Với
chủ đề năm nay “Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc," ban tổ chức
chương trình đã phát đi thông điệp của hòa bình, cái nhìn rõ ràng hơn về
những hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng
trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như nỗi đau không gì bù đắp nổi
của các nạn nhân.
Chiều 10/8, Hội Hữu nghị Nhật
Bản-Việt Nam đã tổ chức “Ngày Da cam Việt Nam” lần thứ ba tại Nhà văn
hóa Musashino ở thủ đô Tokyo.
Cả hội trường Nhà văn hóa Musashino chật kín khách tham dự, số lượng
khách đông đến nỗi nhiều người chấp nhận đứng để xem chương trình. Với
chủ đề năm nay “Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc," ban tổ chức
chương trình đã phát đi thông điệp của hòa bình, cái nhìn rõ ràng hơn về
những hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng
trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như nỗi đau không gì bù đắp nổi
của các nạn nhân.
Nội dung “Ngày Da cam Việt Nam” lần thứ ba gồm ba phần chính: trình
chiếu phim, hội thảo chuyên đề về da cam/dioxin và hòa nhạc từ thiện.
Điểm nhấn của chương trình năm nay là bộ phim tài liệu đầu tay của nữ
đạo diễn Sakada Masako sản xuất năm 2007 mang tên “Hana wa doko e itta”
(tên tiếng Anh là "Agent Orange – A personal requiem" (tạm dịch “Chất
độc da cam – Lễ cầu siêu của riêng tôi”)), lấy từ tên bài hát trong
phong trào phản chiến ở Mỹ thập niên 1960 mang tên “Where have all the
flowers gone?” (Đâu hết rồi những đóa hoa?).
Bộ phim tài liệu từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở cả Nhật Bản
và quốc tế này đã tạo ấn tượng mạnh đối với người xem bởi chính câu
chuyện đặc biệt của tác giả.
Bắt đầu bằng câu chuyện của chồng bà, Greg Davis, một cựu binh Mỹ từng
tham chiến tại Việt Nam. Năm 2003, bệnh ung thư gan phát tác do chất độc
da cam đã cướp đi sinh mạng của Davis khi ông mới 54 tuổi, và để lại
một câu hỏi lớn cho người vợ Nhật Masako về một sự thật cần được làm
sáng tỏ - đó là vì sao loại hóa chất làm rụng lá mà các công ty hóa chất
Mỹ điều chế để rải trên chiến trường Việt Nam đã hủy hoại Greg và cướp
đi vị hôn phu của bà.
Bộ phim là những chia sẻ tận đáy lòng của một người phụ nữ mất chồng vì
chất độc da cam/dioxin, đồng thời mang đến cho người xem cái nhìn chân
thực về những tác hại khủng khiếp của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam
thông qua những hình ảnh của các nạn nhân, câu chuyện của các nhân
chứng, trong đó có chồng bà, và những thước phim tài liệu về chiến tranh
Việt Nam. Chất độc da cam/dioxin gây ra nỗi đau cho không chỉ các gia
đình nạn nhân Việt Nam mà cả những gia đình Mỹ có người thân tham chiến ở
Việt Nam.
Một số khán giả đã không kìm nổi những giọt nước mắt trước những hình
ảnh đầy xót xa của các em bé da cam Việt Nam và câu chuyện của những gia
đình nghèo khó bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc.
Trong phần hội thảo chuyên đề, đạo diễn Masako và phóng viên ảnh quốc tế
Goro Nakamura đã chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm của bản thân về
những tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với con người. Ông Nakamura
đã chụp được những bức ảnh gây tiếng vang không chỉ ở Nhật Bản về chất
độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và các nạn nhân của hóa
chất độc hại này.
Hai bộ ảnh nổi tiếng “Mẹ tôi nhiễm chất độc da cam” và “Chất độc da cam
trên chiến trường” của Nakamura là bằng chứng rõ ràng nhất về tác hại
của da cam/dioxin, góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ trong cuộc chiến pháp
lý với các công ty hóa chất Mỹ nhằm giành lại sự công bằng cho các nạn
nhân.
Cuối chương trình là buổi hòa nhạc từ thiện do các ca sỹ, nhạc sỹ Nhật
Bản và Việt Nam trình diễn với thông điệp xoa dịu nỗi đau da cam. Ngoài
ra, “Ngày Da cam Việt Nam” cũng là dịp để các tình nguyện viên trong Hội
Hữu nghị Nhật-Việt bày bán sách, đồ lưu niệm và các sản phẩm thủ công
do các nạn nhân da cam Việt Nam làm ra, để gây quỹ từ thiện./.
Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)