Kế hoạch đặt mục tiêu triển khai thực
hiện hiệu quả các nhiệm vụ giao cho ngành Giáo dục tại Nghị quyết số
01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện
môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
10 NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Theo
Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quyết tâm, giữ vững tinh thần
vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt,
hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo
theo đúng tinh thần "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"; tập
trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ giao
tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 đối với lĩnh vực giáo dục gồm:
1.
Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm
túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan về giáo
dục đào tạo. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết và tập trung triển
khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại
các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển
kinh tế xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng
lực cạnh tranh quốc gia.
2. Chú
trọng nâng cao chất lượng và tính chủ động trong tham mưu, thể chế hóa
kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến giáo dục, đào
tạo. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao
tại Kế hoạch nhiệm vụ và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp
luật của Bộ năm 2023 và các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật, chiến lược
phát triển ngành Giáo dục; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp
luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
3.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục
và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW: Tổng
kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương
về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu
công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Triển khai thực hiện Kế
hoạch số 59/KH-GS của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề
"Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14
của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông". Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm
2030, tầm nhìn đến 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả và chất lượng Chương trình giáo
dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo
khoa, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương. Thẩm định và triển khai
thí điểm thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non mới. Triển khai Chương
trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiệu
quả; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đối với lớp
5, lớp 9, lớp 12. Thẩm định, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng
dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3, lớp 4 đối với 8 thứ tiếng.
Đa
dạng hóa loại hình giáo dục và đào tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập
của nhân dân, trong đó quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế và
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập liên tục, suốt đời. Đẩy
mạnh thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".
Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ
thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống
trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ
thông năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi
tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển
khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
5.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng, phát
triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên rà soát, điều
chỉnh các quy định về chế độ, chính sách đối với viên chức ngành Giáo
dục; chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản
lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết
định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo
viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học. Nghiên cứu và đề xuất
cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới
theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương xây
dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng
cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới
thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Triển khai xây dựng Luật
Nhà giáo.
6.
Hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai tự
chủ đại học hiệu quả, đi vào thực chất; tăng cường thanh tra, kiểm tra,
giám sát thực thi pháp luật về giáo dục đại học.
7.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực
hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây
dựng hạ tầng học tập quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng
chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên
thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
8.
Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn
nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ
yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trình Thủ tướng Chính
phủ ban hành và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo
dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo
sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tăng cường chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện tự chủ đại
học, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam; đào tạo nhân lực chất
lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ
sinh thái khởi nghiệp; bảo đảm và kiểm định chất lượng và hội nhập quốc
tế.
9.
Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án đầu tư xây
dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học, nhất là nhiệm vụ được
giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và
phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn,
nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định. Tổ chức khảo
sát, đánh giá thực trạng để đề xuất phương án kiên cố hóa trường, lớp
học và nhà công vụ cho giáo viên.
10.
Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác
xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên. Hoàn thiện
chính sách cho học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,
vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh thuộc đối
tượng được hưởng chính sách. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể
chất, y tế trường học và sức khỏe học đường bảo đảm an toàn trường học,
phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, trong đó tiếp
tục hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống dịch COVID-19 trong nhà trường
và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trong
ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19./.
VGP