Cuộc họp báo của Văn phòng Chủ tịch nước về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Bưu chính sau khi chính thức được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua vừa diễn ra hôm qua, 9/7/2010. Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011.
Dự án Luật Bưu chính đã được Chính phủ thông qua với sự nhất trí cao tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2009. Tiếp đó, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII diễn ra vào tháng 10-11/2009, dự thảo Luật này được trình lấy ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Cho tới thời điểm này, khi dự án Luật Bưu chính đã chính thức được Quốc hội thông qua, nhiều đại diện doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhận định dự án Luật Bưu chính được soạn thảo công phu, đạt chất lượng cao. Khi Luật chính thức có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, là hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
Kế thừa những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông, đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu của WTO và Công ước của Liên minh bưu chính thế giới, Luật Bưu chính đã chính thức được thông qua ngày 17/6/2010.
Kết cấu gồm 10 chương 46 điều, Luật Bưu chính được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm khắc phục những bất cập của Pháp lệnh so với thực tiễn, so với yêu cầu của WTO và Công ước của Liên minh Bưu chính Thế giới, đáp ứng yêu cầu hiện tại cũng như xu hướng phát triển của ngành Bưu chính Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Luật Bưu chính được xây dựng, ban hành nhằm giải phóng và phát huy tốt hơn các nguồn lực, thực hiện triệt để hơn các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đẩy mạnh việc hội nhập quốc tế và bảo đảm việc thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực bưu chính, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường.
Luật Bưu chính quy định cụ thể, rõ hơn các nội dung về nghiệp vụ bưu chính, tính đặc thù, về chủ thể thực hiện bưu chính công ích, đồng thời cũng lược bỏ những quy định chung chung, bất cập nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật chung hiện nay.
Một số nội dung quan trọng của Luật Bưu chính như: Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, chỉ định doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng và việc cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính.
Một trong những nội dung cơ bản của Luật là Nhà nước phải thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cung ứng các dịch vụ này cho xã hội thông qua một tổ chức doanh nghiệp được chỉ định.
Dịch vụ bưu chính công ích nhằm phục vụ nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân đều có quyền tiếp cận, có quyền thụ hưởng và bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ.
Điều 3 của Công ước Liên minh Bưu chính Thế giới mà Việt Nam đã tham gia thì các nước thành viên phải đảm bảo để tất cả mọi công dân đều có quyền được hưởng dịch vụ bưu chính phổ cập ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ nước mình. Do vậy, Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ này được thực hiện một cách liên tục, có chất lượng đến mọi người dân với giá cước phù hợp.
Đối với việc quy định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính, giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính được thực hiện nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an ninh quốc gia.
Bưu chính là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm bảo vệ bí mật thư tín, quyền trao đổi thông tin của công dân nên doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành nghề đó, kể từ khi có đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép bưu chính được thực hiện một cách linh hoạt dưới nhiều hình thức để phù hợp với thực tế hoạt động của thị trường cũng như công tác quản lý của Nhà nước.
Ở Việt Nam tính tới thời điểm này, chỉ duy nhất Tổng công ty Bưu chính Việt Nam VNPost đảm nhiệm các nhiệm vụ bưu chính công ích. Thị trường dịch vụ bưu chính có sự cạnh tranh gay gắt nhất đối với các dịch vụ chuyển phát nhanh. Ước tính chỉ riêng lĩnh vực này, hiện có tới trên 20 doanh nghiệp tham gia vào thị trường./.
Hiền Mai - VnMedia