Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 14/7/2019 10:15'(GMT+7)

20 năm và chặng đường vì hòa bình

Lãnh đạo TP. Hà Nội và các vị khách quý thả chim bồ câu trong Lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019). (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Lãnh đạo TP. Hà Nội và các vị khách quý thả chim bồ câu trong Lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019). (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Chỉ có nhìn vào lịch sử từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong quá khứ của Hà Nội mới thấy những nỗ lực to lớn của Thủ đô để có được bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO.

Từ sự bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa-giáo dục cho đến chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ, đến trở thành thủ đô duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” đã không phải là chuyện dễ dàng. Làm sao tiếp tục xứng đáng với danh hiệu đó lại càng thêm phần khó khăn.

Thế nhưng, trong suốt hai thập niên qua, Hà Nội đã không hề phụ sự kỳ vọng mà cộng đồng quốc tế gửi gắm. Người ta khó có thể quên những hình ảnh chân thực, gây ấn tượng với bạn bè quốc tế về một không gian bình yên, một thành phố an toàn, cởi mở, đậm đà bản sắc qua những trải nghiệm thực tế của chính các nhà lãnh đạo thế giới tại Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam. Đó là những khi Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm nhân dịp tới dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 năm 2006; Tổng thống Pháp Francois Hollande đi bộ tới nhiều điểm đến văn hóa tại khu phố cổ Hà Nội hồi năm 2016; Hoàng tử Anh William tản bộ phố cổ, ngồi cà phê vỉa hè Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2016; Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè Hà Nội vào tháng 2/2019; Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree ngắm bình minh, tập thể dục buổi sáng cùng người dân bên hồ Hoàn Kiếm, đội nón lá, hay thưởng thức món bún bò vỉa hè Hà Nội vào tháng 5-2019…

Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua hình ảnh cách đây 3 năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama thảnh thơi ngồi ăn bún chả và uống bia tại một quán ăn bình dân ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam, hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un làm chuyện “vô tiền khoáng hậu” trong các chuyến công du nước ngoài của ông khi đã hai lần chủ động hạ cửa kính xe vẫy tay chào và tạm biệt để đáp lại tình cảm của người dân Hà Nội hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3/2019.

Và đông đảo bạn bè quốc tế đã không bất ngờ khi Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình” được chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Như hãng tin CNN khẳng định, “sự tái sinh” kể từ khi kết thúc chiến tranh và bắt đầu cải cách kinh tế là một trong những lý do chính khiến Thủ đô Hà Nội được "chọn mặt gửi vàng” bởi “đối với Washington, Hà Nội là bằng chứng cho thấy sự thù hận không phải tồn tại mãi mãi trong khi với Bình Nhưỡng, đây lại là bằng chứng về sự cải cách kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng cho người dân”.

Ở một góc độ khác, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng từng trải qua những cuộc chiến khốc liệt, đau khổ nên thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình. Vì lẽ đó, không có gì bất ngờ khi tờ Nikkei Asian Review lại đánh giá việc Hà Nội đồng ý làm chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai “thể hiện mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới”.

Không cần những số liệu thống kê cụ thể, chỉ với những hình ảnh “người thật, việc thật” cũng đủ cho thấy trong suốt chặng đường 20 năm tuy không dài nhưng cũng không quá ngắn ấy, Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây sẽ tiếp tục là động lực để Thủ đô Hà Nội vững bước trên con đường phát triển phía trước, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoàng Vũ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất