Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 20/2/2015 16:22'(GMT+7)

2015: Đón sản phẩm đầu tiên từ 3 chương trình KH&CN quốc gia

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. (Nguồn: Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. (Nguồn: Vietnam+)



 Tiến sỹ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trò chuyện với báo chí xoay quanh vấn đề này.

- Thưa Bộ trưởng, nếu chọn ra ba điểm sáng của ngành khoa học công nghệ trong năm 2014, Bộ trưởng chọn sự kiện nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thứ nhất, trong năm 2014, chúng tôi đã hoàn thành toàn bộ nền tảng pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ bằng việc trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định, hơn 40 Thông tư và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống trong những năm tiếp theo.

Thứ hai, vào ngày 18/5, Ngày khoa học công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì và trực tiếp công bố. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta mở cửa phòng thí nghiệm trọng điểm của các viện nghiên cứu, các trường đại học để phục vụ học sinh sinh viên và các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, giới trẻ biết đến khoa học công nghệ thông qua các sản phẩm thường ngày như smartphone, Internet… nhưng để tạo ra nó như thế nào thì các em ít có thông tin. Khi đến phòng thí nghiệm, các em sẽ biết việc mô phỏng tiếng nói trong phần mềm hay việc tạo ra một con chip như thế nào? Tại đây, các nhà khoa học cũng có dịp truyền sự nhiệt huyết và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của giới trẻ.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ yêu cầu các viện trường duy trì việc mở cửa các phòng thí nghiệm thường xuyên vào ngày 18/5 hàng năm.

Thứ ba là việc đã nghiên cứu và sản xuất thành công vắcxin Rota phòng tiêu chảy. Đây là đề tài khoa học cấp nhà nước do Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Luân phụ trách. Sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia trên thế giới làm được vắcxin Rotavin M1.

Đây là sự tiếp nối những thành công của chương trình vắcxin của Việt Nam. Trước đây, chúng ta thành công với vắcxin tiêm chủng mở rộng sáu bệnh cho trẻ em, vắcxin H5N1, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu ở khu vực về làm vắcxin.

Sự kiện này, cùng với các thành tựu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khác trong năm qua đã góp phần đưa Việt Nam có thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá (năm 2014 Việt Nam xếp thứ 71/143, tăng 5 bậc so với năm 2013).

Đáng chú ý, nhiều quốc gia thuộc diện thu nhập trung bình thấp có thu nhập đầu người cao hơn chúng ta nhưng theo xếp hạng của WIPO vẫn đứng sau chúng ta về trình độ đổi mới sáng tạo như Indonesia, Ấn Độ và một số quốc gia ở Trung Á thuộc Liên Xô trước đây…

Sở dĩ khoa học và công nghệ của chúng ta được xếp hạng ở  mức cao so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương là do những thành tựu khoa học công nghệ trong một thời gian dài. Ví dụ ngoài vắcxin, ở lĩnh vực đóng tàu, chúng ta làm chủ công nghệ, được xếp hạng thứ 5 thế giới. Chúng ta cũng làm chủ thiết kế, chế tạo tàu biển tải trọng lớn tới 100.000 tấn, nhiều tàu loại 53.000 tấn đã được xuất khẩu.

Về dầu khí, chúng ta là một trong 3 nước ở châu Á và trong Top 10 quốc gia trên thế giới làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế chế tạo giàn khoan tự nâng 90 m nước và năm nay chúng ta đã đặt ky (keel laying) để làm giàn khoan 120 mét nước…



Năm 2014, Bộ trưởng Nguyễn Quân từng được dư luận chú ý khi ngồi lặn thử tàu Hòa Bình do các nhà khoa học Việt Nam chế tạo. (Ảnh: Bộ KHCN)

- Đầu xuân Giáp Ngọ, Bộ trưởng có nói “2014 là năm hành động…," nhưng cho dù có nhiều điểm sáng thì có vẻ những hoạt động của ngành khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự “xứng tầm” là năm hành động, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2014 chúng tôi coi là năm hành động vì khi Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013, chúng tôi đã xây dựng các văn bản hướng dẫn luật để có thể ban hành một cách đồng bộ ngay khi Luật có hiệu lực vào ngày 01/01/2014. Luật Khoa học và Công nghệ  có 6 Nghị định hướng dẫn thi hành. Trên thực tế, cuối năm 2013, chúng tôi đã trình Chính phủ cả 6 Nghị định này. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến của thành viên Chính phủ và trao đổi giữa các Bộ, ngành thì việc ban hành các nghị định nói trên đến tháng 11/2014 mới hoàn tất.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương hoàn thiện các Thông tư hướng dẫn chi tiết các Nghị định để ban hành ngay trong quý I/2015. Lẽ ra, hết nên năm 2014 phải có đầy đủ các văn bản để tổ chức thực hiện các tư tưởng và quy định đổi mới của Luật nhưng cho đến giờ phút này các văn bản còn chưa đầy đủ.
Sau khi ban hành các Thông tư trong quý I/2015, ở các quý sau, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tiến độ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là ba Chương trình quốc gia lớn đã được Thủ tướng phê duyệt.

- Xin Bộ trưởng “điểm danh” ba Chương trình quốc gia lớn kể trên?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đó là Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.

Mục tiêu trong năm 2015, các chương trình này sẽ cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.

- Điều gì khiến Bộ trưởng trăn trở nhất trong thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Điều chúng tôi trăn trở và cũng là điều khó nhất chính là công tác truyền thông cho khoa học công nghệ còn yếu. Bởi vậy, thông tin về thành tựu khoa học công nghệ đến với xã hội còn khó khăn, trong khi dễ dàng tiếp cận với thông tin của những người nông dân làm xe tăng, tàu ngầm, máy bay…

Thậm chí, việc truyền thông yếu dẫn đến nhiều thông tin đăng tải chưa thực sự chính xác, gây hiểu lầm trong dư luận.

- Nhắc tới “nhà khoa học chân đất,” thưa Bộ trưởng, cho dù như Bộ trưởng từng nói Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những cơ chế giúp đỡ họ phát triển sản phẩm của mình, song về cơ chế tài chính cụ thể thì có vẻ còn xa vời…?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cơ chế của chúng ta từ trước đến nay là nhiệm vụ khoa học phải được phê duyệt thì mới được cấp tiền trong khi bà con làm xong mới đề xuất thì ngân sách không thể hỗ trợ.

Để giải quyết vấn đề này, tôi đã chỉ đạo Cục Sở hữu Trí tuệ phối hợp cùng cơ quan chức năng của Bộ Tài Chính xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định số 13/2013/NĐ-CP về việc nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hy vọng trong năm nay có thể ban hành làm căn cứ pháp lý để cho các địa phương hỗ trợ cho bà con.

- Nguồn kinh phí sẽ được lấy từ đâu, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Theo Luật Khoa học và Công nghệ, tất cả các địa phương và các Bộ đều phải lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp vốn điều lệ ban đầu, sau đó quỹ phải tự huy động vốn hoặc thông qua hoạt động khác của quỹ như cho vay lãi suất thấp. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các doanh nghiệp nhà nước phải trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Một phần kinh phí của các quỹ này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho người dân.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Theo Trung Hiền/Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất