Hàng năm vào dịp đầu năm, một tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới là Tập đoàn Âu Á (Eurasia Group, trụ sở tại New York) đều công bố bản báo cáo xác định các rủi ro tiềm ẩn trên chính trường thế giới, xuất phát từ quan điểm địa-chính trị.
Ngày 4-1 vừa qua, Tập đoàn này đã công bố bản báo cáo 10 rủi ro địa-chính trị hàng đầu trên thế giới năm 2010 (Top 10 Geopolitical Risks of 2010), trong đó xếp mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc ở vị trí thứ nhất. NDĐT xin giới thiệu thiệu để bạn đọc tham khảo một cách nhìn thế giới.
Bản báo cáo nhận định: năm 2009 tuy kinh tế thế giới có chao đảo do khủng hoảng tài chính nhưng là năm tương đối yên tĩnh, chưa xảy ra nguy cơ địa-chính trị lớn nào; chính phủ các nước đều tập trung vào việc tự cứu nền kinh tế nước mình. Không có thiên tai lớn (bão mạnh, động đất ...), không có vụ khủng bố lớn nào, virus H1N1 chưa gây ra đại dịch; cuộc chiến chống ma tuý của Mexico không lan sang Mỹ ... Nhưng trong năm 2010, cùng với việc kinh tế thế giới dần dần phục hồi, các rủi ro bắt đầu chuyển hướng tới những thách thức gây ra bởi trật tự toàn cầu mới xuất hiện – sự đối kháng giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển, giữa hệ thống đơn cực cũ với hệ thống vô cực mới xuất hiện, giữa hệ thống toàn cầu của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do với thế lực đang mạnh lên của chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Eurasia Group xếp10 rủi ro địa-chính trị lớn thế giới sẽ có thể gặp phải trong năm nay như sau (xếp theo thứ tự):
1. Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc
Ý tưởng G2 (khối liên kết Mỹ-Trung Quốc cùng nhau thống trị thế giới) đã chết từ trong trứng, mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong năm 2010 sẽ xấu đi nhiều. Sở dĩ không thực hiện được G2 vì Trung Quốc không muốn gánh vác thêm trách nhiệm đối với thế giới, cho dù Tổng thống Obama từng ra sức thúc đẩy ý tưởng này trong cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (11-2009). Chẳng hạn Trung Quốc hoàn toàn không hào hứng với việc đóng vai trò lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen. Dự kiến năm nay Trung Quốc cũng sẽ có biểu hiện tương tự trên các vấn đề cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, cải cách thương mại quốc tế và quy tắc buôn bán, an toàn mạng, vấn đề Afghanistan và Iraq. Bắc Kinh hiện không thấy vấn đề quan hệ bạn bè kinh tế với Mỹ còn có sức thu hút như cách đây vài năm. Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc hiểu rằng trong một thời gian ngắn họ không có nhiều lựa chọn; họ tập trung tăng cường nhu cầu tiêu thụ trong nước mà không dốc toàn lực vào việc duy trì tỷ lệ chiếm thị trường xuất khẩu toàn cầu. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục kích thích kinh tế trong nước, kiểm soát chặt chẽ việc nâng giá đồng Nhân Dân Tệ. Đồng thời chính sách trợ giá xuất khẩu của Trung Quốc sẽ đi ngược với yêu cầu “tái cân đối toàn cầu” của Mỹ. Do vấn đề bảo hộ mậu dịch, mối quan hệ giữa hai nước này khó tránh khỏi trở nên căng thẳng.
2. Iran
Nguy hiểm thuần địa-chính trị lớn nhất trong năm 2010 đến từ Iran. Chính phủ Iran hiện đang chịu sức ép từ ba phía: - Trong nước: từ cuộc bầu cử Tổng thống tháng 6 năm ngoái trở đi, chính phủ Iran bắt đầu trải qua thời kỳ khó khăn do phái phản đối liên tiếp biểu tình chống chính phủ; - Trong khu vực: Iran ngày càng mất dần ảnh hưởng đối với các nước Trung Đông; - Trên phạm vi toàn cầu: chương trình hạt nhân của họ có khả năng bị quốc tế trừng phạt nặng hơn. Vì thế Iran có thể gây ra xung đột khu vực để chuyển sự chú ý của dư luận.
3) Sự chia rẽ tài chính tại châu Âu
Các rủi ro chính trị sẽ trở lại với khu vực đồng Euro. Tình trạng thiếu tôn trọng nguyên tắc phối hợp chính sách tài chính đã kéo dài một thời gian khá lâu mà chưa được khắc phục. Tiến trình chính trị của các nước thành viên lại quá không đồng đều.
4) Công cuộc điều chỉnh tài chính ở Mỹ
Nhìn chung năm 2010 Tổng thống Obama sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao do chậm thoát ra khỏi suy thoái. Tín nhiệm đối với ông Obama có thể bị giảm tuy năm nay nội bộ nước Mỹ sẽ ít có các rủi ro hơn so với năm 2009, nhưng công cuộc cải cách điều chỉnh tài chính sẽ khó khăn hơn mong đợi, các thay đổi lớn chỉ mới còn đang nhen nhóm.
5) Nhật Bản
Đảng Dân chủ Nhật đang hành động theo hướng hạn chế ảnh hưởng của hệ thống quan liêu và của giới doanh nghiệp, kết quả sẽ nảy sinh các rủi ro chính trị lớn hơn trước.
6) Thay đổi khí hậu
Trước Hội nghị Thượng đỉnh Copenhaghen, nhiều người dự đoán năm 2010 sẽ đạt được một thoả thuận toàn cầu về vấn đề khí hậu, kể cả các nước Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng sau Hội nghị nói trên, dường như sẽ phải chờ vài năm nữa mới đạt được một thoả thuận như vậy.
7) Brazil
Trong năm 2010, Brazil sẽ là nước hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng sự phồn thịnh kinh tế sẽ dẫn đến kết quả hạ thấp chất lượng các quyết sách kinh tế - chẳng những chính sách kinh tế vĩ mô mà nhiều nguồn tài nguyên khác sẽ dồn vào cho khu vực kinh tế nhà nước.
8) Ấn Độ và Pakistan
Chủ trương lùng bắt các phần tử khủng bố tạo ra lý do mạnh mẽ để các phần tử cực đoan Hồi giáo tấn công các thành phố Pakistan và gây lại cuộc xung đột giữa Pakistan với Ấn Độ. Đồng thời bất cứ một cuộc tấn công nào cũng sẽ gây ra sức ép lớn hơn với Ấn Độ, khiến nước này áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Pakistan.
9) Đông Âu, các cuộc bầu cử và nạn thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp cao có lẽ là nỗi lo lớn nhất đối với người Đông Âu. Một số nước quan trọng ở Đông Âu sắp có bầu cử, về thực chất việc đó sẽ tăng thêm khả năng mất ổn định của vùng này.
10) Thổ Nhĩ Kỳ
Đảng AK ngày càng mất lòng dân và đang rơi vào cuộc đấu tranh với hệ thống tư pháp, giới doanh nhân và quân đội. Nước này ngày càng xa rời châu Âu và sát lại gần Iran, Syria – điều đó làm tăng thêm sự bất hoà giữa các phần tử Hồi giáo cực đoan với những người kiên trì chế độ thế tục phi tôn giáo (secularists).
Theo NGUYÊN HẢI (Nguồn: huliq.com)
(Nhân Dân điện tử)