Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề về trách nhiệm của các Bộ trong thanh tra, kiểm tra thực hiện BHYT.
Ngày 11/9, Thường vụ Quốc hội thảo luận
sau khi nghe Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ báo cáo về việc thực
hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Chủ
nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai,
Trưởng đoàn giám sát trình bày báo cáo giám sát
Nhóm tự nguyện, hộ cận nghèo tham gia BHYT thấp
Luật BHYT quy định 25 nhóm đối tượng
tham gia BHYT và lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, theo đó, đến năm
2014, 3 nhóm cuối cùng phải tham gia BHYT đó là nhóm thân nhân người lao
động, xã viên hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể.
Giai đoạn 2009-2012, tỷ lệ dân số tham
gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Như vậy, sau 4 năm thực
thi Luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT, tương đương 9,24 triệu
người, bình quân tăng 2,8%/năm.
Phân tích tỷ lệ tham gia BHYT theo nhóm
đối tượng cho thấy, nhóm làm công ăn lương, cán bộ công chức trong khu
vực công, nhóm người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, nhóm hưu trí, mất sức
lao động, đối tượng bảo trợ xã hội do NSNN hoặc quỹ BHXH đóng tiền mua
BHYT đều đạt ở mức rất cao (gần 100%).
Tỷ lệ nhóm tự nguyện, hộ cận nghèo tham
gia BHYT dù ở mức thấp nhưng đã tăng dần do việc điều chỉnh chính sách.
Có khoảng 20 tỉnh đã chủ động hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách địa
phương cho các đối tượng thuộc diện cận nghèo tham gia BHYT, một số tỉnh
hỗ trợ 100% số tiền mua cho hộ cận nghèo như Bình Dương, Ninh Thuận,
Kiên Giang…
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn
đề xã hội, bà Trương Thị Mai cũng cho biết, đến cuối năm 2012, vẫn còn
18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có 4 tỉnh đạt mức thấp
dưới 50% dân số của tỉnh tham gia BHYT (Nam Định 49%, Tây Ninh 49%,
Kiên Giang 48% và Bình Phước 46%).
Giai đoạn 2009-2012, có 14 tỉnh tỷ lệ
tham gia BHYT tăng chậm (dưới 5%) và có 6 tỉnh tỷ lệ tham gia BHYT giảm
từ 1-7%. Một số nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng tỷ lệ
đạt thấp.
Về nguyên nhân, báo cáo giám sát cho rằng hiệu quả của công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động còn thấp,
kinh phí tuyên truyền hạn chế. Các cấp chính quyền chưa quan tâm đầy đủ
việc triển khai chính sách, pháp luật BHYT; Sở Y tế ở nhiều nơi chưa
quan tâm chỉ đạo, phối hợp với tổ chức BHXH trong việc thực hiện mục
tiêu mở rộng tỷ lệ dân số tham gia BHYT tại địa phương.
Việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm; công tác phối
hợp giữa các cơ quan chức năng và tổ chức công đoàn để thanh tra, kiểm
tra việc thực hiện chính sách BHYT trong doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động còn hạn chế.
Hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại bệnh
viện chưa thực sự hấp dẫn, thu hút người dân. Một số quy định của Luật
BHYT còn thiếu hoặc chưa cụ thể…
Trách nhiệm của các Bộ đến đâu?
Thảo luận về nội dung báo cáo giám sát
trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng,
báo cáo cho thấy số ca trái tuyến tăng quá nhanh. Tuy nhiên, cần thấy
rằng quá tải chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ
Chí Minh. Vì vậy phải điều chỉnh BHYT làm sao cho phù hợp với người dân
và địa điểm dân cư.
“Tôi cho rằng cần phải tập trung nghiên
cứu về hai vấn đề: Thứ nhất là cần đầu tư xử lý quá tải, thứ hai là vấn
đề y đức”, ông Giàu nêu ý kiến.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (trái) và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước
|
Theo Chủ tịch Hồi đồng Dân tộc Ksor
Phước, quá tải chủ yếu ở chuyên khoa, kỹ thuật cao. Do đó, về quy hoạch
xây dựng cần mang tính chuyên môn hóa cao vì hiện cả khu vực miền Trung-
Tây Nguyên giờ mới đang xây dựng bệnh viện ung bướu, ĐBSCL cũng chỉ có 1
bệnh viện này. Ngoài ra, báo cáo giám sát cũng cần thể hiện nội dung
xây dựng đội ngũ y tế cho tuyến huyện, xã.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn
khoăn về việc cấp trùng thẻ BHYT: “Về vấn đề phát trùng thẻ được phát
hiện từ lâu, với số lượng rất lớn. Có cán bộ nhà nước có tới 3 thẻ. 10
năm rồi mà đến nay tình trạng này vẫn còn xảy ra. Vậy chúng ta quản lý
như thế nào?”.
Cũng theo ông Ksor Phước, công tác thanh
tra, kiểm tra, hướng dẫn còn nhiều điểm yếu. “Xung quanh vấn đề thuốc
tại bệnh viện có tình trạng lợi dụng để vi phạm pháp luật. Trong luật
BHYT có ghi trách nhiệm của các bộ như Y tế, Tài chính, LĐ-TB-XH. Bảo
hiểm được giao cụ thể nên công tác giám sát thuận lợi. Vậy tại sao lại
để đến giờ còn sai sót như vậy? Trách nhiệm của các Bộ ở đâu trong thanh
tra, kiểm tra? Do vậy, tôi cho rằng báo cáo vẫn chưa có chiều sâu. Vì
là báo cáo giám sát của Quốc hội nên đề nghị phải làm rõ trách nhiệm như
thế nào?”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu ý kiến./.
Theo VOV