Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 5/2/2014 10:48'(GMT+7)

Nét xưa trong Tết nay

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Dăm bảy năm trước, chuyện "đụng lợn", từng nhà nấu bánh chưng, múa lân múa rồng chúc Tết từng nhà... được coi là rườm rà, kích rích, thì năm nay những hoạt động đó rộn ràng từ thôn quê đến thành phố. Trong mỗi mái nhà, mỗi dòng họ, dường như đời sống tinh thần (và cả tâm linh nữa) được chú trọng hơn. Nghỉ Tết dài nên những chuyến hành hương thăm quê cũ, thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên, dòng họ, viếng nghĩa trang liệt sĩ; chúc thọ người già, mừng tuổi người trẻ... lặng lẽ, lặng lẽ diễn ra từ Nam chí Bắc. Con người được trở về với "những ngày sống chậm" thật đáng quý trong dịp Tết này.

Nhìn lại những năm qua, với sự biến động không ngừng của kinh tế- xã hội trong xu thế hội nhập, chúng ta không khỏi giật mình khi thấy nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần phai nhạt. Nhiều nét văn hóa ngàn đời, trong đó có Tết cổ truyền bị coi là rườm rà, mất thời gian, thậm chí nhiều người cho rằng, Tết đã trở thành gánh nặng cho không ít gia đình và xã hội.

Thật đáng mừng, mấy chục năm Đổi mới, hội nhập, qua va đập, trải nghiệm, được và mất, chúng ta đã nhận ra chân giá trị của văn hóa dân tộc. Khôi phục những nét đẹp văn hóa truyền thống đáng quý của ông bà tổ tiên mình là hành động tự thân, tự nguyện từ trái tim mỗi người. Vì chỉ có làm những việc ấy con người mới cảm thấy nhẹ nhõm, vững vàng, tự tin trên mảnh đất ngàn đời của mình. Và chỉ thông qua những việc ấy cha mẹ mới giáo dục được cho con cháu biết đạo hiếu một cách nhẹ nhàng mà thấm thía nhất.

Cũng chính từ những biểu hiện "quay về" với những phong tục, lễ nghi truyền thống đó, đặt ra vấn đề giữ gìn văn hóa Tết. Những nét đẹp truyền thống cần giữ gìn bằng cách tạo không gian, môi trường cho chúng tồn tại, phát huy. Đó là tổng thể các biện pháp từ quy hoạch kiến trúc đến khuyến khích hương ước làng xã, các quy định của tổ dân phố. Chẳng hạn, các cấp phường ở đô thị nhất thiết phải có nhà văn hóa, có sân vận động, có khu vui chơi giải trí thì mới có những hoạt động tập thể ngày Xuân. Những quy định xây dựng nông thôn mới cần nghiêm túc thực thi ở tất cả các địa bàn, càng vùng sâu, vùng xa, càng không được chủ quan. Nếu không có tầm nhìn xa trông rộng, không gian làng quê cũng sẽ bị "nhốt chặt" bởi bê tông cốt thép. Không còn cây đa, bến nước, sân đình, thì cũng không còn văn hóa dân gian.

Người dân luôn là chủ thể sáng tạo và nuôi dưỡng văn hóa. Nhưng thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, nếu các cấp chính quyền không định hướng dài hơi, không nhìn xa trông rộng, không quyết liệt thực thi, vận động, biểu dương cổ vũ việc tốt, phê phán việc xấu thì văn hóa "ngủ im". Để những nét đẹp văn hóa Tết của tổ tiên mình được trường tồn, để xã hội hài hòa, ổn định, các cấp chính quyền cần có nhiều hình thức cổ vũ, duy trì nét đẹp văn hóa Tết từ mỗi ngõ xóm, mỗi khu phố, để cả đất nước ta mãi mãi đầm ấm, yên vui, để lớp lớp trẻ thơ háo hức mỗi khi Tết đến, Xuân về./.

Trần Duy Văn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất