Thứ Tư, 25/9/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 16/9/2011 22:6'(GMT+7)

Bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp

Tại Ninh Bình, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, tính từ giữa tháng 5 đến nay đã phát hiện hơn 570 trường hợp mắc bệnh TCM; hiện có 112/146 xã, phường, thị trấn ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố có trẻ mắc bệnh. Đáng lưu ý, chỉ tính trong tuần đầu của tháng 9 đã có 68 trường hợp nhiễm mới. Bác sỹ Trương Đình Hiên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình nhận định: Nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn tăng nhanh là do thời tiết đặc trưng của mùa thu đã tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi rút gây bệnh này phát triển. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm bệnh chủ yếu vẫn đang ở thể nhẹ và xuất hiện rải rác ở các xã, phường, chưa phát triển thành ổ dịch.

Nhằm hạn chế bệnh lan rộng và bùng phát thành dịch, UBND tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu Sở Y tế ra văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác phòng, chống, đặc biệt trong bối cảnh năm học mới đã bắt đầu, rất đông trẻ tập trung ở các trường học, dịch bệnh TCM có cơ hội bùng phát.

Sở Y tế Đắk Lắk khẳng định bệnh TCM trên địa bàn đang diễn biến phức tạp với tốc độ lây lan rất nhanh. Số ca mắc bệnh tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.054 trường hợp mắc bệnh TCM và đã có một trường hợp tại thành phố Buôn Ma Thuột tử vong. Trong tổng số các bệnh nhân có tới 95% là trẻ em dưới 5 tuổi. Theo nhận định, bệnh bùng phát mạnh nhất vào tháng 8 (574 ca) và đầu tháng 9 đến nay (236 ca) khi các em học sinh bắt đầu tựu trường. Bệnh TCM đã xuất hiện ở 142/184 xã, phường, thị trấn của 15/15 huyện, thị, thành phố với 75 ổ dịch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo ngành y tế: tích cực điều trị các ca mắc bệnh, khoanh vùng dập dịch, vệ sinh môi trường tại ổ dịch; chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các trường học, nhất là trường mầm non và tiểu học. Bên cạnh đó, ngành y tế Đắk Lắk cùng các ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống loại dịch nguy hiểm này. Được biết, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chi 12 tỷ đồng cho công tác phòng, chống bệnh TCM.

Tại Vĩnh Phúc, dịch bệnh TCM đã xuất hiện tại 9/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, khiến cho nhiều người dân lo ngại, nhất là các bậc phụ huynh học sinh có con nhỏ, con trong độ tuổi đến trường. Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc, tính từ ngày 10/6/2011 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận trên 200 ca bệnh TCM. Trong tổng số các ca bệnh ở tỉnh nêu trên, có 13 ca từ các tỉnh, thành lân cận chuyển về Vĩnh Phúc khám và điều trị. Hiện số ca mắc bệnh nhiều nhất là tại huyện Lập Thạch với 34 ca, tiếp đến là huyện Tam Đảo 33 ca, sau đó là các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương....Các bệnh nhân mắc bệnh TCM hầu hết ở độ 1 và độ 2. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở huyện Tam Đảo chỉ mới 2 tháng tuổi.

Ngành Y tế ở Vĩnh Phúc tích cực triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch bệnh lây lan rộng; chỉ đạo các đơn vị chủ động chuẩn bị mọi phương tiện phòng chống dịch; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo người dân hiểu biết về bệnh TCM, thông qua đó chủ động phòng chống dịch bệnh, cũng như phát hiện bệnh kịp thời để đến các cơ sở y tế điều trị hiệu quả hơn. Cần tăng cường giám sát dịch để xử lý kịp thời, phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức bao vây và dập dịch ngay, không để dịch bệnh lây lan rộng và kéo dài. Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả nếu dịch lây lan trên phạm vi rộng; chẩn đoán, tiên lượng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh gây ra. Đến nay, phần lớn các ca bệnh TCM ở Vĩnh Phúc đã được điều trị khỏi bệnh, được ra viện. Bệnh TCM trên địa bàn tỉnh tuy vẫn còn phức tạp nhưng nằm trong tầm kiểm soát./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất