Thứ Tư, 9/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 30/12/2011 14:17'(GMT+7)

2011: An ninh thế giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Những cuộc biểu tình và bạo lực khiến Trung Đông - Bắc Phi luôn trong tình trạng bất ổn. (Ảnh: Reuters).

Những cuộc biểu tình và bạo lực khiến Trung Đông - Bắc Phi luôn trong tình trạng bất ổn. (Ảnh: Reuters).

Năm 2011 đã ghi nhận sự nỗ lực của các nước, các tổ chức quốc tế trong hợp tác toàn cầu để ổn định, phục hồi kinh tế sau khủng hoảng. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cuộc đấu tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt hơn; điểm nóng Trung Đông - Bắc Phi bùng phát đã tác động xấu đến môi trường an ninh quốc tế, đã và đang đặt ra cho cộng đồng quốc tế những nguy cơ, thách thức mới về an ninh toàn cầu trong năm 2012.

Trung Đông - Bắc Phi, tác nhân tiêu cực cho an ninh toàn cầu

Sau những biến động chính trị tại Trung Đông - Bắc Phi, NATO đã can thiệp vào Libya. Với Nghị quyết số 1970 và 1973 của Hội đồng bảo an LHQ, ngày 19/3 liên quân Pháp, Anh, Mỹ đã thực hành tiến công bằng không quân và tên lửa vào lãnh thổ Libya.

Ngày 5/10, Tổng Thư ký NATO Rasmussen tuyên bố rằng, chiến dịch “Người bảo vệ thống nhất” tại Libya đã thu được thắng lợi to lớn và NATO đã hoàn thành sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc.

Cuộc chiến ở Libya sau 7 tháng đã kết thúc “thắng lợi” với hàng chục ngàn người chết, bị thương và phải đi lánh nạn ở nước ngoài, thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ USD.

Theo IMF, biến động chính trị tại khu vực này đã làm mất hơn 55 tỷ USD. Trong 6 nước bị thiệt hại thì Libya là nước chịu hậu quả nặng nề nhất, các hoạt động kinh tế bị đình trệ với cái giá phải trả là 7,7 tỷ USD (28% GDP). Tổng chi phí trong cân bằng ngân sách lên tới 6,5 tỷ USD, gần bằng 29% của tổng sản phẩm quốc gia.

Kinh tế các nước Trung Đông - Bắc Phi đồng loạt suy giảm từ 2,3% xuống 1,9% trong năm nay, riêng kinh tế Libya mất hơn 50% do ngành dầu mỏ bị tê liệt. Trong khi dầu mỏ nước này chiếm 70% GDP và 95% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các công ty dầu lửa và các nước phương Tây cũng lo ngại rằng lực lượng NTC vẫn bị chia rẽ do bất đồng nội bộ, từ đó có thể dẫn đến các cuộc giao tranh mới, gây hại cho sự phục hồi sau chiến tranh và việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Chuyên gia dầu lửa của công ty Wood Mackenzie ước tính, sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, Libya sẽ phải mất ít nhất 3 năm mới có thể khôi phục sản lượng dầu 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu thế giới.

Ngoài ra năm 2011, thế giới cũng đã gánh chịu thảm họa thiên tai và an ninh môi trường với mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Động đất, lũ lụt diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới; chỉ riêng trận siêu động đất/sóng thần ngày 11/3 ở Nhật Bản, đã làm cho hơn 28.000 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính gần 20.000 tỷ yên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Tổng thống Philippines Benigno Aquino bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 19 (Ảnh: Reuters)

Cuộc đấu tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra quyết liệt

Với Mỹ, sau khi “cuộc chiến dầu mỏ” tại Trung Đông - Bắc Phi tạm lắng, Mỹ đã thực thi chiến lược "trở lại châu Á" nhằm thiết lập lại và tăng cường vai trò chủ đạo của Mỹ tại đây.

Ngày 16/11/2011, trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia ở Canberra, Tổng thống Obama khẳng định: "Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ mãi hiện diện ở đây". Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton cũng cho biết: “Khi Mỹ đã kết thúc cuộc chiến tại Iraq thì trọng tâm chiến lược cũng như kinh tế đang chuyển đổi sang phía Đông, do đó Mỹ chuyển sang tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Với Trung Quốc, trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông - Bắc Phi, Trung Quốc là một trong những nước bị thiệt hại nhiều nhất bởi các hợp đồng đầu tư khai thác năng lượng tại đây. Với phiếu trắng và phiếu trống khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết trừng phạt Libya và Syria, phản ánh cuộc đấu tranh chiến lược quyết liệt của Trung Quốc với các nước phương Tây.

Trong diễn biến khác, Trung Quốc đã chủ động “tiến công” trên lĩnh vực kinh tế. Tại Diễn đàn mùa hè Davos (14/9), trong diễn văn khai mạc trước đại diện chính phủ và các doanh nhân của hơn 90 nước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định chính phủ Trung Quốc sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để lấy lại cân bằng cho tăng trưởng kinh tế thế giới.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, Trung Quốc là nước có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào nhất thế giới, hiện đã lên tới hơn 3.000 tỷ USD, đến một lúc nào đó, Trung Quốc có thể sẽ sẵn sàng “mua đứt” cả châu Âu. Mỹ hiện đang là con nợ lớn nhất của Trung Quốc.

Với Nga, trong cuộc khủng hoảng ở Trung Đông - Bắc Phi, Nga cũng là nước thiệt hại không nhỏ về lợi ích kinh tế - dầu mỏ. Vì thế, sự phản ứng của Nga đối với việc phương Tây chủ trương trừng phạt Iran và Syria là rất quyết liệt. Mới đây, ngày 22/11, Nga đã đưa tàu chiến vào vùng biển gần Syria để ngăn chặn nước ngoài có thể can thiệp vào đây.

Trên chính trường Nga và quốc tế, với sự ăn ý của “cặp đôi quyền lực” Putin - Medvedev đã khiến cho giới lãnh đạo của một số nước phương Tây không hài lòng.

Với chính sách có phần cứng rắn của ông Putin và cách tiếp cận mềm mỏng của ông Medvedev, cùng với ý tưởng kéo nước Nga xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây, nhằm thu hút công nghệ cao cho hiện đại hóa đất nước, xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế… đã được thử nghiệm trên thực tế, và đã có thể đưa ra những kết luận mới về chiến lược và sách lược trong cuộc chiến giành vị thế toàn cầu./.

(Nguyễn Nhâm/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất