Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 5/10/2012 22:0'(GMT+7)

Xuất khẩu và những vấn đề cần quan tâm

Khu vực thị trường xuất khẩu (Tỷ USD)- Nguồn: Tổng Cục Thống kê

Khu vực thị trường xuất khẩu (Tỷ USD)- Nguồn: Tổng Cục Thống kê

“Không bỏ trứng vào một giỏ”

Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ tăng 17,7%, tuy thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung (18,9%), nhưng đây là thị trường lớn nhất, chiếm tới 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với “tiến độ” như 9 tháng qua, kỳ vọng cả năm sẽ đạt 19,6 tỷ USD, vượt xa so với kỷ lục đã đạt được trong năm 2011.

Với một thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới lên đến gần 2.357 tỷ USD (năm 2010), thì đây có thể được coi là thị trường còn vô hạn đối với Việt Nam (vì hàng nhập khẩu của Việt Nam chiếm chưa đến 1%). Với các lợi thế về giá cả, có trên dưới 1,5 triệu Việt kiều sinh sống tại đây… thì Mỹ là thị trường còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, không nên tập trung vào một số mặt hàng để tránh “bỏ trứng vào một giỏ” dễ bị kiện phá giá…

EU là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chiếm 17,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù ở khu vực này đang “thắt lưng buộc bụng”, nhưng tăng trưởng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đã tăng tới 23,5%, cao hơn tốc độ tăng chung. Với khu vực thị trường này, Việt Nam đã có vị thế xuất siêu lớn (7,5 tỷ USD). Với “tiến độ” như 9 tháng qua, kỳ vọng cả năm sẽ vượt qua mốc 19 tỷ USD, vượt xa so với kỷ lục 16,5 tỷ USD đã đạt được vào năm 2011. Vấn đề đặt ra đối với khu vực thị trường này là mở rộng mạnh hơn việc xuất khẩu sang các nước thuộc khu vực Đông Âu trước đây mới gia nhập EU; nên rải ra nhiều loại mặt hàng hơn và những mặt hàng phù hợp với điều kiện “thắt lưng buộc bụng” ở nhiều nước trong khu vực này.

Cải thiện vị thế

ASEAN là thị trường truyền thống và gần gũi của Việt Nam, chuẩn bị bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn giữa Việt Nam và khu vực này. Xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN chiếm 14,8% tổng số xuất khẩu của Việt Nam; đáng lưu ý so với cùng kỳ đã tăng tới 26,1%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung.

Với “tiến độ” của 9 tháng qua, kỳ vọng khả năng cả năm sẽ đạt được trong năm 2011. Vấn đề đặt ra đối với khu vực này là tranh thủ thời cơ mở cửa hội nhập sâu rộng hơn để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu (9 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ ASEAN là 2,9 tỷ USD, trong đó nhập siêu lớn từ Singapore trên 3 tỷ USD, Thái Lan gần 1,2 tỷ USD…)

Nhật Bản là thị trường lớn nhất ở khu vực Đông Bắc Á, chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng tới 28,8%- cao nhất trong các khu vực thị trường và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung. Đáng lưu ý, trong quan hệ buôn bán với Nhật Bản, Việt Nam đã chuyển từ vị thế nhập siêu từ năm 2010 trở về trước sang vị thế xuất siêu nhẹ trong năm 2011 (381 triệu USD) và xuất siêu lớn hơn trong 9 tháng năm nay (1 tỷ USD).

Với “tiến độ” của 9 tháng qua, kỳ vọng cả năm sẽ đạt 12,9 tỷ USD, vượt xa so với kỷ lục 10,8 tỷ USD đã đạt được trong năm 2011. Vấn đề cần quan tâm đối với thị trường này là cần khai thác lợi thế Hiệp định Thương mại song phương đã ký kết từ mấy năm trước, lợi thế Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam ở khu vực Đông Bắc Á, lại là thị trường có chung biên giới. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã chiếm 11,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang đây đã tăng 20,5%, cao hơn tốc độ tăng chung và cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu của Việt Nam từ CHND Trung Hoa. Với “tiến độ” của 9 tháng qua, kỳ vọng khả năng cả năm, Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này vượt qua mốc 12,5 tỷ USD, cao hơn kỷ lục 11,1 tỷ USD đã đạt được vào năm 2011. Cần khai thác thị trường gần, có dân số đông nhất thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu khá lớn (năm 2011 gần 13,5 tỷ USD, 9 tháng năm nay ở mức 11,3 tỷ USD).

Hàn Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tại khu vực Đông Bắc Á, chiếm gần 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong 9 tháng qua, xuất khẩu sang đây tăng 11,5%, vừa thấp hơn tốc độ tăng chung, vừa thấp hơn tốc độ tăng tương ứng 19,5% của nhập khẩu. Vấn đế đáng quan tâm là trong quan hệ buôn bán với Hàn Quốc, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn (7,4 tỷ USD).

Mới qua 9 tháng, đã có 21 thị trường đạt trên 1 tỷ USD; ngoài Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, còn có 17 thị trường khác, trong đó có Malaysia, Đức, Hongkong (Trung Quốc), Australia, Thái Lan, Anh, Singapore, Hà Lan, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia… Ngoài việc cần quan tâm đến vấn đề nhập siêu, cần quan tâm đến mở rộng thị trường, đáng chú ý là các thị trường rộng lớn như châu Phi, Trung Á, Đông Âu, Nam Mỹ.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất