Cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền với cá nhân.
Theo Nghị định quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp vừa được Chính phủ ban
hành, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 250 triệu đồng,
đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật bị phạt 20 triệu đồng
Theo Nghị định, phạt cảnh cáo hoặc phạt
tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Vi
phạm quy định về trình tự, thủ tục giám định, thời hạn giám định sỡ hữu
công nghiệp; không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan trưng cầu giám
định mà không có lý do chính đáng, không thực hiện việc giải thích kết
luận giám định khi có yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định.
Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành
vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ giám định viên, giấy chứng nhận
tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.
Đối với một trong các hành vi: Lợi dụng
tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi; cố ý đưa ra kết
luận giám định sai sự thật; tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác
làm sai lệch văn bản giám định... thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu
đồng.
Phạt nặng hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Nghị định cũng quy định phạt cảnh cáo
hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi bán;
chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng
hóa, dịch vụ (vì mục đích kinh doanh) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu,
tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp
giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 2-250 triệu đồng đối với
hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi
phạm từ trên 3 triệu đến trên 500 triệu đồng./.
Theo Chinhphu.vn