Thứ Sáu, 27/12/2024
Xã hội
Thứ Năm, 1/1/2015 17:38'(GMT+7)

5 năm, phát hiện gần 6.000 vụ lạm dụng tình dục phụ nữ

Thông tin từ Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều bước tiến trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt các hành vi bạo lực như: Hiến pháp (2013), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em (2004), Pháp lệnh dân số (2003), Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003)… cùng hệ thống các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khoảng trống về cơ chế, chính sách và chương trình biện pháp can thiệp trong thực hiện phòng, chống bạo lực giới ở Việt Nam.

Thống kê cho thấy, thực trạng bạo lực trên cơ sở giới tại nước ta vẫn ở mức đáng báo động - với 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã từng hứng chịu bạo hành. Mặc dù vậy, 50% nạn nhân âm thầm chịu đựng mà không dám nói với ai, gần 80% nạn nhân chưa được nhận viện trợ từ các cơ quan đoàn thể, chính quyền. Tình trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính diễn ra công khai mà không hề bị xử phạt; mại dâm cưỡng bức, quấy rối tình dục xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khiến phụ nữ và trẻ em gái đối mặt với đầy rẫy mối nguy hiểm cũng như sự kỳ thị của xã hội…


Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, nạn tảo hôn, ép hôn vẫn phổ biến với tỷ lệ là 16% (năm 2012); tình trạng buôn bán phụ nữ vẫn diễn ra nhức nhối với 1.080 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện trong khoảng từ năm 2012 đến quý 1/2013 (theo Bộ Công an). Đặc biệt, mối lo ngại lớn nhất là tình trạng lạm dụng và bạo lực tình dục đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái. Trong 5 năm từ 2008 – 2012 đã có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện trên toàn quốc…

Đâu là khoảng trống giữa “văn bản” và thực tiễn?

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, các chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới còn quy định rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chưa hệ thống. Chưa có định nghĩa, quy định chi tiết về các biểu hiện cụ thể của hành vi bạo lực trên cơ sở giới (như hành vi “quấy rối tình dục”); quy định xử phạt trong khung hình phạt vi phạm của Luật phòng chống bạo lực gia đình còn rộng; việc thiếu vắng các định nghĩa rõ ràng dẫn đến khó áp dụng quy định của pháp luật trong xử phạt.

Bên cạnh đó, chưa có các quy định chuẩn cho các cơ sở trợ giúp như điều kiện tối thiểu về “nhà tạm lánh”, tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên các cơ sở trợ giúp nạn nhân. Đặc biệt, chưa có quy định chính thức về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vai trò quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm giải trình về bạo lực.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cũng cho biết thêm, các chương trình can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam còn trong giai đoạn thí điểm và triển khai chưa đồng bộ, hạn chế về nguồn lực; một số mô hình và hoạt động còn trên quy mô nhỏ, không đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn; trong khi nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa có nguồn lực để nhân rộng.

Thực tế cũng cho thấy, năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên cơ sở còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Thế nên mới có chuyện bi hài khi những người phụ nữ bị bạo hành tìm đến cộng tác viên, thì những người trợ giúp lại là… người thân của đối tượng gây bạo hành; hoặc nạn nhân chỉ được khuyên giải qua loa kiểu như “vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau”, “chị đi về đi, việc gia đình thì tự về giải quyết”, thậm chí có cán bộ xã còn nói “chị mà nói nhiều như thế đến tôi còn đánh chị nữa là…” khiến nạn nhân ngán ngẩm chẳng biết trông chờ vào ai.

Giải pháp nào cho phòng, chống bạo lực giới ở Việt Nam?

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: “Vấn đề cần thiết hiện nay là phải xây dựng một chương trình tổng thể về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó làm rõ trách nhiệm giải trình và kết nối chặt chẽ các bên liên quan nhằm xây dựng và triển khai các biện pháp can thiệp một cách tổng thể, đồng bộ và kịp thời”.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, căn cứ bối cảnh thực tế tại nước ta và các khuyến nghị gần đây của Liên Hợp Quốc về việc xác định các nội dung ưu tiên cho công tác thúc đẩy bình đẳng giới, Bộ này đề xuất xây dựng Đề án phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2015.

Kết quả việc triển khai xây dựng Đề án này sẽ góp phần thực hiện một cách hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cũng như giúp Việt Nam hoàn thành các cam kết đối với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, “Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” (CEDAW) và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam khẳng định, Liên Hợp Quốc đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và sự nỗ lực của các đối tác phát triển; cho rằng việc có được một tầm nhìn xa về vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở giới, bao gồm cả bạo lực gia đình, là hết sức cần thiết để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trong mọi hình thức. Vì bạo lực trên cơ sở giới là một trong những chỉ số quan trọng trong theo dõi để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 3 về bình đẳng giới và một trong những Mục tiêu Phát triển bền vững mới sau 2015 là “bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho trẻ em gái”.

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới đề xuất: “Để phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, chúng ta cần tập trung vào 7 nhóm giải pháp, đó là: đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức tuyên truyền; tiếp tục rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; và tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực”./.

Theo VOVnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất