(TG) - Với sự phát triển nhanh của xã hội hiện nay, chất thải được sinh ra nhiều hơn. Điều này có nghĩa là một lượng lớn rác thải được tạo ra mỗi năm và sự tăng lên của nó là không được mong đợi. Phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Hầu hết các loại chất thải được tạo ra có thể được phân loại ngay tại nhà.
Rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác. Việc xử lí rác thải là một vấn đề khách quan và cần thiết trong mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của con người. Nó làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm và hạn chế tối đa các chất thải tồn đọng từ việc sinh hoạt và sản xuất của con người. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng không chỉ bởi người dân và một số cơ sở thường xuyên xả các loại nước thải ra môi trường mà còn là do rác thải gây ô nhiễm nguồn nước gây ra.
Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.
Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.
Hãy bắt đầu thực hiện việc phân loại rác từ việc tại mỗi hộ gia đình đều phải có các loại túi đựng rác để phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế riêng biệt. Từ đó các công tác thu gom vận chuyển cũng phân loại ngay để xử lý. Khi đó, rác hữu cơ thì tái sản xuất thành phân bón, còn rác vô cơ sản xuất thành hạt nhựa hoặc có thể đốt để thu hồi nhiệt lượng…
Từ thay đổi nhận thức trong phân loại rác đến thay đổi hành vi là một sự chuyển dịch mang tính khoảng cách. Tuy nhiên, để nhận thức trở nên bền vững và hành vi được duy trì thường xuyên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đòi hỏi phải xây dựng, bồi đắp và nâng ý thức lên một tầng nghĩa cao hơn, trở thành ý thức hệ phân loại rác.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa ý thức là “sự nhận thức đúng đắn, biểu hiện bằng thái độ, hành động cần phải có”. Về ý thức phân loại rác, như chúng ta đã biết, sự quan tâm đến rác cơ bản đang dừng ở quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác đều được bỏ chung mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người. Cùng với đó là tâm lý chung cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện.
Có thể thấy rất rõ, ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định và vai trò của giáo dục trong thay đổi nhận thức, hành vi phân loại rác. Những đổi thay gần đây đã cho những tín hiệu tích cực về một tương lai giảm ô nhiễm, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiến tới một khái niệm sống xanh bền vững. Tuy nhiên, những khởi động manh nha ban đầu vẫn mang cảm tính, hiệu quả trồi sụt, duy trì đứt quãng, chưa tạo thành thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người. Điều này càng thúc đẩy yêu cầu phải xây dựng và làm biến chuyển ý thức trở thành ý thức hệ phân loại rác.
Ý thức hệ không phải là một khái niệm quá xa vời, tuy nhiên, so với ý thức, ý thức hệ đã vượt lên ở một khoảng cách về thời gian tu dưỡng nhận thức, duy trì hành vi, được ràng buộc bằng các giá trị mang lại cho bản thân con người và trói buộc bởi chế tài quản lý nhằm tạo nên hệ tư duy điều khiển hành vi đúng quỹ đạo lập trình mang tính vững bền, dễ thích ứng thích nghi trong mọi hoàn cảnh và khó lòng dịch chuyển, phai nhạt khi hoàn cảnh đổi thay.
Có lý tưởng quá chăng khi đẩy vấn đề này lên ngang với các giá trị nhận thức tư duy ở một lĩnh vực khác mang đặc thù văn hóa hay hình thái chính trị? Bởi đề cập khái niệm ý thức hệ thường dễ được liên tưởng đến vùng văn hóa hay hình thái chính trị và các tư tưởng lớn mà ít khi đặt nó trong mối liên quan về rác. Tuy nhiên, loại trừ tất cả các giá trị mang tính tinh thần để quay về gốc rễ của vấn đề thì ý thức hệ phân loại rác hoàn toàn được chấp nhận bởi tính cấp thiết, thời sự của rác, không chỉ bó hẹp trong khoanh vùng quốc gia mà bao phủ toàn cầu, có tầm ảnh hưởng liên quốc gia và là yếu tố sống còn của trái đất. Chưa kể, ứng xử với rác từ lâu đã lấy làm điểm quy chiếu cho giá trị sống về môi trường, là tiêu chí đánh giá nếp sống văn minh của một con người nói riêng và quốc gia nói chung và không chỉ dừng ở hành vi bỏ rác đúng nơi quy định mà còn phải thực hiện phân loại rác trước khi bỏ rác.
Xây dựng một ý thức hệ phân loại rác còn đồng nghĩa với việc nâng các giá trị nhận thức, hành động thành một niềm tin chung mang tính cộng đồng. Ý thức hệ phân loại rác không dễ dãi chấp nhận sự đơn lẻ mà phải là tổng hòa ý thức, trở thành đặc trưng đời sống tinh thần của xã hội; là ý tưởng, nhận thức, giá trị và niềm tin chung nhất về quan điểm, tư tưởng được biểu hiện thông qua nhận thức, tư duy và hành động của con người mang theo cả tâm tư, tình cảm làm điều kiện nảy sinh những khát khao, kỳ vọng và mục tiêu hướng tới tương lai. Chính vì vậy, khi xây dựng ý thức hệ phân loại rác là xây dựng đặc trưng chung nhất trong tâm hồn, nhận thức, tư duy và hành động của con người Việt Nam cùng chịu tác động của các điều kiện tự nhiên và xã hội.
Mục tiêu xây dựng và phát triển một nếp sống xanh, sống văn minh và bền vững trong chuỗi kinh tế tuần hoàn không thể xa rời ý thức hệ phân loại rác. Nói một cách nôm na rằng, ý thức và hành vi phân loại rác phải “ăn vào máu” của người Việt, trở thành một giá trị văn minh Việt và lưu truyền bền vững cho muôn đời sau./.
Đỗ Văn Tuấn