4 thách thức để triển khai dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" là băng thông rộng, nội dung thông tin thiết thực, năng lực của đội ngũ nhân viên phục vụ tại các thư viện công cộng, điểm BĐVHX và việc hợp tác giữa các Bộ, ngành, chính quyền.
Lễ khởi động Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” giai đoạn 2011-2016 (Dự án mở rộng) vừa được Bộ TT & TT, Bộ VHTT & DL và phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Tại lễ khởi động, bà Deborah Jacobs khẳng định sự tin tưởng vào những đổi thay tích cực mà Dự án mở rộng sẽ mang lại cho đông đảo người dân Việt Nam thuộc vùng triển khai dự án sau 5 năm nữa. Trong tương lai, theo bà Deborah Jacobs, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số, thông qua tiếp cận với các công nghệ mới. Khi đó, nông dân, trẻ em, phụ nữ và các tầng lớp khác của hơn 40 tỉnh sẽ nhận thức được rằng các thư viện là động lực trong phát triển KT-XH; các cán bộ của các thư viện và BĐVHX sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết để thực hiện vai trò là người tuyên truyền về lợi ích của thông tin trong việc thay đổi cuộc sống của người dân và cộng đồng; và Việt Nam sẽ có vị trí cao trên trường quốc tế, với vai dẫn đường như là một tác nhân mạnh mẽ của sự đổi thay.
Nhấn mạnh đến những lợi ích mà dự án mang lại cho các địa phương vùng khó khăn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, việc triển khai thành công dự án này sẽ giúp người dân nông thôn có điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận thông tin, đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp Chính phủ từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, đồng thời cũng là những đóng góp thiết thực của các Bộ, ngành, địa phương và các DN trong việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Nhiều thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng từ dự án, Thứ trưởng cũng lưu ý đến 4 nội dung cũng là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sự thành công của Dự án mở rộng là: vấn đề cung cấp hạ tầng Internet băng thông rộng chất lượng và bền vững tới gần 2.000 điểm thư viện công cộng và BĐVHX; việc xây dựng và cung cấp cho người dân những nội dung thông tin thiết thực, hữu ích, hướng tới phục vụ nhu cầu thông tin của đối tượng nông dân, học sinh, sinh viên và người lao động; cần hết sức quan tâm đến việc đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên phục vụ tại các thư viện công cộng, điểm BĐVHX; và trách nhiệm trong việc tham gia, hợp tác giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương 40 tỉnh, các DN, đơn vị tham gia và nhà tại trợ BMGF trong việc triển khai dự án...
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết, các điểm BĐVHX nằm trong mạng lưới sản xuất kinh doanh của DN bưu chính là VietnamPost, do đó một thách thức lớn là khi triển khai Dự án mở rộng tại 1.500 điểm BĐVHX phải làm sao để vừa đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra của dự án nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của VietnamPost tại những điểm BĐVHX này.
Từ kinh nghiệm triển khai dự án thí điểm, ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” cho hay, vấn đề về trình độ, nhận thức, sự nhiệt tình, trách nhiệm... của các cấp lãnh đạo cũng như của từng cán bộ, nhân viên tham gia thực hiện Dự án mở rộng tại 40 tỉnh, 400 huyện và khoảng 1.500 xã là bài toán khó cũng là thách thức lớn đặt ra cho Ban chỉ đạo và Ban QLDA phải giải quyết.
Cần có cam kết chung mạnh mẽ
Theo Bà Deborah Jacobs, sự thành công của dự án phụ thuộc rất nhiều vào cam kết chung của các cơ quan, đơn vị tham gia dự án trong việc đóng góp và chia sẻ cùng nhau. “Để triển khai được những nội dung công việc của dự án này đòi hỏi phải có được một sự cam kết mạnh mẽ từ mọi phía, từ Chính phủ, các DN, các tổ chức phi chính phủ và các cán bộ thư viện công cộng và BĐVHX. Đồng thời, việc lập kế hoạch và triển khai dự án cũng cần rất cẩn trọng và có sự phối hợp của các đối tác để đảm bảo sự điều phối tốt và tạo được tác động tốt cho cuộc sống của người dân”, bà Deborah Jacobs chia sẻ.
Trên cơ sở nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cơ bản trong quá trình triển khai dự án với quy mô rộng tới 40 tỉnh trong cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, để Dự án mở rộng được triển khai thành công thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực, hợp tác và phối hợp của đội ngũ trực tiếp quản lý dự án và sự hỗ trợ của các cơ quan tổ chức liên quan.
Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị đã tham gia dự án thí điểm, đồng thời là tỉnh giữ vai trò “nòng cốt”, có trách nhiệm phổ biến kinh nghiệm cho 5 tỉnh ở khu vực phía Nam tham gia giai đoạn 1 của Dự án mở rộng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Trà Vinh Bùi Chí Hùng nhận định, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, một yếu tố quan trọng, góp phần để dự án được triển khai thành công là việc Sở TT&TT với vai trò là đơn vị chủ quản dự án tại tỉnh mình, cần làm tốt công tác truyền thông, làm cho các Sở, ngành, DN, lãnh đạo UBND các huyện và cả người dân nhận thức được tầm quan trọng của dự án./.
Dự án mở rộng có kinh phí hơn 50,5 triệu USD, được triển khai trong thời gian 5 năm, từ nay đến năm 2016 tại gần 2.000 thư viện công cộng, điểm bưu điện văn hoá xã và thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ước tính sẽ có hơn 700.000 người dân địa phương được nhận sự hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, truy cập Internet và các dịch vụ do thư viện công cộng và điểm BĐVHX cung cấp.
(Theo: ICTnews)