Thứ Tư, 27/11/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 29/9/2011 10:21'(GMT+7)

5 năm thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS ở Đồng Nai

Tư vấn điều trị bệnh nhân HIV (ảnh minh họa)

Tư vấn điều trị bệnh nhân HIV (ảnh minh họa)

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển, vì vậy Đồng Nai được nhiều người từ các địa phương khác chọn làm nơi lập nghiệp. Địa bàn rộng, cộng thêm việc biến động dân cư nhiều cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý, phòng chống HIV/AIDS.

Ca nhiễm HIV đầu tiên ở Đồng Nai phát hiện vào tháng 12-1993. Từ đó đến nay, số người nhiễm tăng dần qua các năm. Hiện nay, 100% huyện, thị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn có người nhiễm HIV/AIDS. Từ năm 1993 đến nay có 4.936 ca nhiễm HIV trong đó 1.626 ca chuyển sang AIDS và 1.202 ca tử vong. Độ tuổi mắc cao nhất là 20 đến 29 tuổi, tỷ lệ 57,31%, thấp nhất là <13 tuổi với 1,7%. Số ca mắc theo giới: nam: 4.138 chiếm 83,83%; nữ: 798, chiếm 16,77%. Số người nhiễm tập trung chủ yếu tại các vùng đô thị. Thành phố Biên Hoà có số người nhiễm cao nhất chiếm 43,94%; kế đến là thị xã Long Khánh 10,53%; huyện Long Thành 8,14%; thấp nhất là huyện Cẩm Mỹ với 1,52%. Số nhiễm mới từ sau khi có Chỉ thị 54-CT/TW giảm dần hàng năm, tuy nhiên tốc độ giảm chậm.

Thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), ngày 14/2/2006 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Thông tri “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”. Đây là cơ sở để UBND và các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn triển khai về công tác này.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, quần chúng nhân dân đã tăng lên rõ rệt. Người dân đã nhận thức rõ hơn mối nguy hiểm của đại dịch HIV, tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến nòi giống. HIV không chỉ là mối quan tâm của địa phương, của quốc gia mà mang tính chất toàn cầu. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã coi phòng chống HIV là nhiệm vụ của Đảng, chính quyền, đoàn thể, của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân, là công việc cấp bách trước mắt, đồng thời là nhiệm vụ lâu dài. Từ đó đã hình thành sự phối hợp liên ngành trong việc phòng chống HIV, với những bản cam kết trách nhiệm giữa các ngành trong việc phòng chống HIV. Nhiều cấp ủy cơ sở ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này. Từ chỗ coi người HIV gắn liền với tệ nạn xã hội và xa lánh người nhiễm HIV, dần dần cộng đồng dân cư đã coi người nhiễm HIV là người bệnh, họ cần được chăm sóc, chữa trị như những người bệnh khác. Việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV có chuyển biến với thái độ tích cực hơn.

Tuy nhiên, nhận thức về việc lãnh đạo công tác phòng chống HIV ở các cấp chưa đồng đều. Một số nơi chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên nhưng cũng có địa bàn chưa thật sự chỉ đạo thường xuyên. Nhận thức của cộng đồng trong việc phòng chống HIV chưa sâu, nhất là việc hiểu các con đường lây nhiễm HIV để phòng tránh. Khi thực hiện các chương trình giảm thiểu tác hại, có người cho rằng sẽ làm tăng nguy cơ tiêm chích ma túy, mại dâm. Một bộ phận dân cư vẫn còn thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và xa lánh những người bị nhiễm HIV/AlDS, nên người đi xét nghiệm HIV không khai đúng tên, tuổi, địa chỉ, gây khó khăn trong công tác điều tra, quản lý, tư vấn và chăm sóc đối tượng.

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác phòng, chống AIDS ở Đồng Nai, 5 năm qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã đề ra các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đó là:

- Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt ở cơ sở phải xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HlV/AIDS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Cần đưa các chỉ tiêu cụ thể về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của ngành, địa phương, đơn vị. Chỉ tiêu về công tác phòng, chống HIV/AIDS phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đơn vị. Đây là một chỉ tiêu quan trọng để bình xét các danh hiệu Đảng bộ, chính quyền đạt trong sạch, vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ.

- Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú ý vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, nhất là trong đội ngũ học sinh, sinh viên, công nhân lao động.

- Phấn đấu không để tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh (hiện nay là 0,3%).

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; chỉ đạo Sở Y tế tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS theo các giải pháp Chỉ thị 54 - CT/TW đã chỉ ra; trong đó chú trọng giải pháp truyền thông, giáo dục nhận thức thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS. Tranh thủ các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế.

 - Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đưa các nội dung công tác tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS vào chương trình công tác hàng năm. Tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Chỉ thị 54-CT/TW và Thông tri 03-TTr/TU, luật phòng chống HIV trong đoàn viên, hội viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi họp khu dân cư, họp các đoàn thể./.


BS. Võ Thị Kim Loan- vũ Trung Kiên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất