Tính đến ngày 15/3, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 173 thủ tục
hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành
chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là trên 1,97
triệu bộ hồ sơ và trên 28 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Trong báo cáo công tác, Tổng cục Hải
quan cập nhật tình hình triển khai thủ tục hành chính trên Cơ chế một
cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành,
trong đó có Bộ Y tế và Bộ Công an triển khai thêm 20 thủ tục hành chính
mới thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, đã có 13 Bộ, ngành tham
gia kết nối; 173 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc
gia. Dự kiến đến hết quý I/2019 hoàn thành thêm ít nhất 9 thủ tục hành
chính (6 thủ tục của Bộ Y tế và 3 thủ tục của Bộ NN&PTNT).
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN,
ngành Hải quan tiếp tục triển khai trao đổi chính thức Giấy chứng nhận
xuất xứ mẫu D (C/O form D) với 4 nước: Singapore, Malaysia, Indonesia,
Thái Lan.
Đồng thời, tham gia trao đổi thử nghiệm
C/O form D với 3 nước: Brunei, Campuchia, Phillipines. Trong thời gian
tới, theo kế hoạch sẽ triển khai kết nối kỹ thuật thử nghiệm trao đổi
thông tin tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch thực vật
(ePhyto), chứng nhận kiểm dịch động vật (e-AH).
Chuẩn bị triển khai kết nối Cơ chế một
cửa quốc gia để trao đổi thông tin với liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn
Quốc, trước mắt, test trao đổi thử nghiệm Gateway của Việt Nam với
Gateway của liên minh kinh tế Á-Âu.
Tổng cục Hải quan đang triển khai mở
rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) trên
phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 14/3, hệ thống VASSCM đã được triển
khai tại 29/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 359 doanh nghiệp kinh doanh
kho/bãi/cảng và kho ngoại quan.
Ngành đã tiến hành rà soát hiện trạng
CNTT, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp yêu cầu nghiệp vụ xây dựng. Trên
cơ sở đó nghiên cứu, phân tích để xây dựng kế hoạch mở rộng, nâng cấp,
hoàn thiện Hệ thống CNTT Hải quan thông minh, tích hợp; đã hoàn thành dự
thảo mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử trong ngành Hải quan tuân thủ
và phù hợp với Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính (dự kiến
tháng 4/2019 sẽ ban hành).
Ngoài ra, ngành Hải quan tiếp tục triển
khai Đề án đầu tư hệ thống seal định vị điện tử phục vụ công tác giám
sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan vận chuyển bằng container
của Tổng cục Hải quan (đã hoàn thành mua sắm và lắp đặt máy chủ). Ngoài
ra, Hải quan còn nâng cấp phần mềm hỗ trợ hoạt động đổi mới quản lý
nguồn nhân lực; hệ thống kế toán thuế xuất nhập khẩu; hệ thống miễn giảm
hoàn thuế; cung cấp thông tin tờ khai cho các đơn vị (các Bộ, ngành,
ngân hàng và doanh nghiệp) và tiếp nhận xử lý thông tin nhận được từ
Tổng cục Thuế; hệ thống thông tin tình báo, hệ thống kiểm tra sau thông
quan để kết nối, xử lý thông tin với hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ
thống xử lý tập trung ngành Hải quan.
Ngành Hải quan đang duy trì, vận hành ổn
định Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của ngành Hải quan. Tính
đến nay, tổng số DVCTT đạt tối thiểu mức độ 3 trong lĩnh vực hải quan là
171/181 TTHC (chiếm trên 94,4% số lượng TTHC). Số hồ sơ trên hệ thống
dịch vụ công từ ngày 1/3/2017 đến hết ngày 10/3/2019 đạt 212.648 bộ với
23159 doanh nghiệp và 389 cá nhân tham gia.
Trong quý I/2019, Tổng cục Hải quan hoàn
thành việc rà soát các quy định liên quan và quy trình thực hiện thủ
tục hành chính bằng phương thức điện tử để chuẩn bị cho việc nâng cấp 02
thủ tục hành chính đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 thành
dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ Tài
chính./.
(VGP)