Đến hết tháng 8/2009, đã có 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là thông tin vừa được Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long công bố với báo chí.
Trong buổi họp giao ban báo chí hàng tháng diễn ra sáng qua (11/9) tại Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Giám đốc Phạm Quốc Bản đã công bố kết thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm về hoạt động trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và báo cáo tình hình triển khai các chương trình hướng tới Đại lễ.
Trong số 21 tỉnh, thành đang tích cực triển khai công trình hướng tới Đại lễ, các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ đã thực hiện tốt nhiều kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về truyền thống đấu tranh dựng và giữ nước của địa phương; chỉnh trang và hoàn thành trùng tu một số di tích lịch sử, tổ chức thi tìm hiểu về “Lịch sử 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ hướng tới đại lễ…
Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội, ông Phạm Quốc Bản - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết đến ngày 9/9/2009, đã có 66 sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Về các công trình phi vật thể, trong thời gian vừa qua Hồ sơ đề nghị Unesco công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hoá Thế giới đã được thông qua vòng 1 trong phiên họp lần thứ 33 của Uỷ ban di sản Thế giới tại Tây Ban Nha. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Unesco sẽ đi thẩm định thực tế Hồ sơ. Bộ hồ sơ về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 12/8/2009.
Hiện tại, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan Bộ Ngoại giao xây dựng hồ sơ đưa Bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào chương trình “Ký ức thế giới”.
Dự án “Tủ sách Thăng Long” với 90 đề tài dự kiến sẽ hoàn thành và tổ chức nghiệm thu vào đúng Đại lễ. UBND Thành phố Hà Nội cũng đang xúc tiến thành lập Hội đồng biên tập để đưa các kết quả nghiên cứu về “Phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử, văn hoá 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” vào xuất bản năm 2010.
Cũng theo ông Phạm Quốc Bản, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ triển khai thực hiện Quy chế hoạt động của Ban tổ chức với 8 tiểu ban đã được phân công nhiệm vụ cụ thể.
Ông Bản khẳng định, Ban chỉ đạo sẽ thực hiện quyết liệt hơn nữa đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các cụm công trình hoàn thành chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Đặc biệt, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành giao ban thường xuyên và đột xuất giữa Lãnh đạo Thành phố với các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai./.
Theo VnMedia