Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 14/2/2014 16:32'(GMT+7)

3 năm thực hiện Đề án tổ chức Lễ Khai ấn Đền Trần(Nam Định): Giờ thì yên tâm rồi!

Các cụ cao niên phường Lộc Vượng, TP. Nam Định rước kiệu ấn đền Trần Nam Định (đêm 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ)

Các cụ cao niên phường Lộc Vượng, TP. Nam Định rước kiệu ấn đền Trần Nam Định (đêm 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ)


Yên bình, thảnh thơi, trật tự... là những điều chúng tôi cảm nhận được tại không gian ngôi đền nổi tiếng thành Nam ngay từ trước thời điểm diễn ra lễ Khai ấn, điều không thể tìm thấy khi lễ hội Khai ấn đền Trần chưa được thực hiện theo đề án.

Còn những người trong cuộc trực tiếp triển khai thực hiện đề án nói gì?

Các ông Nguyễn Thiện Nhân, Trần Đại Quang tham dự lễ dâng hương

PGĐ Sở VHTTDL Nam Định Khúc Mạnh Kiên: “Ba năm và bước chuyển căn bản” 

Ngay trước giờ khai ấn, PGĐ Sở VHTTDL Nam Định Khúc Mạnh Kiên, đơn vị luôn sao sát, kiên quyết trong công tác tổ chức, quản lý đối với lễ Khai ấn đền Trần theo đề án 3 năm qua đã có cuộc trao đổi nhanh với Báo Văn Hóa. Ông Kiên chia sẻ: 

“Vốn là một di sản văn hóa độc đáo, qua nhiều năm tổ chức lễ hội Đền Trần đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận, số lượng khách đổ về đền ngày càng đông, lễ hội ngày càng trở nên quá tải.

Trước thời điểm áp dụng tổ chức lễ Khai ấn theo đề án do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo, lễ hội Đền Trần luôn là một “điểm nóng” khiến dư luận xã hội bức xúc, nhu cầu của du khách chưa được đáp ứng đầy đủ, công tác tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ, trật tự giao thông...

Trước tình hình đó, Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã xác định cần có những giải pháp đột phá quyết liệt với yêu cầu vừa bảo tồn được di sản của cha ông, vừa phát huy những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.

Đề án tổ chức lễ Khai ấn ra đời là kết quả của một quyết tâm chính trị rất lớn của lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo tỉnh Nam Định.  

Xin ông cho biết, thành công lớn nhất của việc thực hiện đề án sau 3 năm là gì?

Ông Khúc Mạnh Kiên

- Ông Khúc Mạnh Kiên: Thành công nổi bật là công tác tuyên truyền được thực hiện mạnh mẽ đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức về lễ hội Đền Trần, đó không chỉ là quyết tâm của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo tỉnh mà còn là của nhà đền, nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Có thể khẳng định 3 năm qua đã tạo nên một bước chuyển rất cơ bản. Nhận thức của nhân dân và du khách thập phương về lễ hội cũng như giá trị, ý nghĩa của lá ấn lộc đầu năm đã có chuyển biến tích cực.

Mặt khác, việc thực hiện phát ấn được chuyển sang sáng ngày Rằm tháng Giêng đã góp phần cơ bản để giảm tải lượng khách đổ về đêm khai ấn đền Trần vào 14 tháng Giêng như những năm trước. Một buổi đêm ngắn ngủi rất khó cho BTC có thể đáp ứng nhu cầu lớn của du khách đông đến như vậy. Vì thế có thể khẳng định thay đổi căn cốt này là yếu tố để đảm bảo tốt hơn cho nhu cầu của khách hành hương, ai cũng xin được lộc ấn khi về lễ đền Trần trong dịp đầu năm.

Bên cạnh đó, BTC cũng chủ động hơn để làm rất nhiều việc khác như: xây dựng hạ tầng cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền; đảm bảo an ninh trật tự... Hiếm có địa phương nào mà Thường vụ Tỉnh ủy lại ban hành hai Chỉ thị trong một năm như lễ hội Đền Trần (năm 2012-P.V), nhằm đảm bảo cho lễ Khai ấn diễn ra an toàn, thuận lợi.

Người đi lễ xếp hàng nhận ấn năm 2012 (Nhâm Thìn)

 

 và năm 2013 (Quý Tỵ)

 Năm thứ ba thực hiện đề án, công tác chuẩn bị chắc chắn cũng đã giảm được nhiều áp lực?

- Công tác chuẩn bị, quản lý đối với lễ Khai ấn Đền Trần năm nay có thể khẳng định đã đi vào nề nếp, ở mọi khía cạnh đều “nhàn” hơn, các lực lượng liên quan cũng thảnh thơi hơn. Đặc biệt, lực lượng được huy động để đảm bảo an ninh trật tự đối với lễ hội trong đêm khai ấn lên đến 2.000 người. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, y tế, viễn thông... đều được chuẩn bị kỹ càng, với các đầu việc cụ thể.

Xin khẳng định thêm, nội dung điểm nhấn của đề án là thay đổi thời gian phát ấn đã được sự đồng thuận lớn của chính quyền, người dân địa phương và du khách. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tác động lớn đến tâm lý khách hành hương, lượng du khách về đền đông hơn, được đáp ứng nhu cầu nhận ấn lộc đầu năm nhiều hơn, trong khi đó an ninh trật tự vẫn được đảm bảo. Nhớ lại năm đầu tiên thực hiện đề án (2012) áp lực rất lớn, giờ thì yên tâm rồi, mọi việc đã thực sự vào guồng, chúng tôi đã nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều lắm.

Xin cảm ơn ông! 

Khai ấn Đền Trần 2014: Đông, vui, an toàn

Đông đảo người dân về dự lễ Khai ấn Đền Trần chiều 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ 2014

Đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Ngọ tại Khu di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định), nghi lễ Khai ấn Đền Trần đã được tổ chức trang trọng. Về dự lễ Khai ấn năm nay có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Nam Định, đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.

Khuôn viên ngôi đền trở nên chật hẹp với sự có mặt của hàng vạn khách hành hương về đền tham dự lễ Khai ấn. Trước đó, trong suốt cả ngày 14, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều dòng người từ mọi nẻo đường cùng đổ về ngôi đền. Dù đông đúc nhưng cảm giác mang lại là sự trật tự, an toàn. Năm thứ 3 thực hiện đề án, kinh nghiệm từ hai mùa trước kể từ khi bắt đầu thực hiện đề án Khai ấn đền Trần đã khiến BTC lễ hội cảm thấy “tự tin” hơn cho mùa năm nay. Càng về đêm, dòng người đổ về Đền Trần càng đông, công tác đảm bảo an ninh trật tự liên tục được tăng cường, siết chặt, đặc biệt tại khu vực chính diễn ra các nghi lễ dâng hương, Khai ấn. Đã “quen” với thông tin hoạt động phát ấn sẽ bắt đầu từ sáng sớm ngày 15 nên bước chân những dòng người hành hương cũng không trở nên vội vã.

Nghi lễ dâng hương do UBND TP. Nam Định chủ trì được tổ chức từ 22h15 đến 22h40. Sau nghi lễ rước kiệu ấn do đại diện Hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân phường Lộc Vượng thực hiện, nghi lễ Khai ấn được thực hiện từ 23h15 và từ sau 23h55, cửa đền được mở để người dân tiếp tục vào lễ đền Trần đầu năm.

Theo BTC lễ hội, bắt đầu từ 6h sáng ngày Rằm sẽ bắt đầu tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại ba nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Trong các ngày từ 16 đến 20 tháng Giêng âm lịch tiếp tục phát ấn tại các nhà Giải Vũ.

ÔNG NGUYỄN XUÂN HOẠT, TRƯỞNG BQL KHU DI TÍCH LSVH ĐỀN TRẦN- CHÙA THÁP: “Đề xuất phát ấn từ 6 giờ sáng ngày Rằm tháng Giêng”

Sau 3 năm thực hiện Đề án, một trong những thành công cơ bản là nghi lễ Nhà nước đã được tách biệt với nghi lễ của cộng đồng, đây là câu chuyện liên quan đến vấn đề mà lâu nay dư luận vẫn đề cập: “Trả lại lễ hội cho dân”. Thành công này cũng đồng thời giảm thiểu những áp lực cho công tác tổ chức nói chung và từng phần việc nói riêng.

Thành công thứ hai, và cũng là thành công lớn nhất sau 3 năm là việc phát ấn được bắt
 đầu từ sáng ngày Rằm tháng Giêng đã giảm áp lực đối với công tác tổ chức trong đêm 14. Bắt đầu từ năm thứ 3, chúng tôi đề xuất bắt đầu phát ấn từ 6h sáng, thay vì 7h như trong đề án nhằm đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của lượng khách từ các tỉnh xa phải lưu lại đền trong đêm để chờ xin ấn.

Việc in thống nhất một chất liệu ấn cũng là thành công cơ bản, về hình thức và chất lượng đều phù hợp với mọi đối tượng. Khác với trước đây, ấn được in trên hai chất liệu là vải, giấy, ít nhiều cũng dẫn đến những tác động tâm lý nhất định đối với khách hành hương.

ÔNG TRẦN HUY CHIẾN, TỔ TRƯỞNG TỔ TỪ ĐỀN: “Người đi lễ không còn phải chen chúc trong đêm”

Nhớ lại thời điểm đề án mới xây dựng còn có nhiều ý kiến đa chiều, nhưng cơ bản nhấn mạnh là đề án phải thực hiện trên cơ sở đảm bảo các lễ nghi truyền thống, đặc biệt là những phong tục tập quán của cha ông đã để lại qua hàng trăm năm. Không chỉ nhìn thấy những thay đổi cơ bản khi thực hiện đổi giờ phát ấn, lễ hội Đền Trần đang khẳng định lại những giá trị và vẻ đẹp vốn có. Người đi lễ đền không còn phải chen chúc trong đêm để lấy được lá ấn như những năm trước. Nhà đền cũng có những đổi mới nhằm đảm bảo không gian trật tự, sạch đẹp cho lễ hội. Lượng ấn đáp ứng nhu cầu khách thập phương qua mỗi năm đều tăng. Năm đầu tiên thực hiện đề án có 21 vạn cánh ấn được in, sang năm thứ hai là 31,5 vạn và năm nay chúng tôi cố gắng in 35-36 vạn cánh ấn.

Một chuyển biến căn bản khác là công tác thông tin tuyên truyền; đảm bảo an ninh trật tự..., những vấn đề luôn được Bộ, lãnh đạo tỉnh, TP Nam Định, Sở VHTTDL Nam Định và chính quyền, nhân dân địa phương đặc biệt chú ý, đặc biệt về hiệu quả thực hiện. Trước kia, những thông tin đăng tải để người dân hiểu rõ hơn về lễ hội Đền Trần chỉ ở phạm vi hạn hẹp, nhưng bây giờ đã được phản ánh đầy đủ hơn, tích cực hơn trước rất nhiều.

BÀ CAO THỊ TÍNH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP.NAM ĐỊNH, TRƯỞNG BTC LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN 2014: “Người dân địa phương rất đồng thuận”

Góp phần tạo nên những thành công trong công tác tổ chức, quản lý đối với lễ Khai ấn đền Trần sau 3 năm có thể khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị, các cơ quan, ban, ngành của thành phố cũng như sự chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định. Vì thế đã đảm bảo được tuyệt đối an toàn cho lễ Khai ấn và hoạt động phát ấn kể từ khi thực hiện đề án. Việc phát ấn từ sáng ngày rằm tháng Giêng đã tác động cơ bản đến nhận thức và tâm lý du khách, kéo dãn lượng khách về Đền, đảm bảo an ninh trật tự. Nhân dân địa phương rất đồng thuận với chủ trương và thành công của đề án khi lượng du khách về ngày càng đông nhưng an ninh trật tự luôn được đảm bảo.

So với thời điểm 3 năm trước, hoạt động tổ chức lễ hội giờ đã có thể yên tâm hơn rất nhiều. BTC cũng đã triển khai nhiều hoạt động để phần hội thêm phong phú, ngoài phần nghi lễ được tổ chức trang nghiêm. Năm nay nét mới cơ bản là khôi phục nghi lễ Rước nước, Tế cá vốn đã có trong truyền thống từ hàng trăm năm.

Thu Trang-Ngọc Năm- ảnh Trần Huấn/VanHoa Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất