Thứ Tư, 27/11/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 20/9/2011 20:58'(GMT+7)

Người gốc đô thị dễ bị stress bẩm sinh !

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Đường phố luôn tràn ngập những dòng xe cộ hối hả, nối đuôi nhau, và tiếng động cơ, tiếng còi xe chói tai, khó chịu; những tòa nhà cao tầng vây bọc và các bản hiệu quảng cáo nhấp nháy với ánh đèn rực rỡ, chói chang; tiếng nói, tiếng cười, tiếng rao hàng, tiếng nhạc trộn lẫn vào nhau tạo ra một thứ âm thanh lao xao, hỗn độn với nhịp điệu dồn dập … Các đô thị lớn quả là những môi trường sống đầy áp lực căng thẳng.

Vì vậy, chẳng đáng ngạc nhiên khi thống kê cho thấy những người dân đô thị mắc chứng trầm cảm (depression), tâm thần phân liệt (schizophrenia), và các chứng rối loạn thần kinh khác, với tỉ lệ khá cao, nếu so sánh với những người sinh sống tại các vùng ngoại ô yên tĩnh.

Một nghiên cứu khoa học mới đây có thể giúp giải thích tại sao đời sống đô thị luôn tạo ra sự căng thẳng (stress). Và kết quả tìm thấy là cuộc sống đô thị đã lưu dấu ấn (hay vết sẹo?) của nó trong bộ óc của những người dân ngụ cư.

Sống trong một môi trường xã hội đầy áp lực như các thành phố lớn, một phần của bộ óc con người có những “hoạt động thặng dư”, liên quan tới sự trầm cảm, bồn chồn nóng nảy, và thậm chí là bạo hành. Những người sống ở vùng nông thôn nhưng được sinh ra ở thành phố, cũng biểu hiện các đặc tính tương tự về sự “hiếu động quá mức” của bộ óc (brain hyperactivity). Các khám phá khoa học cho biết là nơi chúng ta sinh ra, có thể sẽ mãi mãi sẽ ảnh hưởng đến cách thức mà chúng ta giải tỏa những áp lực trong cuộc sống của mình sau này.

Những nhà nghiên cứu không khuyến cáo là những cư dân đô thị nên bán tống bán tháo các căn hộ chung cư của mình ở các thành phố lớn để mua nhà ở nông thôn. Vì xét cho cùng thì cuộc sống ở đô thị vẫn hơn - cả về mặt thần kinh lẫn thể chất - bao gồm một môi trường sống đầy đủ  tiện nghi, cho đến sự chăm sóc sức khỏe hoàn hảo, mà môi trường sống vùng nông thôn không thể đáp ứng được.

Thay vào đó, các khám phá này gợi ý cho các nhà tâm thần học và các chuyên gia thiết kế đô thị, những ý tưởng về các mô hình thành phố mà có thể giảm thiểu sự căng thẳng, bồn chồn cho người cư ngụ. Đây mới là điều cần thiết để chúng ta suy nghĩ về thiết kế đô thị: nên như thế nào để có thể cắt giảm – thay vì làm tăng – những căng thẳng trong đời sống.

Chuyên gia tâm lý, bác sĩ Andreas Meyer-Lindenberg, thuộc viện Heidelberg’s Central Institute of Mental Health, Mannheim (Đức) phát biểu quan điểm của ông:  “Không phải dễ dàng phân biệt như trắng và đen, để rồi chúng ta nói rằng sống ở thành phố thì tồi tệ mà sống ở vùng nông thôn thì tốt. Chúng tôi muốn chứng minh trong nghiên cứu khoa học của mình, là tại sao, điều gì đã xảy ra, và bằng cách nào đã trở thành cơ sở của các triệu chứng tâm thần, ở bên trong não bộ của người dân đô thị”.

Những khảo sát trước đây đã đưa ra các kết quả thống kê sau: Những người sinh ra và lớn lên ở đô thị có tỉ lệ mắc chứng tâm thần phân liệt cao gấp đôi; nguy cơ bị căng thẳng thần kinh cao hơn 20%; và nguy cơ bị trầm cảm cũng như những rối loạn khác về tâm thần cao hơn gần 40%-  so với người dân sinh ra và lớn lên ở những vùng nông thôn yên bình, thanh tĩnh.

Để tìm ra các yếu tố sinh học nằm bên trong các con số thống kê, Meyer-Lindenberg và các đồng nghiệp đã  làm việc với hàng trăm đối tượng. Họ cũng sử dụng các phần mềm điện toán đặc dụng để hỗ trợ cho việc nghiên cứu. Các đối tượng được đo nhịp tim, huyết áp, lượng stress hormone trong máu; để bảo đảm rằng họ thực sự bị căng thẳng trong quá trình khảo sát. Ngoài ra, các kết quả cũng được xác nhận bởi phương pháp Scan não bộ bằng máy chụp cộng hưởng từ fMRI (functional Magnetic Resonance Imaging).

Theo một nghiên cứu, công bố trên tạp chí  JournalNature, đối với những người lớn lên từ đô thị, 2 hạch hạnh nhân (Amygdala) trong não của họ trở nên “rất nhạy cảm”. Hạch hạnh nhân có liên quan đến các cảm xúc như bồn chồn lo lắng, sự trầm cảm, suy sụp tinh thần, và phản ứng “đánh hay chạy” (fight or flight) khi con người bị khiêu khích. Hơn thế nữa, mức độ nhạy cảm của các hạch này càng tăng, nếu thành phố mà họ sinh sống càng lớn, càng ồn ào, phức tạp.  

Dù hiện tại bạn đang sống ở đâu, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nếu bạn đến từ thành phố lớn thì một phần của bộ óc bạn (thuộc vỏ não vành đai trước - Perigenual Anterior Cingulate Cortex  - PACC ) sẽ hoạt động mạnh hơn. Chính phần PACC thuộc vỏ não này lại điều khiển các hạch hạnh nhân (Amygdala), và đây là một chu trình kín. Nếu bạn sống càng nhiều năm tuổi thơ tại đô thị, phần PACC của não bạn sẽ hoạt động càng mạnh hơn nữa.

Trong cơ thể người và động vật, sự hoạt động quá mạnh của các hạch hạnh nhân này luôn gắn liền đến sự bồn chồn căng thẳng và những chứng rối loạn thần kinh khác. Bác sĩ Meyer-Lindenberg cho rằng: “nếu bạn sống ở đô thị, những khu vực trong não có liên quan đến các chứng bệnh tâm thần nói trên sẽ trở nên rất nhạy cảm”.

Trong tương lai, những nghiên cứu dựa vào phương pháp chụp cắt lát não (brain-scanning) sẽ có thể giúp các nhà khoa học tìm ra các nguyên nhân trong đời sống đô thị nhộn nhịp đã gây ảnh hưởng xấu đến não bộ của con người. Có thể là tiếng ồn, có thể là sự ô nhiễm nói chung, sự kích thích thái quá, hay là những yếu tố nào khác.

“Nó có thể là số lần mà bạn đối mặt với những người lạ đáng nghi ở trong khu chung cư; hay là do những kích thích thị giác quá nhiều như đèn màu chói chang từ các bảng quảng cáo trong thành phố. Chúng ta chưa có câu trả lời chính xác cho những ảnh hưởng này, nhưng những điều này mở ra một lãnh vực nghiên cứu mới”- Bác sĩ Dan Kennedy, một nhà thần kinh học tại viện CITP, California đã phát biểu như vậy với Discovery News.

Hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sinh sống trong các thành phố, và dự đoán đến năm 2050, con số này sẽ xấp xỉ  70%. Thay đổi lại xu hướng trên của nhân loại bằng cách chia lại hộ khẩu là điều không tưởng. Điều thực tế nhất mà các nhà khoa học của chúng ta có thể làm được, đó là thiết kế lại thành phố để nó trở thành một môi trường sống lành mạnh hơn cho con người, thế thôi.

“Nhân loại đang sống trong những môi trường không phù hợp với sự tiến hóa của mình. Và do vậy mà bộ óc của chúng ta không thể điều chỉnh cùng tần số với sự biến đổi của môi trường sống. Chúng ta đang đối mặt với những áp lực từ các tình huống mà loài người chúng ta chưa từng trải nghiệm trong suốt quá trình tiến hóa. Tôi nghĩ đó chính là điều mà chúng ta cần luôn quan tâm, khi cuộc sống luôn bị đẩy về phía trước, cùng với sự phát triển của các đô thị nhộn nhịp”./.

Trần Bá Cương
lược dịch từ “How Cities Stress Us Out?”, Emily Sohn, Discovery News

(Nguồn: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất