Chỉ sau 2 năm thực hiện, ngành công nghiệp này đã đạt được những thành
công lớn và được xem là “cái nôi” của cả nước trong lĩnh vực vi mạch bán
dẫn, giúp Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN về lĩnh vực thiết kết vi
mạch.
Manh nha từ năm 2005, nhưng phải đến năm 2013 Thành phố Hồ Chí Minh mới có một chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch.
Chỉ sau 2 năm thực hiện, ngành công nghiệp này đã đạt được những thành
công lớn và được xem là “cái nôi” của cả nước trong lĩnh vực vi mạch bán
dẫn, giúp Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN về lĩnh vực thiết kết vi
mạch.
Đây là ngành được thành phố chú trọng đầu tư để trở thành ngành kinh tế chủ lực trong tương lai.
Hai năm đột phá
Ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam bắt đầu được định hình từ năm 2005 với sự
ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC -
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), gắn liền với tên tuổi của giáo
sư, tiến sỹ khoa học Đặng Lương Mô, một chuyên gia vi mạch hàng đầu trên
thế giới.
Chỉ 3 năm sau ngày thành lập, ICDREC đã nghiên cứu và công bố chip 8-bit
đầu tiên của Việt Nam năm 2008 là SigmaK3, sau đó là chip VN801 năm
2009, đã gây một tiếng vang.
Tuy nhiên, sự phát triển đột phá của ngành vi mạch thật sự bắt đầu từ
năm 2013, với Chư ơng trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ
Chí Minh giai đoạn 2013-2020.
Chưa đầy 2 năm triển khai, chương trình đã tạo ra sản phẩm chủ lực là
chip SG8V1, với khả năng tùy biến và tích hợp các công nghệ bảo mật phục
vụ an ninh quốc phòng, bảo mật thông tin. Chip SG8V1 có thể sử dụng
trong hầu hết các thiết bị điện tử với tính năng kỹ thuật, hiệu năng
bằng hoặc cao hơn trong khi giá thành chỉ bằng 1/2 chip ngoại nhập cùng
lại…
Theo giáo sư, tiến sỹ Đặng Lương Mô, sự ra đời của SG8V1 là một cột mốc,
dấu ấn của ngành công nghiệp vi mạch, vì đây là sản phẩm chip đầu tiên
được thương mại hóa, khác với chip SigmaK3 và VN801 trước đây.
Điểm đặc biệt là sản phẩm này ra đời với một đội ngũ kỹ sư rất trẻ của
ICDREC, là tín hiệu đáng mừng nhất, khẳng định tiềm năng to lớn cho công
nghiệp vi mạch Việt Nam.
Từ đây, nhiều sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hóa thành
công như chip SG8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành
trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng
dụng FRID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ…
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, đơn vị đã trúng thầu cung
cấp 3.000 thiết bị đo điện từ xa cho Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ
Chí Minh với mức giá thấp hơn so với sử dụng dịch vụ của đối tác Trung
Quốc, giúp ngành điện thành phố tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ đồng mỗi
năm. Nếu áp dụng rộng rãi hơn thì số tiền tiết kiệm được sẽ cao gấp
nhiều lần.
Hướng đến thương mại hóa chip Việt
Với kết quả bước đầu hợp tác giữa ICDREC và ngành điện lực, ông Lê Mạnh
Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ
đạo Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố cho rằng, nếu
ngành điện lực ứng dụng rộng rãi hơn nữa, số tiền tiết kiệm được sẽ rất
lớn.
Đây chính là sự ưu việt của chip Việt, giá thành rẻ, hiệu quả tốt. Việc
đưa chip Việt ra thị trường thông qua sản phẩm ứng dụng là mô hình phù
hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay. Bước đầu, chúng ta đã tạo được một
cộng đồng về vi mạch điện tử.
Trong năm 2014, Việt Nam đã sản xuất được 150.000 chip SG8V1 để cung cấp
cho thị trường nội địa. Hầu hết các chip này được ứng dụng cho hơn 30
dòng sản phẩm thương mại.
Ông Ngô Đức Hoàng cho biết, trong năm 2015, chủ trương của ICDREC là tập
trung đẩy mạnh khai thác thị trường, trước mắt là các thị trưởng hẹp
như điện lực, giao thông và hệ thống quản lý. Khi ổn định thị trường đầu
ra sẽ hướng đến xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh.
Theo thống kê, hiện doanh thu đối với dòng chip vi điều khiển trên thế
giới đang tăng khá cao, khoảng 16 tỷ USD năm 2014 và dự tính đạt 19 tỷ
USD vào năm 2017. Trong khi đó, nhu cầu về linh kiện bán dẫn ở Việt Nam
khá cao, nhưng các doanh nghiệp hầu như phải nhập khẩu 100%. Đây rõ ràng
là thị trường tiềm năng rất lớn nhưng chúng ta đang bỏ trống. Với một
thị trường rộng lớn, Việt Nam chỉ cần tham gia một phần nhỏ cũng đem lại
doanh thu rất lớn mỗi năm.
Ông Lê Mạnh Hà chia sẻ, chúng ta đã có sản phẩm mang thương hiệu chip
Việt, nhưng để phát triển bền vững thì phải thâm nhập được vào thị
trường. Nếu không có thị trường thì dù có nghiên cứu, thiết kế, chế tạo
hay đến mấy cũng không mang nhiều ý nghĩa.
Do vậy, Thành phố sẽ tập trung đầu tư, tạo điều kiện để khai thác, mở
rộng thị trường cho ngành công nghiệp vi mạch. Trong đó, có chính sách
khuyến khích một số ngành quan trọng như an ninh quốc phòng, ngân hàng,
điện lực… sử dụng chip Việt theo phương châm “Người Việt Nam phải dùng
vi mạch Việt Nam” cho những lĩnh vực cần yếu tố bảo mật này.
Nâng tầm chip Việt
Việt Nam hiện đã đứng thứ 3 khu vực ASEAN về thiết kế, chế tạo vi mạch,
nhưng giữa chúng ta và thế giới vẫn còn khoảng cách nhất định, cần tạo
tiếp bước đột phá để theo kịp thế giới.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sản phẩm SG8V1 hiện mới chỉ dừng lại ở vi điều
khiển 8-bit, trong khi thế giới đã tạo sản phẩm chip 64-bit.
Tuy vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu, đánh dấu bước phát triển của
ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam. Dự kiến năm 2015 chúng ta sẽ có chip
24-bit hoặc 32-bit và hướng tới sản phẩm 64-bit trong thời gian ngắn.
Chúng ta có đủ khả năng và điều kiện để đạt được mục tiêu trên.
Theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện chúng ta
mới thiết kế chế tạo, trong khi sản xuất vẫn phải ở nước ngoài. Phải nỗ
lực hơn nữa để phát triển ngành công nghiệp này, hướng tới mục tiêu sản
phẩm phải "Made by Việt Nam."
Trong đó, các doanh nghiệp trong nước cần ưu tiên ứng dụng các sản phẩm
nghiên cứu của các doanh nghiệp Việt Nam, để kích thích, thúc đẩy ngành
công nghiệp vi mạch phát triển.
Để hiện thực hóa việc sản xuất đại trà chip Việt, Tổng Công ty Công
nghiệp Sài Gòn đang triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch
tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư trên
5.330 tỷ đồng, công suất giai đoạn 1 khoảng 5.000 đến 10.000 wafer/tháng
(tương đương 125 đến 250 triệu chip/tháng).
Để đảm bảo đầu ra, Công ty đã ký ghi nhớ với nhiều đối tác nước ngoài về
sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực; làm việc với các trường
đại học Việt Nam về chuẩn bị nguồn nhân lực cho nhà máy. Dự kiến, nhà
máy sẽ sản xuất các sản phẩm chip RFID, chip năng lượng, chip điện tử
thông dụng (loại vi điều khiển 8-bit, 16-bit và 32-bit).
Dù đã có bước đột phá trong 2 năm qua, nhưng để ngành vi mạch Việt Nam ,
cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên tầm thế giới vẫn còn rất nhiều
thách thức, cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.
Theo các chuyên gia, đây là ngành khá nhiều rủi ro, do đó nhà nước phải
có cơ chế, chính sách thuận lợi giúp phát triển ngành, thu hút các doanh
nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vi mạch này.
Ông Ngô Đức Hoàng cho rằng, cần có chính sách ưu tiên cụ thể để đưa chip
Việt vào các thiết bị phục vụ đời sống xã hội như điện, nước, ngân
hàng, giao thông, đồng thời có chính sách hỗ trợ riêng cho vi mạch như
trợ giá, ưu tiên thiết bị sử dụng vi mạch Việt trong mua sắm, đầu tư
công nhưng cần phải đầu tư tập trung.
Trong Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, Thành phố Hồ Chí Minh
đề ra mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 2.000 kỹ sư, chuyên gia cho lĩnh
vực này. Theo giáo sư, tiến sỹ Đặng Lương Mô, chúng ta đang có đội ngũ
kỹ sư rất tài năng, có thể đưa Việt Nam gia nhập ngành vi mạch thế giới.
Tuy nhiên lực lượng này khá mỏng, cần có chiến lược đào tạo rõ ràng.
Hiện các trường đại học đã có xu hướng đào tạo ngành vi mạch bán dẫn,
nhưng đó chỉ là đào tạo mang tính nghiên cứu hàn lâm, khi đi vào thực
tiễn sẽ rất khác. Chúng ta đang cần những kỹ sư có thể làm việc ngay khi
vừa ra trường, điều này cần một mô hình đào tạo phù hợp.
Với nhu cầu tiêu thụ 20 tỷ con chip mỗi năm, cùng với việc đã thu hút
nhiều tập đoàn công nghiệp điện tử thế giới đến đầu tư, Việt Nam đang là
thị trường nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Đây
là tiền đề quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh, “cái nôi công nghiệp vi
mạch Việt Nam” tiếp tục phát triển và hướng đến tầm cao mới.
Ông Lê Mạnh Hà khẳng định, thành phố sẽ đầu tư không hạn chế về kinh phí
và tạo cơ chế thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp vi mạch, để đưa
ngành này trở thành ngành kinh tế chủ lực của thành phố trong tương
lai./.
Vũ Tiến Lực (TTXVN)