Đó là thầy giáo Trần Tuấn Anh. Ngày ngày đến lớp đều mang theo túi xách đầy ắp tranh, ảnh do thầy sưu tầm để minh họa cho những bài giảng. Từ đây, thầy đã cùng với học trò tạo nên những tiết học giáo dục công dân có hiệu quả ở Trường THCS Bạch Ðằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Qua cuộc điện thoại thứ hai, tôi mới gặp được thầy giáo Trần Tuấn Anh. Thầy giáo người thấp đậm, vừa bước qua tuổi ba mươi, nói năng từ tốn nhưng cũng không kém phần sôi nổi, vẻ hiền lành, chân chất toát lên trên khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu của thầy. Thầy giáo Tuấn Anh đến với bộ môn giáo dục công dân trong trường hợp khá đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ vào hai trường: Ðại học Kinh tế và Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Chọn Ðại học Kinh tế và theo học đến năm thứ tư, mới chợt nhận thấy ngành theo học không phù hợp với tư chất của mình, nên anh quyết định làm lại từ đầu, tuy gia cảnh hết sức khó khăn. Sau đó, Tuấn Anh thi đỗ vào Trường cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh và học ở Khoa Sử - Giáo dục công dân. Càng học, anh càng nhận thấy môn giáo dục công dân cuốn hút mạnh mẽ. Và anh ý thức rằng, môn Giáo dục công dân có vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ cung cấp kiến thức đạo đức, pháp luật,... mà điều quan trọng hơn là nó góp phần hoàn thiện nhân cách, giúp học sinh sống trung thực, khiêm tốn, dũng cảm, bao dung và có thái độ ứng xử xã hội đúng đắn, trong đó có việc chấp hành luật pháp vốn còn nhiều bất cập. Nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tuấn Anh chịu khó học hỏi những anh chị đi trước kinh nghiệm giảng dạy, cách sưu tầm thông tin, tư liệu, chăm chú nghe các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn phương pháp đứng lớp. Ðến khi thật sự đứng trên bục giảng, niên khóa 2007 - 2008, thầy giáo Trần Tuấn Anh chịu khó tìm tòi tư liệu, tranh, ảnh minh họa cho từng bài giảng của mình. Những ngày chủ nhật, thay vì rong chơi với bạn bè, nghe nhạc,... thì địa chỉ quen thuộc của thầy giáo là bàn máy tính hay những cửa hàng phô-tô-cô-pi để in hình ảnh, tư liệu chuẩn bị cho những tiết dạy tuần sau. Với Tuấn Anh, tìm được tư liệu, hay hình ảnh có thể minh họa cho một bài giảng là việc làm rất quan trọng và là một niềm vui dù phải cực khổ sưu tầm hay phải tốn một số tiền không nhỏ so với đồng lương thầy giáo mới ra trường.
Làm việc tận tụy, hăng say, đầy trách nhiệm và đối xử với đồng nghiệp, học trò bằng tấm lòng nhân hậu, yêu thương là những phẩm chất quý báu của thầy giáo Tuấn Anh. Theo thầy giáo, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giúp giáo viên cố gắng học tập ở Bác những phẩm chất vô cùng quý báu. Ðó là sự giản dị trong cuộc sống, tính tiết kiệm đối với tài sản công trong nhà trường, tình đoàn kết với đồng nghiệp..., và đặc biệt là học ở Bác tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, tấm lòng yêu thương con người vô bờ bến. Do đó, trong bài giảng, bên cạnh nội dung sách giáo khoa, thầy còn lồng vào đó những câu chuyện, những hình ảnh về Bác, về những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống, và những câu chuyện, những hình ảnh này còn được kết hợp với âm thanh, đoạn nhạc của máy hát nhằm khơi gợi lên sự xúc động ở các em. Khi giảng bài "Bảo vệ hòa bình", thầy giới thiệu với các em những hình ảnh về Bác, về quân và dân ta anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi những đoạn nhạc hùng hồn vang lên của ca khúc "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" hay "Năm anh em trên một chiếc xe tăng",... Những trang sử hào hùng của dân tộc sẽ in sâu trong ký ức các em, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, vai trò, bổn phận của học sinh, công dân đối với gia đình, xã hội...
Luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo những phương cách giảng dạy có hiệu quả, học sinh dễ tiếp thu và quan trọng là biến nhận thức giáo dục công dân thành hành động đạo đức cụ thể là cách mà thầy giáo Trần Tuấn Anh đã, đang và sẽ làm. Trong quá trình đó, thầy đã đề đạt nhà trường mời các tấm gương tiêu biểu vượt khó trong học tập, vươn lên trong cuộc sống đến trường để nói chuyện, giao lưu với học sinh trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, như là việc nêu gương người tốt, việc tốt để giáo dục các em. Chẳng hạn như thầy đã đề nghị nhà trường mời Bác sĩ Nguyễn Vũ Xuân Trường, từng là học sinh cá biệt, bị đuổi học, sớm vào đời kiếm sống và đi học bổ túc văn hóa, rồi thi đỗ thủ khoa Trường Ðại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, và hiện nay là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh;... Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của nhà trường và Hội Cha - Mẹ học sinh, thầy giáo Trần Tuấn Anh động viên đồng nghiệp tổ chức cho từng lớp học sinh đi thăm, chăm sóc và tặng quà cho trẻ em mồ côi, khuyết tật,...
Với sự cố gắng vượt bậc và đầy sáng tạo trong công tác chuyên môn, trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, thầy giáo Trần Tuấn Anh vinh dự được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh năm 2008, được trao giải thưởng Bạn đồng hành quanh tôi của Báo Tuổi Trẻ, được biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh",... và được nhà trường và đồng nghiệp yêu quý, cảm phục.
NhanDan