Chủ Nhật, 8/12/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 6/6/2021 11:5'(GMT+7)

Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt, chúc Tết các trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu năm 2016.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt, chúc Tết các trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu năm 2016.

1. ĐẢNG, NHÀ NƯỚC LUÔN COI TRỌNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, PHÁT HUY VAI TRÒ NCT

Dân tộc ta vốn có truyền thống kính lão đắc thọ, kính trọng người cao tuổi. Đây là lớp người có công nuôi dạy, giáo dưỡng con cháu, giữ gìn, truyền thụ, lan tỏa các giá trị truyền thống, văn hóa, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của NCT vẫn tiếp tục phát huy trong mọi mặt, mọi lĩnh vực, cụ thể trên một số phương diện là trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, phổ biến tri thức, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình...

 Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về  thăm Pác Bó, Xuân Tân Sửu 1961.

Ngày truyền thống Người cao tuổi của nước ta là ngày 6/6 được đánh dấu bởi sự kiện ngày 6/6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Kính cáo đồng bào” kêu gọi toàn dân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc và viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” gửi riêng cho những NCT.

Người nhấn mạnh: Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề … Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”.(1)

Để khai thác tiềm năng, phát huy vai trò NCT, Người cho rằng, việc đầu tiên là phải đưa NCT vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định, lúc đó là “Phụ lão cứu quốc Hội”. Ngày 21/9/1945, Người gửi thư tới các cụ phụ lão kêu gọi “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội”để cho các phụ lão cả nước bắt chước và hùn sức giữ gìn nền độc lập nước nhà”(2).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phụ lão cứu quốc Hội đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước để góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược giành thắng lợi và hoàn thành nhiệm vụ cứu quốc.

Quyết định số 772/QĐ-TTg, ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 6 tháng 6 hằng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam.

Phát huy tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân ta luôn coi trọng công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT, coi đây là một chính sách rất quan trọng  của Đảng, Nhà nước và xã hội ta.

Hiến pháp năm 2013 với những bước tiến to lớn về quyền con người, lần đầu tiên xác lập hoàn chỉnh quyền của NCT. Thuật ngữ “người cao tuổi” lần đầu tiên được nhắc đến tại khoản 2 Điều 59 và khoản 3 Điều 3 khi đề cập một cách đầy đủ và khẳng định mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng, công bằng cho mọi thành viên trong xã hội. Khoản 3, Điều 37 của  Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính sách đối với NCT đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo ra một khuôn khổ chính sách khá toàn diện đối với NCT ở Việt Nam, góp phần hoàn thiện các chế độ, chính sách quan tâm, chăm sóc và ưu đãi NCT Việt Nam.

Các chính sách, quy định đều nhằm thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của NCT; phát huy vai trò của NCT, tạo môi trường thuận lợi, điều kiện để NCT sử dụng khả năng, kinh nghiệm tham gia có hiệu quả vào các lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời, chăm lo, bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của NCT; nâng cao chất lượng đời sống. Nhiều chính sách trợ giúp và bảo trợ xã hội hướng tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho NCT; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ và cơ sở chăm sóc NCT, chú trọng NCT khuyết tật, NCT thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, NCT dân tộc thiểu số…

Ngày 30/12/2016, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”, đề ra các nhiệm vụ quan trọng để tiến tới tất cả NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được CSSK của NCT và các kiến thức CSSK NCT. Nâng cao sức khỏe NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự CSSK và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK ban đầu của NCT. Bảo đảm 80% số NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe… Trong bối cảnh COVID-19, ngành Y tế luôn coi NCT là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. 

Triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 13 triệu người cao tuổi, từ 60 tuổi trở lên. Riêng năm 2019-2020, cả nước có thêm khoảng 1,1 triệu người dân tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó, tỉ lệ người cao tuổi tham gia lớn, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên. Nghị quyết 28-NQ-TW được nhìn nhận là "cuộc cách mạng" đi sâu vào các vấn đề của bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm y tế, tạo nền tảng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bền vững.

Năm 2020, ngân sách Nhà nước đã bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng. Hơn 1,8 triệu người cao tuổi nhận trợ cấp hằng tháng, hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng và 3,1 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Theo quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng được đưa ra ở Nghị định số 136/2013 NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 270.000 đồng. Với mức hỗ trợ này người NCT gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP áp dụng từ ngày 01/7/2021, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, Nghị định đã điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng đồng nghĩa với việc tăng mức trợ cấp xã hội hàng tháng. Đối với đối tượng người cao tuổi, áp dụng hệ số 1,5 đối với người từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi; hệ số 2,0 đối với đối tượng từ đủ 80 tuổi trở lên. Áp dụng hệ số 1,0 đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ PHÁT HUY VAI TRÒ ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC TRONG XÃ HỘI CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

Theo quy ước quốc tế, NCT hay người cao niên hay người già là những người lớn tuổi, thường có độ tuổi khoảng từ 60 trở lên. Theo Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam bổ sung, sửa đổi được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 24/3/2017 thì được mở rộng hơn: Trường hợp công dân Việt Nam từ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi, tự nguyện và tích cực tham gia Hội hoặc được cử làm công tác Hội, được xem xét công nhận là hội viên.

Cả nước ta hiện có gần 13 triệu NCT, chiếm 12% dân số cả nước, trong đó, khoảng gần 2 triệu người hơn 80 tuổi. Trong bối cảnh dân số nước ta đang già hóa nhanh, tỷ lệ NCT sẽ còn tiếp tục tăng nhanh về số lượng và tỷ trọng. Theo Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi Việt Nam: Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng lên 18% và đến năm 2050 là 30%. Tỷ lệ NCT trên 80 tuổi cũng sẽ tăng và đến 2050 chiếm trên 6% dân số. Điều này đặt ra thách thức lớn về an sinh xã hội, chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của NCT. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác NCT, cũng phải chỉ ra rằng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của NCT, trách nhiệm trong thực hiện các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người cao tuổi. Thời gian tới, đối với công tác NCT cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đối với vai trò của Hội NCT và NCT trong giai đoạn hiện nay. Quán triệt, phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi; cổ vũ, phát huy truyền thống tốt đẹp, sức mạnh to lớn của các thế hệ NCT Việt Nam; Tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn công lao, đóng góp của NCT đối với đất nước, nhất là trong triển khai thực hiện các cuộc vận động thiết thực, hiệu quả, như: Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, công tác khuyến học, khuyến tài; trao chuyền tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và giáo dục đạo đức cho các thế hệ kế tiếp… và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước.

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội về bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của NCT. Cần tiếp tục thực hiện tốt tinh thần của Hiến pháp, cụ thể trong Khoản 3, Điều 37 của  Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Xác lập ứng xử và quan niệm tiến bộ, NCT không phải là gánh nặng của xã hội mà phát huy vai trò để NCT là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội.

Hai là, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội NCT và NCT Việt Nam. Cần có các chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tạo cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho NCT, bảo đảm an toàn thu nhập bên cạnh các chính sách trợ cấp xã hội và lương hưu, phúc lợi tổng thể cho NCT. Các chính sách liên quan đến NCT gắn chặt với xóa nghèo đa chiều. Xóa khoảng trắng NCT thuộc diện hộ nghèo chưa có BHYT. Giảm dần hỗ trợ trực tiếp mà chuyển sang hỗ trợ NCT có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đồng thời từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua chính sách bảo hiểm cho NCT có hoàn cảnh khó khăn.

NCT có quyền được hưởng đời sống thể chất và tinh thần có chất lượng cao, do đó, cần chú trọng các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe NCT với lối sống khỏe mạnh, tích cực, nâng cao và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT. Chính sách về già hóa dân số có lồng ghép với các vấn đề về giới, tính đến các nhu cầu cụ thể của phụ nữ và nam giới cao tuổi. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống trợ giúp xã hội thông qua hoạt động công tác xã hội, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Ba là, kể từ ngày thành lập đến nay Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trải qua 5 kỳ Đại hội và năm 2021 này sẽ tiến hành Đại hội nhiệm kỳ lần thứ VI. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, 80 năm qua,  Hội NCT, NCT Việt Nam đã phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hăng hái thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”. Để Hội tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với NCT, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp, ngành cũng cần chú trọng đề cao vai trò nòng cốt của Hội Người cao tuổi Việt Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp hội, NCT. Phát huy vai trò của các cấp hội trong thực hiện thiết thực, hiệu quả các Cuộc vận động, các phong trào phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”; phát huy khả năng của người cao tuổi “Tự thân vận động, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm”; trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo “Xu hướng già hoá dân số nhanh”(3) là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết; trong thời gian tới cần “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hoá dân số”(4). Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước không thể không chú trọng đến NCT và việc thích ứng với dân số già. An ninh con người là trung tâm để đảm bảo phát triển chính trị, xã hội, do đó, những chuẩn bị, điều chỉnh về chính sách, luật pháp, nhận thức, tâm lý xã hội và các điều kiện vật chất, kỹ thuật là cần thiết và quan trọng mà trước tiên là nâng cao nhận thức, nhìn nhận đúng vai trò và đóng góp của NCT là một chủ thể tham gia tích cực vào sự phát triển xã hội, bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay./.

Cao Nguyên

---------------------

1) Hồ Chí Minh: Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão (6-1941)

2) Hồ Chí Minh: Thư gửi các bậc phụ lão, báo Cứu quốc số 48, ngày 21/ 9/1945

3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 1, Hà Nội, 2021, tr.108

4) Sđd, tr.151.

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất