Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 9/10/2011 17:0'(GMT+7)

100 gương mặt trẻ Lương Định Của 2011: Đã quyết làm, không hối hận

Những nhà nông xuất sắc của Phú Yên nhận giải thưởng.

Những nhà nông xuất sắc của Phú Yên nhận giải thưởng.

Tại Diễn đàn Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới tổ chức sáng nay, 8-10, các nhà nông trẻ đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tự thân lập nghiệp. Đó là những thất bại để từ đó vươn lên, không lùi bước; là sức trẻ, sự dấn thân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Là trải nghiệm làm thế nào để tổ chức Đoàn tham gia có hiệu quả nhất đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới: Đoàn phải quan tâm đến những vấn đề gì, đề ra chủ trương, phong trào gì để tăng cường hỗ trợ, thu hút, tập hợp và phát huy thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 100 tấm gương tiêu biểu, có 13 gương mặt là những thanh niên các dân tộc thiểu số: Chăm, Cil, Dao, Hre, Jrai, K’ho, Mạ, Mơ nông, Mường, Racglai, Sán Dìu, Tày, Thái, Vân Kiều...; 73 thanh niên trực tiếp lao động sản xuất, làm kinh tế trang thtrại, trồng trọt và chăn nuôi; 6 thanh niên làm cán bộ khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp; 21 người là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ doanh nghiệp ở nông thôn…

Đặc biệt, có hai thanh niên đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

Các mô hình của 100 thanh niên nhận Giải thưởng năm nay đã tạo việc làm thường xuyên cho gần bảy trăm lao động và hàng vạn ngày công lao động theo mùa vụ.

Trả lời câu hỏi vì sao chọn phát triển kinh tế nông thôn trong khi có rất nhiều công việc khác, nhiều cơ hội khác, câu trả lời phổ biến nhất là: “Quyết làm việc gì, phải đổ hết tâm sức và không được hối hận.”

“Mình là thanh niên, còn tuổi trẻ, còn khát vọng, tại sao không tự gây dựng một nền tảng kinh tế cho bàn thân, rồi từ đó giúp những thanh niên khác cùng làm kinh tế?”. Chàng thanh niên Lý Văn Hiếu sinh năm 1991, dân tộc Sán Dìu (ở thôn Jang Cách, Xã Đắk Drô, Huyện Krông Nô, Tỉnh Đắk Nông) không ngần ngại nói với tôi như thế. Hiếu kể rằng khi quyết định làm kinh tế, anh đã vượt qua nhiều khó khăn. Hiếu đã mạnh dạn vay 86 triệu xây dựng trang trại mang tên Lý Văn Hiếu với mô hình đầu tư và chăm sóc cà phê. Với năm ha đất, trong đó có ba ha trồng cà phê, 400 gốc điều, 200 gốc hồ tiêu, lãi thu được hàng năm từ 150 - 200 triệu đồng/năm, anh giải quyết việc làm cho hai lao động thường xuyên và bốn lao động thời vụ có thu nhập từ 2 -2,5 triệu đồng/tháng/người.

Đã ba lần nhận giải thưởng nông dân sản xuất tiên tiến, anh Đàm Công Hảo, sinh năm 1977, ở khu phố 2, thị trấn Madaguôil, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng rất tự hào vì những nỗ lực cố gắng của bản thân đã được công nhận. Giải thưởng Lương Định Của giúp anh tự tin thêm trên con đường đã chọn. Giám đốc Công ty TNHH Nấm Tuấn Hảo Đàm Công Hảo cho rằng, nếu đã chọn làm kinh tế thì “cái cần nhất là xây dựng uy tín, chất lượng cho sản phẩm và phải có đạo đức nghề nghiệp”.

Năm 2003, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Hội nông dân Tỉnh Lâm Đồng để xây dựng nhà xưởng sản xuất bịch phôi nấm với diện tích 14.000 m2. Đến nay, mỗi năm anh ra thị trường hơn 2 triệu bịch nấm, thu lãi từ tám đến chín trăm triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 45 lao động thường xuyên, 70 lao động thời vụ có thu nhập từ 2,5- 3,5 triệu đồng/tháng/người.

Sau gần 10 năm, anh đã có số vốn hơn 3 tỷ đồng đầu tư trang trại, nhà xưởng và khoảng tám trăm triệu đồng vốn lưu động. Hỏi về bí kíp thành công, anh Hảo cười: “ Để xây dựng được thương hiệu phôi nấm mèo, nấm linh chi, công ty đã thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm đối với các hộ sản xuất nấm tại địa bàn. Một tháng duy trì một lần, từ đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, để làm tốt hơn về nguồn phôi giống. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp thu mua lại nấm thành phẩm, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm”.

Với kinh nghiệm trồng rừng, trồng mía, mì, anh Bùi Xuân Miền, 1983 (ở An Hòa, Đức Bình Tây, Huyện Sông Hinh, Tỉnh Phú Yên), lại quan niệm: “Khi còn trẻ, hãy thể hiện sức trẻ bằng việc làm thiết thực, say mê cống hiến, biến khát vọng thành hành động”.

Câu chuyện cây mía của anh bắt đầu từ năm 2006, với số vốn tằn tiền 10 triệu đồng anh đã xây dựng mô hình trồng mía cao sản trên diện tích 5 ha. Năm đó thu được hơn bảy trăm tấn mía. Tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích, đến nay anh đã có 15 ha mía cao sản, 1 ha mì, 2 ha cây xà cừ, doanh thu đạt 400 triệu đồng/năm. Đặc biệt giải quyết được 100 nhân công lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập đạt có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng/người.

“Trong 100 gương mặt tiêu biểu của miền Trung, Tây Nguyên vinh dự nhận giải thưởng lần này, mình tự thấy còn hạn chế nhiều điểm. Mình sẽ không bằng lòng với kết quả đã đạt được để còn cố gắng phấn đấu. Chặng đường phía trước còn dài”. Đó là lời tự hứa của Miền.

Chàng tỷ phú chân đất Nguyễn Đình Chi, sinh năm 1981, ở thôn Lai Nghi, Xã Bình Nghi, Huyện Tây Sơn, Tỉnh Bình Định là gương mặt điển hình nhất của giải thưởng Lương Định Của khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nhìn vẻ điển trai, hiền lành với cặp kính cận, không ai nghĩ, Chi là một ông chủ nông thôn chính hiệu với thu nhập hằng năm khoảng 1,7 tỷ đồng.

Tốt nghiệp Cao đẳng ma két tinh, và trung cấp kỹ thuật nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, vì hoàn cảnh gia đình bố bị bệnh nặng, Chi trở về quê. Trăn trở mãi về con đường lập nghiệp, nhà lại khó khăn, năm 2003, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi xây dựng trang trại nuôi 218 con lợn và nuôi 10 con bò thịt. Sau hơn một năm, khi đã trả nợ vay ngân hàng, lợi nhuận từ các mô hình là 118 triệu đồng.

Năm 2007, Chi mạnh dạn đầu tư thêm 2 lò gạch, giải quyết việc làm thường xuyên cho 13 lao động với thu nhập từ 3 - 3.5 triệu đồng/tháng/người. Sản phẩm của Chi hiện tiêu thụ ở thị trường Gia Lai, Đắc Lắc, Cam-phu-chia. Hiện nay, hai mô hình trang trại chăn nuôi và cở sở sản xuất gạch ngói của Chi có tổng doanh thu từ 1,4 tỷ – 1.6 tỷ đồng/năm. Vừa làm kinh tế giỏi, lại đảm nhận vai trò Bí thư chi đoàn thôn Lai Nghi, Chi đã giúp đỡ rất nhiều thanh niên tại địa phương cách làm kinh tế, ổn định cuộc sống cho bản thân và khẳng định sức vóc của mình.

Nói về kinh nghiệm kinh doanh, Chi cho biết “Những năm đầu cũng gặp thất bại, nhưng mình đã cố gắng vượt qua. Mẹ mình thường dạy phải tính toán thật kỹ trước khi quyết định làm bất cứ việc gì và không bao giờ được nản chí. Là thanh niên, trước hết phải có chí tiến thủ, và hãy nghĩ về cộng đồng. Làm giàu cho bản thân, gia đình không phải là mục đích cuối cùng mà còn phải hướng đến việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, xa hơn nữa là hòa nhập vào lộ trình phát triển của đất nước”.

“Tổ chức Đoàn chỉ mới mạnh về phong trào, mới là nơi kết nối đoàn viên, thanh niên với các tổ chức đoàn thể khác chứ tiếng nói của tổ chức Đoàn chưa mạnh. Đặc biệt trong vấn đề liên quan đến nguồn vốn cho thanh niên lập nghiệp”- Đó là chia sẻ của Phó Bí thư huyện đoàn Hòa Vang (Đà Nẵng) Đinh Thị Phương Thủy. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thanh niên là lực lượng nòng cốt, chính vì vậy cần năng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ ở nông thôn, tổ chức đoàn cần có biện pháp động viên thanh niên nông thôn chủ động nâng cao trình độ học vấn, kiến thức về ngoại ngữ, học nghề để thích ứng với quá trình hội nhập.

Những nhà nông xuất sắc nhận giải thưởng Lương Định Của hôm nay, chính là những viên gạch đỏ làm nền móng cho quá trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả và diện mạo riêng cho khu vực miền Trung,Tây Nguyên.

Nguyễn Thị Anh Đào/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất