Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 15/2/2010 21:49'(GMT+7)

Y tế Việt Nam năm 2009: Thành tựu và sự kiện nổi bật

1. Bổ sung, hoàn thiện nhiều chính sách phát triển hệ thống y tế:

Năm 2009, Bộ Chính trị ban hành các Kết luận số 42, 43 và 44 về lãnh đạo công tác y tế; Quốc hội khoá XII thông qua Luật Bảo hiểm y tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc ban hành các văn bản trên được đánh giá là 3 trong số 10 thành tựu nổi bật trong năm 2009 của ngành Y tế.

Các kết luận của Bộ Chính trị về lãnh đạo công tác y tế được ban hành trong năm liên quan tới nhiều vấn đề lâu nay vốn là những bức xúc trong lĩnh vực y tế: đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính (trong đó có tiền lương và giá dịch vụ y tế) đối với các cơ sở y tế công lập; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; thực hiện Nghị quyết 47 – NQ/TW về công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định hệ thống y tế công lập phải giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt trong việc giữ vững định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và bảo đảm an sinh xã hội; đồng ý về chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong ngành Y tế. Bộ Chính trị đánh giá cao kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 46 – NQ/TW của Bộ chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Bộ Chính trị khẳng định kết quả đạt được trong công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị nhằm bảo đảm dân số ổn định, nâng cao chất lượng dân số và bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý.

Việc ban hành và thực hiện Luật Bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia, với những điểm mới rất đáng quan tâm, đó là áp dụng đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo nhiều mức, theo các tuyến, hạng BV và các nhóm đối tượng khác nhau, mở rộng thêm nhóm đối tượng vốn trước đây không nằm trong diện được xét hưởng…

Luật Khám bệnh, chữa bệnh với các quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm các điều kiện khám bệnh, chữa bệnh, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Các loại hình dịch vụ y tế dù thuộc khu vực nhà nước hay tư nhân đều hoạt động trong một mặt bằng pháp lý, không có sự phân biệt giữa hai khu vực này.

2. Hệ thống y tế và y tế cơ sở được củng cố và phát triển.

Cho đến cuối tháng 12 năm 2009, 100% số xã và 90% số thôn bản đã có cán bộ y tế hoạt động, 69% số xã có bác sỹ làm việc, hơn 65% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 70% số xã đã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ BHYT. Hầu hết các tỉnh đã thành lập Phòng y tế huyện, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.

Nhiều trường y tế được thành lập mới hoặc nâng cấp như: Trường đại học Y Dược Vinh, Trường trung cấp y tế Bắc Cạn (trên cơ sở trung tâm đào tạo cán bộ y tế Bắc Cạn) và Trường Đặng Văn Ngữ (trên cơ sở lớp trung cấp trong Viện Sốt rét – Côn trùng, ký sinh trùng Trung ương); thành lập 5 trường cao đẳng y tế trên cơ sở trường trung cấp y tế: Điện Biên, Sơn La, Hưng Yên, Ninh Bình, Lâm Đồng.

Thành lập Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm miền Bắc và Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm miền Trung và miền Nam. 62 tỉnh, thành phố thành lập chi cục An toàn VSTP theo Thông tư 12 – BYT-BNV; thành lập lại 421 trung tâm y tế dự phòng huyện theo Thông tư 03 – BYT-BNV; 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục Dân số - KHHGĐ theo Thông tư số 05 – BYT-BNV; 62 tỉnh, thành phố đã thành lậpThanh tra y tế và Thanh tra ATVSTP.

Hệ thống bệnh viện công lập được giữ vững, củng cố và phát triển. Thực hiện Nghị quyết 18/NQ- QH12, năm 2009, ngành Y tế đã xây dựng đề án đầu tư nâng cấp bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa liên huyện và đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 47/QĐ-TTg và Quyết định số 930/QĐ-TTg cho phép sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ hơn 2.000 tỷ đồng (trong gói 20.000 tỷ đồng) để thực hiện nâng cấp 621 cơ sở y tế tuyến huyện và 16 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh vùng khó khăn và một số bệnh viện chuyên khoa, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại địa phương. Nhiều bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, bước đầu ngăn chặn được tình trạng xuống cấp.

3. Công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế ngày càng được chú trọng. Tại các cơ sở đào tạo công lập đã mở thêm nhiều mã ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, đồng thời khuyến khích các cơ sở đào tạo ngoài công lập phát triển, triển khai đào tạo theo nhu cầu của người học, theo địa chỉ cho các tỉnh, vùng khó khăn, quan tâm đến đào tạo chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ thuật cao. Đã có hàng ngàn cán bộ y tế đi học tập, chuyển giao công nghệ, tiếp cận với các kỹ thuật y tế mới, nâng cao trình độ quản lý. Vì vậy, mặc dù đầu tư còn thấp nhưng đến nay, đa số các kỹ thuật y tế mới, kỹ thuật cao đã và đang được sử dụng có hiệu quả ở nước ta, góp phần hạn chế người dân phải đi khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài.

Đề án luân phiên cán bộ theo Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT ngày 26 -5- 2008 của Bộ Y tế cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới đã đạt được thành tựu nổi bật trong nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên đồng thời chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới. Đề án luân phiên cán bộ được đánh giá là sự kiện nổi bật thứ 4 của ngành Y tế trong năm 2009. Nhờ việc thực hiện Đề án này, trong năm 2009, đã có 64 bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên với tổng số 1.846 lượt, hỗ trợ 26 chuyên ngành; chuyển giao 1.023 kỹ thuật, trong đó 80,9% kỹ thuật bệnh viện tuyến dưới đã tự thực hiện được sau khi nhận chuyển giao.

4. Ngành Y tế đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhờ đó, mức độ thụ hưởng các dịch vụ y tế của người dân được tăng lên rõ rệt, số lần khám bệnh tăng từ 1,87 lần/người vào năm 2001 lên 2,5 lần vào năm 2009, cũng trong thời gian này, số người bệnh và số ngày điều trị nội trú tăng gần 25%, số phẫu thuật, thủ thuật tăng trên 50%, phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khoẻ của nước ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Việc khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách xã hội, người cao tuổi, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi, bước đầu triển khai chính sách BHYT theo Luật BHYT đặc biệt được chú trọng và đã có những bước tiến mới. Công tác chống quá tải bệnh viện tuyến trên đã đạt được kết quả đáng khích lệ, qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, chuyển giao công nghệ, tăng cường cán bộ y tế cho tuyến dưới, và cải thiện tình trạng chuyển tuyến đã góp phần giảm được gần 30% tỷ lệ quá tải so với năm trước.

Công tác phòng chống dịch bệnh đạt được nhiều kết quả khả quan, không để dịch lớn xẩy ra sau thiên tai, thảm họa tại khu vực miền Bắc và miền Trung; kiểm soát chặt chẽ dịch cúm A H1N1, hạn chế tối đa trường hợp mắc và tử vong; hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II vc xin cúm A (H5N1) và sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm vác xin cúm A (H1N1), có khả năng đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2010; phòng, chống kịp thời dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm; giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết và tỷ lệ chết/mắc so với cùng kỳ năm 2008.

5. Công tác Dân số - KHHGĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống công tác DS – KHHGĐ đã từng bước ổn định và hoạt động có hiệu quả. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục DS-KHHGĐ; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên có xu hướng giảm từ 1,31% năm 2005 xuống còn dưới 1,20% năm 2009 và dự kiến đạt 1,14% vào năm 2010. Giảm tỷ suất sinh đạt được mục tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 20,8% vào năm 2005 xuống còn 16% vào năm 2009; chất lượng dân số từng bước được cải thiện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 95%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn dưới 18,9% vào năm 2009. Chỉ số HDI của Việt Nam đứng thứ 116/177 nước, tăng 8 bậc so với năm 2005.

Một điểm nổi bật khác trong năm 2009 là tỷ trọng sản xuất thuốc trong nước tăng gần 10% so với năm trước, đáp ứng trên 50% nhu cầu, bảo đảm đủ thuốc có chất lượng cung cấp cho người dân; hạn chế tối đa tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Chất lượng thuốc đã bảo đảm đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới.

Như vậy, năm 2009 đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc của ngành Y tế với việc hoàn thành xuất sắc 4 chỉ tiêu Quốc hội giao là: 1- Chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh là 0,2‰; 2- Chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng được thực hiện là 18,9%; 3- Số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27 giường/1 vạn dân, kể cả giường tại trạm y tế xã; 4- Chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 75% và 15/15 chỉ tiêu của ngành. Một số chỉ tiêu Thiên niên kỷ, ngành Y tế đã đạt và vượt trước từ 2 đến 3 năm.

Bước vào năm 2010, phát huy những thành tựu đã đạt được trong năm 2009, ngành Y tế tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển trên cơ sở thực hiện bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014 để không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã giao phó./

PGS, TS. Đào Văn Dũng , Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất