Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 29/7/2015 17:19'(GMT+7)

1.300 tác phẩm tham dự giải báo chí toàn quốc viết về ngành tài chính

Ngày 28-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức lễ trao giải cho hai cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính” và “Kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính”. Đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Bùi Thế Đức – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự lễ kỷ niệm.

Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính và kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính là một trong chuỗi các hoạt động tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính. Đây là lần thứ 2 cuộc thi được tổ chức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống lịch sử của ngành Tài chính, góp phần làm sinh động và sâu sắc thêm những trang sử về chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tài chính Việt Nam. Trong khi đó, cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính” đã được tổ chức lần thứ 6, nhằm tôn vinh các tác phẩm báo chí tiêu biểu, các tác giả tâm huyết viết về quá trình hoạt động và phát triển của ngành Tài chính, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành Tài chính Nhà nước ngày càng vững mạnh. Qua mỗi kỳ tổ chức, cả hai cuộc thi đã thu hút được sự hưởng ứng ngày càng nhiệt tình, trách nhiệm của rất nhiều cơ quan báo chí, nhiều tác giả tâm huyết trong cả nước. Số lượng các cơ quan báo chí, các tác giả gửi bài tham gia dự thi mỗi năm tăng cao và đặc biệt là chất lượng các bài viết được nâng lên rõ rệt.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, Bộ Tài chính đánh giá cao nỗ lực của Liên chi hội Nhà báo ngành Tài chính, Thời báo Tài chính Việt Nam, tạp chí Tài chính trong việc tổ chức và duy trì các cuộc thi, sự kiện đặc biệt càng có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2015).

“Số lượng 1.300 tác phẩm của 39 cơ quan báo chí cả nước tham gia cuộc thi “Báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính” năm nay là minh chứng cho sức lan tỏa của cuộc thi cũng như mỗi quan hệ tốt đẹp giữa các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông cả nước đối với ngành Tài chính. Các tác phẩm viết về ngành tài chính đã gây được tiếng vang và uy tín trong xã hội, tác động tích cực đến công tác tuyên truyền của toàn ngành Tài chính“, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận xét. Trong khi đó, cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính” cũng đã nhận được gần 1.000 bài dự thi của các cá nhân, tổ chức, thể hiện sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo mọi cây viết từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là từ các cán bộ lão thành của ngành Tài chính. Mỗi bài viết là một câu chuyện giản dị mà sống động, gần gũi và cũng rất đỗi tự hào về những tháng năm gắn bó với sự nghiệp của các thế hệ ngành Tài chính.

Theo ông Phạm Văn Hoành, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức cuộc thi, đây là cuộc thi có số lượng tác phẩm nhiều nhất, thành phần tham gia đông đảo và đa dạng nhất từ trước đến nay, từ các cán bộ nhiều thế hệ của ngành Tài chính đến những cây bút sắc sảo ngoài ngành Tài chính. Qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, từ hơn 1.300 tác phẩm báo chí, Ban tổ chức, Hội đồng chung khảo cuộc thi Báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính đã lựa chọn được 5 giải A, 10 giải B, 20 giải C, 30 giải khuyến khích, và 10 giải tập tập thể được trao cho cơ quan báo chí có chất lượng bài dự thi cao, có số lượng bài tham gia nhiều nhất. Các tác phẩm dự thi và đoạt giải năm nay đã phản ánh được nhiều nhân tố tích cực, điển hình mới trên mọi lĩnh vực của ngành Tài chính như: Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả trong huy động, phân bố, sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia... C
ùng với đó, các nhà báo, chuyên gia còn đưa ra những thông tin đa chiều, phản biện từ thực tế, giúp các cơ quan chức năng thấy rõ hơn những bất cập chính sách, những biểu hiện tiêu cực, sai trái còn xuất hiện ở nơi này, nơi khác, để từ đó chấn chỉnh kịp thời. 

Với cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính”, Hội đồng chung khảo đã đánh giá, chọn lọc để trao 2 giải A, 3 giải B, 5 giải C, 20 giải khuyến khích và 6 giải phụ cho các tập thể, cá nhân có chất lượng bài dự thi cao, có số lượng bài tham gia nhiều nhất. Theo sát tiến trình chấm giải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ đã khẳng định: “Đây là giải báo chí chuyên ngành Tài chính, nhưng thu hút được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan báo chí toàn quốc. Giải hấp dẫn ở chỗ, những tác phẩm báo chí tham dự giải đã phản ánh được những vấn đề quan trọng, sôi động của đất nước như cải cách hành chính, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, vấn đề thuế, quản lý giá . . . được toàn xã hội quan tâm”.

Các tác phẩm trong cuộc thi đã đạt tới giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc, ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó là những tác phẩm viết về nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, những nhà tài trợ đặc biệt cho cách mạng Việt Nam, về việc chung tay đóng góp tôn tạo, xây dựng Ngĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 của toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Tài chính thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Đó là câu chuyện về Bộ trưởng Lê Văn Hiến với cách sống "cần - kiệm – liêm - chính”; Bộ trưởng Tài chính Hoàng Anh – người đi qua 105 mùa xuân; chuyện về chứng từ chi tiêu của Văn Khầu – người đã có sáng kiến dùng những hạt ngô, viên sỏi để làm công tác kế toán trong những ngày đầu ngành Tài chính phục vụ cho kháng chiến đầy gian nan vất vả. . .

Tham dự và phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức đánh giá: Từ nhiều năm nay, Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính đã khẳng định được vị thế, uy tín và thương hiệu của mình trong hệ thống giải thưởng báo chí Việt Nam. Với 6 lần tổ chức thành công đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Bộ Tài chính với công tác truyền thông báo chí; cũng sự phối hợp giữa Ngành và các cơ quan báo chí của cả nước trong việc chuyển tải những chính sách tài chính đến với đông đảo công chúng và toàn xã hội. "Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến của Bộ Tài chính khi tổ chức thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính” nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính. Đây là sự kiện rất ý nghĩa, góp phần “sống” lại chặng đường xây dựng và trưởng thành của Ngành 70 năm qua”, đồng chí Bùi Thế Đức khẳng định.

Với số lượng lớn bài gửi về của các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc đã gửi về cho Ban tổ chức, có những bài viết của những người trong số đó đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhiều người tay bút đã run những vẫn tự mình viết lại kỷ niệm gửi để tham gia cuộc thi. Cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính” đã thu hút được nhiều tác giả tham dự là các cán bộ lão thành trong ngành Tài chính. Cụ thể như bác Hồ Tế, bác Phan Văn Dĩnh, bác Nguyễn Dương An..., đặc biệt như bác Huỳnh Huy Quế năm nay 85 tuổi, mặc dù chân yếu, mắt đã mờ nhưng vẫn có bài tham gia.

Thống kê cho thấy các tác giả tham gia cuộc thi có độ tuổi từ 75 trở lên tương đối đông đảo, ở nhiều vùng miền, địa phương trong cả nước. Cảm nhận mỗi bài viết là một thông điệp, giúp người đọc phần nào thấy được nhịp thở của ngành Tài chính Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng cho đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hoàng Sơn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất