(TG) - Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam tiền thân là Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Đây là chương trình thực hiện 5 năm một lần do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì. Triển lãm được thực hiện nhằm tổng kết một chặng đường hoạt động của mỹ thuật Việt Nam.
Thực hiện Quyết định số 3879/QĐ-BVHTTDL ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Chiều ngày 7-12, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Chủ trì buổi họp báo có đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL.
Phát biểu của BTC, họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh Triển lãm, Trưởng BTC Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 cho biết: Tất cả các tác phẩm thuộc mọi thể loại của Mỹ thuật được sáng tác từ năm 2011 đến 2015 đều có quyền tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam lần này. Các tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn đều phải là tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt; phản ánh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; có tinh thần nhân văn, hướng thiện; mang hơi thở của cuộc sống đương đại, không vi phạm những điều cấm quy định tại Điều 8, Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Hoạt động Mỹ thuật. Tác phẩm phải có tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ, kĩ thuật thể hiện, có tính thẩm mỹ cao và tạo được ấn tượng thị giác mới.
Hội đồng nghệ thuật đã chọn từ 4076 tác phẩm tham dự chọn ra 409 tác phẩm trưng bày và trong đó trao giải cho 38 tác phẩm xuất sắc và trao 5 giải thưởng đồng hạng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Quy trình chọn lựa được tiến hành nghiêm túc và chặt chẽ với sự công tâm, khách quan của Hội đồng Nghệ thuật.
Phát biểu tại họp báo đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhấn mạnh: Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 phản ánh trung thực diện mạo và các vấn đề trong hoạt động sáng tác và sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam hiện nay. 5 năm qua đời sống mỹ thuật đã có nhiều chuyển biến trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội thế giới và trong nước đã có những tác động đến đời sống mỹ thuật.
Sự hồ hởi, háo hức thể nghiệm mang nhiều tính hình thức đã qua đi, sự tĩnh tâm với độ lùi của thời gian để nhìn lại những gì đã làm trong những thập niên đổi mới đã giúp các nghệ sĩ có cái nhìn thực tế và sâu sắc hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật tranh Đồ họa đã có những bứt phá trong ngôn ngữ sáng tạo và kỹ thuật in ấn; Hội họa tiếp tục lúng túng để tìm ra cái mới; Điêu khắc đã hướng đến nhiều hơn những giá trị thẩm mỹ phục vụ đời sống xã hội; Nghệ thuật đương đại đã chững lại đang tìm hướng khai mở những sáng tạo mới.
Đồng chí Vương Duy Biên khẳng định: Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 là tấm gương phản chiếu khá trung thực đời sống Mỹ thuật Việt Nam hiện nay, ở đấy người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sĩ trước biển cả mênh mông của sáng tạo nghệ thuật. Ở đấy có sự tiếp nối giữa các thế hệ nghệ sĩ để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của Mỹ thuật Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Điểm đáng chú ý, để nâng cao chất lượng không gian trưng bày Triển lãm lần này, BTC đã chọn lọc kỹ lấy chất lượng. Với 4076 tác phẩm gửi đến tham dự thì Hội đồng Nghệ thuật chỉ chọn 409 tác phẩm. Số lượng tác phẩm trưng bày năm nay chỉ hơn một nửa so với kì trước. Số lượng tác phẩm ít, Ban Tổ chức sẽ tiến hành trưng bày thưa, thoáng, đảm bảo thẩm mỹ.
Đi sâu vào từng lĩnh vực, Hội đồng nghệ thuật cũng đưa ra những nhận xét chi tiết: "Nghệ thuật tranh đồ họa đã có những bứt phá trong ngôn ngữ sáng tạo và kỹ thuật in ấn. Hội họa tiếp tục lúng túng để tìm ra cái mới. Điêu khắc đã hướng đến nhiều hơn những giá trị thẩm mỹ phục vụ đời sống xã hội. Nghệ thuật đương đại đã chững lại, đang tìm hướng khai mở những sáng tạo mới".
Hội đồng Nghệ thuật Triển lãm Mỹ thuật năm nay có các thành viên trẻ như hoạ sỹ Nguyễn Nghĩa Phương, hoạ sỹ Đào Quốc Huy, họa sỹ Vũ Đình Tuấn, Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương. Các họa sỹ, nhà điêu khắc trẻ đều là những nghệ sỹ sáng tác tốt, đạt nhiều giải thưởng cao và họ đều có kinh nghiệm tham gia các hội đồng nghệ thuật lớn như Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc, Festival Mỹ thuật Trẻ... Năm nay BTC mời Nhà Phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng tham gia Hội đồng Nghệ thuật. Trong các kỳ triển lãm trước không có thành viên là Nhà phê bình tham gia Hội đồng Nghệ thuật. Đây là điểm mới của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015.
Một điểm mới quan trọng đó là năm nay, BTC mời được tất cả các loại hình, từ video art, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, body art... tham gia, tuy nhiên thực tế nghệ thuật đương đại không có nhiều tác phẩm gửi đến.
Trong khuôn khổ triển lãm, một số buổi trò chuyện nghệ thuật được thực hiện. Các chương trình đều mở cửa tự do đón tiếp người yêu mỹ thuật. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân trò chuyện với chủ đề Vai trò cá nhân của nghệ sĩ trong sáng tác mỹ thuật (lúc 8h30 ngày 11/11). Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương nói chuyện với chủ đề Sáng tác đồ họa trong nước và quốc tế giai đoạn hiện nay (lúc 8h30 ngày 15/12).
Giám tuyển Nguyễn Như Huy trò chuyện với chủ đề Thị trường Mỹ thuật và sự phát triển các mô hình giám tuyển của Việt Nam từ đầu thập niên 1990 đến nay (lúc 8h30 ngày 21/12). Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nói chuyện với chủ đề Nghệ thuật - Bản sắc văn hóa trong thời đại số (lúc 8h30 ngày 22/12)./.
Duy Phong