Mỹ, châu Âu và các nước khác đã gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may từ quý 4-2008. Bước sang quý 1/2009, ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới lên xuất khẩu của ngành ngày càng xấu hơn. Trước bối cảnh đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đề ra một số giải pháp để ứng phó như sau:

Trước hết mỗi doanh nghiệp đang tích cực rà soát lại điều kiện và khả năng ứng phó của mình. Giải pháp chung là “Tích cực phòng thủ bằng sản phẩm và thị phần cốt lõi với việc cải thiện năng suất, chất lượng với chi phí tiết kiệm nhất; đồng thời chủ động nghiên cứu tiến công vào các mặt hàng và thị phần mới khi có điều kiện”.

Tiếp cận mạnh hơn thị trường nội địa là hướng đi của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp FDI thì thiếu khả năng này do trước đây tập trung hết cho xuất khẩu theo đơn đặt hàng của công ty mẹ.

Cố gắng duy trì tối đa các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ và EU; tận dụng Hiệp định EPA để đẩy mạnh thị trường Nhật Bản; đồng thời với phương châm “năng nhặt chặt bị” xúc tiến nhanh vào các thị trường xuất khẩu mới như ASEAN, Đông Âu, châu Phi, Nam và Trung Mỹ… Các doanh nghiệp đã và đang tổ chức ngay trong quí 1-2009 các đoàn xúc tiến thị trường mới.

Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp lớn đang tổ chức các chuỗi liên kết theo nhóm sản phẩm cùng đẳng cấp để phát huy lợi thế cạnh tranh và cùng chia sẻ đơn hàng và lao động.

- Trước những khó khăn hiện nay, liệu ngành dệt may có đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu không, thưa ông?

- Ngành dệt may trong năm 2009 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, tổng cầu hàng dệt may trên thế giới có thể giảm 15%, do vậy ngành dệt may Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất lớn mới có thể hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 9,2 đến 9,5 tỷ USD.

Khó khăn trước hết là khủng hoảng tài chính và các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp diễn, khiến cho phân khúc hàng dệt may cao cấp của Việt Nam bị ảnh hưởng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các tập đoàn lớn trên thế giới theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới cũng tạo sức ép lớn với các doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa...

Mặc dù vậy, nhờ có chiến lược phát triển dài hạn dựa trên bốn lợi thế được các đối tác nước ngoài đánh giá cao (chất lượng; giá thành; quan hệ lao động hài hoà; môi trường thân thiện) nên vẫn có nhiều hy vọng đem lại mức tăng trưởng cho ngành dệt may Việt Nam.

- Nhiều người cho rằng trong lúc suy thoái kinh tế thì hàng giá rẻ phải được ưu tiên trong chiến lược của ngành. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn nên duy trì các mặt hàng có giá trị cao, bởi những khó khăn hiện nay của kinh tế Mỹ, châu Âu, thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam chỉ là ngắn hạn và về lâu dài những thị trường này vẫn ưa chuộng hàng có giá trị cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở rộng sang các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trong “nguy” có “cơ”...

- Các chuyên gia cho rằng trong “nguy” có “cơ”. Cuộc suy thoái kinh tế hiện nay cũng tạo ra những cơ hội nhất định cho các doanh nghiệp dệt may như mua lại, chiếm thị phần của các doanh nghiệp nước ngoài bị phá sản… Chúng ta có khả năng chớp các cơ hội này không, thưa ông?

- Chắc chắn là có một số cơ hội mà chúng ta có thể tận dụng được như: đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản nhờ EPA vừa được ký kết giữa hai nước; giành thị phần tại thị trường nội địa và một số thị trường xuất khẩu khác mà chúng ta có ưu thế hơn; đặc biệt là một số doanh nghiệp có điều kiện, có thương hiệu và mối quan hệ truyền thống với các nhà nhập khẩu và bán lẻ trên thế giới, có năng lực trụ được trong cơn suy thoái… thì cũng có thể mua lại những nhà máy bị phá sản. Chính vì vậy, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đã đề xuất với Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được chọn mua rẻ những nhà máy này mà không phải qua thủ tục đấu thầu.

- Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các thị trường đều thu hẹp, xuất khẩu khó khăn. Vậy chiến lược hướng tới thị trường nội địa của ngành dệt may như thế nào? Hiện thị phần tại thị trường nội địa của ngành dệt may Việt Nam ra sao?

- Với dân số hơn 86 triệu người, thị trường nội địa được coi là rất tiềm năng cho các doanh nghiệp hướng tới trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó khăn. Đến năm 2010, doanh thu hàng may mặc có thể đạt đến 6 tỉ USD tại thị trường nội địa. Vì vậy, có thể nói sức tiêu thụ của thị trường còn tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp may mặc trong nước. Các doanh nghiệp cần tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu riêng cho mình, thậm chí mua thương hiệu của nước ngoài để bán hàng ngay tại thị trường nội địa cũng như thay đổi hình thức đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các nhà thiết kế và nhà sản xuất, bán lẻ, phương tiện nghe nhìn, quảng cáo…

Hạn chế thấp nhất tình trạng lao động mất việc làm

- Trong năm 2009, khi cơn suy thoái kinh tế đang là mối đe dọa với tất cả các doanh nghiệp thì việc làm cho người lao động đang là một mối lo lớn. Xin ông cho biết thực trạng việc làm đối với lao động ngành dệt may hiện nay?

- Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo đầy đủ về tình trạng mất việc làm đối với lao động trong ngành dệt may. Nhưng qua một số thông tin tôi nắm được thì toàn ngành đã có khoảng 10.000 lao động bị mất việc làm. Tất nhiên, có một thực tế là một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, nhưng lại có những doanh nghiệp khác mua lại cơ sở hạ tầng, thu nhận thêm nhân công. Vì thế, chúng ta có thể hy vọng số lao động mất việc không quá lớn.

- Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có chỉ đạo gì để bảo đảm an sinh xã hội, có hỗ trợ gì cho người lao động mất việc? Ông có đề xuất gì với Chính phủ trong vấn đề này?

- Ổn định công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động là mục tiêu số một của các doanh nghiệp trong ngành. Để hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện nhanh chóng cải thiện đời sống cho người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Hiệp hội đã kiến nghị:

- Tạm thời chưa áp dụng thu bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi hết suy thoái kinh tế thế giới. Trước mắt, Chính phủ hỗ trợ công nhân mất việc làm tại các doanh nghiệp đóng cửa mỗi người 2 tháng lương trong thời gian họ đi tìm công việc mới.

- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dành 1,5% trong số 2% phí công đoàn do doanh nghiệp thu nộp để tại cơ sở để cải thiện đời sống người lao động.

- Không khấu trừ 28% thuế thu nhập cá nhân trên quỹ tiền lương năm 2008 mà doanh nghiệp để lại dự phòng cho năm 2009.

- Hỗ trợ 1% kim ngạch xuất khẩu thanh toán mà doanh nghiệp đạt được để tăng thu nhập cho người lao động.

- Xin cảm ơn ông.

HỒ QUANG PHƯƠNG (Báo QDND)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất