Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 24/10/2008 19:52'(GMT+7)

Ý kiến nhân dân : Cần tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam thể hiện truyền thống "Tôn sư trọng đạo"

Nhiều năm qua, có nhiều trường học trong cả nước đã tổ chức trọng thể ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường, tại lớp học, không để học sinh đến tận nhà chúc mừng thầy cô. Nhưng trong thực tế vẫn còn không ít trường trong cả nước vẫn để tình trạng học sinh lũ lượt đến tận nhà chúc mừng thầy cô, vừa gây phiền hà, vừa làm cản trở giao thông. Có không ít tai nạn giao thông đã xảy ra và nhiều hiện tượng khác chưa đẹp. Để hạn chế tình trạng trên, năm nay cần tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam trọng thể hơn, có nét đẹp văn hoá.

Đông đảo nhân dân ta, quân đội ta rất biết ơn các thầy, cô giáo đã có công lớn trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ trở thành nhân tài của đất nước, nên đã cùng nhà trường, xã hội giáo dục con em mình thành người tài đức. Đông đảo nhân dân khắp nơi mong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm, sớm ban hành và chỉ đạo chặt chẽ cách tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay lung linh, rực rỡ truyền thống Tôn sư trọng đạo. Nên tổ chức ngay tại trường, tại lớp.

Kiên quyết nghiêm cấm tình trạng học sinh lũ lượt đến nhà thầy cô chúc tụng, tặng quà cáp, phong bao làm phiền hà nhân dân. Kiên quyết không để một học sinh nào bị tai nạn giao thông như nhiều năm trước đây. Các cấp, các ngành, nhà trường, hội Cha mẹ học sinh nên dành kinh phí thoả đáng để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các nhà giáo giỏi, học sinh giỏi, các bậc phụ huynh học sinh có những thành tích xuất sắc cộng tác với nhà trường giáo dục con em, các cựu giáo chức có những thành tích xuất sắc, tiêu biểu. Các giấy mời họp mặt ngày truyền thống năm nay nên ghi rõ: Đề nghị không tặng phong bì, quà cáp tốn kém, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân. Vì nhiều năm qua có không ít chuyện xung quanh chiếc phong bì 20-11 gây phiền hà cho nhân dân, nhất là những gia đình nghèo, gia đình chính sách hậu phương quân đội khó khăn. Mong trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy cô đương chức hoặc đã về hưu đều nhận được những sự thăm hỏi ân cần, chu đáo, có nét đẹp văn hoá, những bức thư của những học trò cũ đương chức hoặc đã về hưu. Cùng với điều đó là những tình cảm biết ơn các nhà giáo của nhân dân thì kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam nhất định sẽ tô đẹp thêm truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Trong dịp kỷ niệm nên dành thời gian toạ đàm giữa nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh, các đại biểu đến chúc mừng, để mọi người được hiến kế: Làm gì để có một năm học mới thắng lợi; làm gì để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Hai không" và cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"? Làm gì để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực với 5 yêu cầu như Chỉ thị 40 của Bộ GD-ĐT đề ra: Một là nâng cấp cơ sở vật chất; hai là phát huy tinh thần chủ động, tự giác của học sinh; ba là đổi mới phương pháp dạy học; bốn là tăng cường giáo dục văn hoá, truyền thống cách mạng cho học sinh; năm là không gây quá tải, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt, trong toạ đàm cần làm cho mọi người tranh luận sôi nổi để nhận thức được sâu quy luật cơ bản nội lực quyết định chất lượng giáo dục, ngoại lực là quan trọng, chủ thể của việc học là người học, để từ đó có phương pháp hiệu quả nhất trong sự nghiệp trồng người.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay cần đề cao nghề dạy học là một trong những nghề cao quý nhất, cần tuyên truyền hàng loạt các giải pháp và chế độ chính sách của Nhà nước ta đối với các nhà giáo phải được nghiêm chỉnh thực hiện gắn với việc phát huy truyền thống Tôn sư trọng đạo. Làm được như vậy, nhất định ý nghĩa sáng ngời của ngày 20-11 sẽ được toả sáng./.

Nguyễn Cảnh, Cụm 6 thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất