Tỉnh Kiên Giang hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động làm việc trong khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện năm 2021 dự kiến là 16 tỷ đồng.
Người học nghề được hỗ trợ học phí là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó, ưu tiên người khuyết tật, các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân. Tiếp đến là người lao động làm việc trong khu, cụm công nghiệp và khu du lịch, lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, người chấp hành xong án phạt tù…
Những trường hợp là người có công với cách mạng, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học nghề còn được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại. Tỉnh cũng hỗ trợ chi phí ăn, nghỉ, tàu xe cho giáo viên trong đất liền tham gia đào tạo tại các xã đảo và ngược lại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các huyện, thành phố xác định nhu cầu đào tạo nghề trong các lĩnh vực ngành nghề, phục vụ nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể là khu vực nông nghiệp, đào tạo, dạy nghề với trên 60 lĩnh vực như trồng hoa màu, rau hữu cơ; trồng cây ăn quả, mía, khóa (dứa), hồ tiêu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ, nuôi cá lồng bè trên biển; sản xuất lúa, nhân giống lúa, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản; thợ máy tàu thủy, điều khiển tàu thủy, lao động nghề biển, tàu cá; lâm nghiệp, ngư nghiệp…
Khu vực phi nông nghiệp, đào tạo, dạy nghề với hơn 140 lĩnh vực như đan đát, thủ công mỹ nghệ; kỹ năng bán hàng, tiếp thị; vệ sĩ, an ninh, bảo vệ; nghiệp vụ du lịch về lễ tân, phục vụ bàn - buồng, nấu ăn, lái xe - tàu du lịch; chế biến nông - lâm - thủy sản, may công nghiệp và những nghề công nghiệp khác; sửa tàu cá; chăm sóc hoa viên, cây cảnh, cá cảnh…
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%./.
Lê Huy Hải/TTXVN