Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 22/1/2015 16:35'(GMT+7)

27-1: Công diễn vở cải lương Mai Hắc Đế

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi họp báo

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi họp báo

Ngày 22-1, Báo Văn hóa phối hợp với Nhà hát cải lương Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức buổi họp báo ra mắt vở cải lương “Mai Hắc Đế” của tác giả PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ do đạo diễn, NSUT Triệu Trung Kiên dàn dựng.

Sau vở diễn “Chuyện tình Khau Vai”, tác phẩm đầu tay được xây dựng trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam, được khán giả nồng nhiệt đón nhận, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã quyết định tiếp tục gửi gắm tác phẩm tâm huyết vừa mới hoàn thành của mình là “Mai Hắc Đế”. Phát biểu tại buổi họp báo, tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, đây là một đề tài mà tác giả đã ấp ủ từ lâu, nhất là sau cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu do Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại Nam Đàn, Nghệ An năm 2013. Từ đó, hình tượng người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan luôn thôi thúc tác giả viết nên tác phẩm Mai Hắc Đế.

Với những nghiên cứu mới nhất của các nhà sử học, cuộc khởi nghĩa  Hoan Châu và tầm vóc của nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế không hề nhỏ. Đây là một cuộc khởi nghĩa quy tu hơn 40 vạn nghĩa binh, bao gồm hào kiệt từ 32 châu trên toàn xứ An Nam và viện binh của các nước lân bang là Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, đập tan ách đô hộ của một Đế quốc phong kiến hùng mạnh bậc nhất lúc bấy giờ là Đế quốc Đại đường. Đây có thể coi là một chiến công vô cùng hiển hách. Những nghiên cứu mới đã đưa ra những chứng – lý quý già làm phát lộ thêm những trang sử huy hoàng trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Những trang sử hào hùng ấy cần được giới thiệu rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân Việt Nam, để chúng ta thêm tự hào về truyền thống bốn nghìn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong bối cảnh giáo dục lịch sử của toàn xã hội còn đang nhiều hạn chế, việc xây dựng tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử phản ánh hình tượng người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan là vô cùng cần thiết. Vì thế, tác giả đã cùng đạo diễn, ê kíp sáng tạo cùng cán bộ, nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã có những lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc, cầu toàn để đem đến cho công chúng không chỉ một bài học lịch sử, tác phẩm văn học nghệ thuật với quan điểm chính thống, góp phần thỏa mãn thị hiếu muôn màu của các tầng lớp khán giả hôm nay.

Đạo diễn, NSUT Triệu Trung Kiên cho biết, để tránh đi vào lối mòn, Mai Hắc Đế đã được xây dựng theo quan điểm hư cấu nghệ thuật không thoát ly sự thật lịch sử; dung dị, sâu sắc, lay động lòng người, hiệu quả thị giác và thẩm mỹ cao. Vở diễn đã quy tụ 140 cán bộ, nghệ sỹ, nhạc công, vũ công, võ sinh, kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng về cảnh trí, phục trang, đạo cụ, âm nhạc, ngôn ngữ múa và các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, màn hình hiện đại, tiếp tục phát huy thế mạnh của nghệ thuật cải lương.

Vở cải lương Mai Hắc Đế sẽ chính thức công diễn vào 3 đêm, mở màn vào lúc 20h00 ngày 27, 28, 29/1/2015 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ – Hà Nội. Các buổi diễn hoàn toàn miễn phí. Khán giả yêu thích vở diễn có thể liên hệ Nhà  hát Cải lương Việt Nam để nhận vé mời.

 Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế xuất thân từ dân nghèo, yêu mến, gắn bó máu thịt với nhân dân, yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, đã đứng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường và bè lũ tay sai, lập quốc hiệu Vạn An, quốc đô Vạn An và Tống Bình, xưng Đế, tạo nên một trang sử hết sức oai hùng trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Mai Thúc Loan – Mai Hắc Đế nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự cường, tự tôn dân tộc. Ông là lãnh tụ khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc biết liên kết với các nước liên bang để đánh thắng kẻ thù hung hãn lúc đó. Mai Hắc Đế đã mang những thông điệp sâu sắc, cần thiết, bổ ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
 

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất