TRIỂN KHAI NHIỀU BIỆN PHÁP QUẢN LÝ
Nhằm quản lý chặt chẽ việc phân phối sim trả trước kích hoạt sẵn (sim
rác), Chính phủ và Bộ TT&TT đã có nhiều hành động cứng rắn.
Cụ thể,
ngày 24/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi,
bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của
Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến
điện. Nghị định bổ sung thêm một số quy định: Sim thuê bao di động chỉ
được cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; không hạn chế số
sim đăng ký nhưng phải đầy đủ thông tin thuê bao chính chủ. Một điều
đáng lưu ý là doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm
đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các
điểm ủy quyền; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của
thông tin thuê bao.
Năm 2018, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp
viễn thông thực hiện nghiêm túc việc cập nhật thông tin và ảnh chân dung
của chủ thuê bao di động trả trước trong nước trước ngày 24/4/2018 với
mục đích tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước.
Những biện pháp quyết liệt từ cơ quan quản lý cùng sự vào cuộc của các
nhà mạng khiến số lượng sim rác trên thị trường giảm đáng kể, góp phần
hạn chế tin nhắn rác. Theo số liệu mới nhất của Bộ TT&TT, số lượt
phản ánh về tin nhắn rác trong năm 2018 giảm tới 37,3% so với năm 2017;
trong tháng 2-2019, số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm 56,7% so với
tháng 2-2018.
Tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng trên thị trường, sim rác của
các nhà mạng vẫn được bày bán khá ngang nhiên. Ngay tại Hà Nội, ở những
tuyến phố, như: Kim Mã, đường Láng, Thái Hà… người sử dụng có thể mua dễ
dàng sim trả trước mà không cần đăng ký thông tin thuê bao theo quy
định. Ngoài mua trực tiếp thông qua các cửa hàng, người mua còn có thể
mua qua internet.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, nguyên
nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tiêu thụ sim được kích hoạt sẵn là bởi
doanh nghiệp viễn thông lấy số lượng thuê bao làm số đo thành tích và
kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, một tổ chức và cá nhân có thể đứng tên
với không giới hạn sim cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sim rác.
QUẢN LÝ CHẶT DOANH NGHIỆP, CÁ NHÂN MUA NHIỀU SIM
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 của Bộ TT&TT ngày 15/1/2019,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý triệt để vấn đề sim rác. Thủ
tướng nêu rõ: “Chủ tịch, tổng giám đốc các công ty, doanh nghiệp viễn
thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về sim rác. Sim rác không xử
lý được thì hậu quả rất khôn lường. Chỉ có Việt Nam mua sim dễ dàng như
vậy”.
Thực hiện chỉ đạo này của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh
Hùng đã chỉ đạo Cục Viễn thông và các đơn vị, doanh nghiệp quyết liệt
xử lý sim rác trong tháng 3/2019 và đề xuất giải pháp để giải quyết dứt
điểm tình trạng sim rác trong tháng 6-2019, kiên quyết không để tình
trạng này kéo dài. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, người đứng đầu
nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc thực
hiện cam kết này.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), để
hạn chế sim rác, nên thống nhất mức trần đối với các chi phí phát triển
sim của tất cả doanh nghiệp viễn thông không quá 7.500 đồng. Ngoài ra,
các nhà mạng không được cung cấp các gói cước khuyến mãi có giá trị lớn
với thuê bao mới.
Đại diện Cục Viễn thông cho hay, trong dự thảo Nghị
định số 25/2011/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Viễn thông) sửa đổi mới trình Chính phủ, Bộ TT&TT đang
đề xuất giải pháp một cá nhân đăng ký nhiều hơn 3 sim, một tổ chức đăng
ký nhiều hơn 100 sim chỉ được thực hiện tại các điểm giao dịch của
doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp phải định kỳ cung cấp danh sách cá
nhân, tổ chức có số lượng thuê bao lớn này về cơ quan quản lý Nhà nước.
Cùng với đó, Cục Viễn thông sẽ kiến nghị trong quá trình hoàn thiện dự
thảo xin ý kiến thành viên Chính phủ đưa ra biện pháp mạnh tay hơn là
giới hạn số lượng sim tối đa mà một tổ chức hoặc cá nhân được quyền sở
hữu. Có thể cân nhắc mỗi cá nhân không được sở hữu quá 7 sim với mỗi nhà
mạng.
Rõ ràng, đã và đang có rất nhiều hành động khá quyết liệt nhằm giải
quyết nạn sim rác đến từ nhà quản lý nhưng vấn đề này chỉ lắng xuống chứ
chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm.
Do đó, phải có chế tài mạnh mẽ
và quyết liệt hơn nữa trong xử phạt doanh nghiệp viễn thông cũng như các
đại lý kinh doanh, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lưu
thông, mua bán sim rác. Đồng thời, tăng cường ý thức trách nhiệm của các
doanh nghiệp viễn thông là hết sức cần thiết, bởi nếu không có sự hợp
tác tích cực từ các nhà mạng thì sim rác không thể được giải quyết tận
gốc./.
Vũ My (qdnd.vn)