(TG)-Liên hoan phim nhằm thúc đẩy đối thoại giữa điện ảnh tài
liệu Việt Nam và châu Âu, mang đến cho khán giả những trải nghiệm đa dạng và tiếp xúc những nền văn hóa khác nhau.
Sáng 9-6, tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phối hợp với Mạng lưới các cơ quan văn hóa châu Âu (EUNIC), Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu tại Hà Nội phối hợp, tổ chức buổi họp báo Liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam lần 7. Liên hoan được tổ chức từ ngày 10-20/6 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa điện ảnh tài liệu Việt Nam và châu Âu, mang đến những trải nghiệm đa dạng, giúp khán giả tiếp xúc những nền văn hóa khác nhau.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: Ngày nay phim truyện đã không còn là thể loại thịnh hành trong đề tài nghiên cứu thế giới hiện đại nữa, thay vào đó, phim tài liệu đã thành công trong việc thu hút công chúng và ngày càng trở nên phổ biến với khán giả trên toàn thế giới. Những bộ phim được chọn công chiếu, mà có khá nhiều trong số đó đã từng giành giải tại các liên hoan phim quốc tế, với cái nhìn trung thực về thế giới sẽ đem đến những nhận định mới về cuộc sống hàng ngày, những đổi thay của xã hội cũng như các giá trị văn hóa của các quốc gia có phim tham dự.
Lễ khai mạc Liên hoan Phim tài liệu Châu Âu-Việt Nam lần thứ 7 được tổ chức tối 10/6, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Tại lễ khai mạc, hai bộ phim “Giai điệu quê hương” của Đức và “Còn lại với thời gian” của Việt Nam sẽ được trình chiếu.
Bộ phim “Còn lại với thời gian” của Đạo diễn - Nghệ sỹ ưu tú Lê Hồng Chương nói về những người con miền Bắc vào Nam chiến đấu và hy sinh. Họ cứ âm thầm rời xa người thân, bạn bè, đồng đội, tài sản để lại là những dòng nhật ký, những lá thư toát lên vẻ đẹp bình dị nhưng anh hùng- vẻ đẹp này đã, sẽ sống mãi với thời gian. Bộ phim “Còn lại với thời gian” đã đạt Giải phim tài liệu xuất sắc nhất Liên hoan phim Châu á Thái Bình Dương lần thứ 51 năm 2006 và giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005. “Giai điệu quê hương” của nhà làm phim Đức Arne Birkenstock là một bộ phim tài liệu đầy cảm xúc trong đó nghệ sỹ thổi kèn horn Kiwi, Hayden Chisholm gặp gỡ với những nhạc sĩ và ca sĩ, già có, trẻ có, truyền thống có, hiện đại có, lập dị có và cực kỳ nghiêm túc cũng có. Tuy nhiên, tất cả họ đều có chung một niềm đam mê cho âm nhạc, đó cũng là hiện thân của tình yêu cao quý mà người Đức dành cho quê hương Tổ quốc mình.
Ban tổ chức cũng cho biết, Liên hoan lần này sẽ giới thiệu 10 phim tài liệu của Việt Nam và 8 phim tài liệu của các nước châu Âu và Israel. Với cái nhìn trung thực về thế giới, những bộ phim được chọn công chiếu sẽ mang đến những nhận định mới về cuộc sống hàng ngày, những đổi thay của xã hội cũng như các giá trị văn hóa của các quốc gia có phim tham dự. Đặc biệt, trong suốt liên hoan, mỗi bộ phim Việt Nam sẽ được chiếu kèm cùng các phim của Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Israel, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ. Ngoài ra, sẽ có một buổi chiếu đặc biệt dành cho các bộ phim của các nhà làm phim Đông Nam Á: Campuchia, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các phim đều được chiếu miễn phí tại Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương (Hà Nội) từ ngày 10-19/6 và tại Trường Đại học Hoa Sen Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 11-20/6.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Liên hoan, sẽ diễn ra hội thảo “Thực hành phát triển kịch bản với nhà làm phim người Đức Arne Birkenstock” do viện Goethe và hội thảo với nhà làm phim Israel Shirley Berkowitz cho các sinh viên của Đại học Hoa Sen do Đại sứ quán Israel phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức. Ngoài ra, nhà sản xuất phim người Pháp Frédéric Violeau và nhà làm phim người Indonesia Amelia Hapsari sẽ có mặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu về hai mạng lưới phim tài liệu: Lumière du Monde – EurasiaDoc và DocNet SEA “Dare to dream”.
Bảo Châu