Thứ Tư, 27/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 21/5/2017 14:57'(GMT+7)

Xúc động các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm sinh nhật Bác tại Pháp

Các đại biểu dành một phút mặc niệm thể hiện lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh : Bích Hà/Vietnam+)

Các đại biểu dành một phút mặc niệm thể hiện lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh : Bích Hà/Vietnam+)

Các hoạt động được tổ chức gồm lễ dâng hương trước bàn thờ Bác tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, lễ đặt hoa tại số 9 ngõ Compoint và trước tượng Bác tại công viên Montreau, thành phố Montreuil, ngoại ô Paris.

Đến dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đang có chuyến thăm và làm việc tại Pháp. Đông đảo bà con người Việt tại Pháp, bạn bè Pháp, cán bộ và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đã tham dự hoạt động kỷ niệm trên.

Sau lễ dâng hương, đoàn đại biểu do Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã tới đặt hoa trước cửa nhà số 9, ngõ Compoint, thuộc quận 17, Paris. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động trong giai đoạn từ 14/7/1921 đến 14/3/1923.

Căn phòng nơi Bác ở trọ nằm trên tầng 3 của ngôi nhà cũ kỹ trong ngõ cụt thuộc một khu phố nghèo ở Paris. Căn phòng chỉ rộng 9m2, vừa đủ kê chiếc giường cá nhân, một bàn nhỏ và một chiếc ghế.

Để chống chọi với cái giá lạnh của mùa Đông nước Pháp trong những năm tháng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc vẫn thường đặt một viên gạch vào bếp lò của chủ nhà sáng ra trước khi đi làm, và đến chiều về, lấy viên gạch ra, bọc ra ngoài bằng những tờ báo cũ rồi để trên giường để sưởi ấm.

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết tòa nhà cũ nát sau này đã bị chính quyền thành phố Paris dỡ bỏ. Vào năm 1983, chính quyền thành phố Paris và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã một gắn tấm biển bên ngoài tòa nhà mới được xây tại vị trí của cũ. Tấm biển ghi: “Tại đây, từ năm 1921-1923, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu vì độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức.”

Tiếp đó, đoàn đại biểu đã đến đặt hoa trước tượng Bác trong viên công viên Montreau tại thành phố Montreuil. Tại đây, đã diễn ra buổi lễ trang trọng với sự có mặt của lãnh đạo thành phố Montreuil, đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp (PCF) và nhiều hội đoàn hữu nghị Pháp-Việt.

Trước khi buổi lễ bắt đầu, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, thể hiện lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản đã trọn đời đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Tại đây, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình đã xúc động phát biểu: “Nước Pháp là điểm đặt chân đầu tiên của Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã đi qua nhiều thành phố của Pháp, từ Marseille đến Paris, Montreuil, Le Havre, Tours... Người cũng đã có mặt tại nhiều nước thuộc nhiều châu lục trên thế giới. Con đường cứu nước đó đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản, suốt đời đấu tranh cho những tư tưởng và giá trị thiêng liêng là độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái. Những giá trị đó cùng với tư tưởng về con đường cách mạng của Người đã trở thành nguyên tắc cơ bản dẫn dắt thành công cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay.”

Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng buổi lễ đặc biệt có ý nghĩa khi được tổ chức tại thành phố Montreuil, một địa danh đã trở nên hết sức gần gũi đối với mỗi người Việt Nam, nơi có Không gian Hồ Chí Minh - là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng của Bác trong suốt thời gian hoạt động tại Pháp.

Ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết Việt-Pháp đang phát triển rất tốt đẹp, đã trở thành quan hệ đối tác chiến lược. Theo ông, đây là kết quả của quan hệ đã được khởi nguồn từ mối quan hệ lịch sử mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt những nền móng đầu tiên.


Các đại biểu làm lễ dâng hương trước Ban thờ Bác tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)



Không gian Hồ Chí Minh cùng với tượng đài Bác tại công viên Montreau là minh chứng sống động cho tình hữu nghị và sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp.

Về phần mình, Thị trưởng thành phố Montreuil, Patrick Bessac đã mở đầu bài phát biểu bằng những vần thơ được trích từ tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác. Theo ông, những vần thơ “Thân thể ở trong lao; Tinh thần ở ngoài lao; Muốn nên sự nghiệp lớn; Tinh thần càng phải cao,” đã đi sâu vào tâm thức người Việt Nam, trở thành lời kêu gọi tất cả mọi chiến sĩ cộng sản trên toàn thế giới thể hiện sự dấn thân, quyết tâm vượt qua các thử thách để thực hiện ước mơ cao đẹp về một thế giới hòa bình và tự do.

Thị trưởng Bessac cũng nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã giành được chiến thắng có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Chiến thắng đó đã là hồi chuông cáo chung của chủ nghĩa thực dân, là nguồn cổ vũ động viên vô cùng to lớn đối với các dân tộc bị áp bức đứng lên bẻ gãy xiềng gông nô lệ.

Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân mà tên tuổi và sự nghiệp được nhắc đến rất nhiều bên cạnh rất nhiều các danh nhân khác trên thế giới như Jawaharlal Nehru, Nelson Mandela...

Đối với những người cộng sản Pháp, ngày hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn động viên to lớn cho để thực hiện cuộc cách mạng chưa hoàn thành vì tiến bộ nhân loại.

Tiếp sau buổi lễ, các đại biểu đã thăm Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống của thành phố Montreuil. Được tận mắt chứng kiến nhiều hiện vật và tư liệu quý về Bác Hồ đang được lưu giữ tại đây với sự trân trọng của các bạn Pháp như cánh cửa bằng gỗ và tấm biển căn nhà số 9 ngõ Compoint, chiếc bồn rửa mặt trong căn phòng trước đây của Bác, tấm thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, những bức thư mà Bác viết cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp..., Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình đã xúc động cảm ơn chính quyền và nhân dân thành phố Montreuil, cán bộ và nhân viên Bảo tàng Lịch sử sống đã chăm lo, giữ gìn, bảo quản các kỷ vật đó.

Ông cũng căn dặn cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện đang công tác tại Pháp, kiều bào tại Pháp tiếp tục đóng góp vào việc giữ gìn và bảo tồn các hiện vật và các địa danh nhằm phát huy các giá trị lịch sử cho các thế hệ mai sau./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất