Thứ Tư, 27/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 20/10/2016 22:36'(GMT+7)

50% dân số cả nước có thể thu xem truyền hình số DVB-T2

Các nước ASEAN đánh giá cao Việt Nam về triển khai số hóa truyền hình

Tại phiên họp lần thứ 12 của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam vào ngày 19/10/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá: “Triển khai giai đoạn 1 của Đề án Số hóa truyền hình thành công ở tất cả các mặt”

Theo Bộ trưởng, khi bắt tay vào giai đoạn 1 của Đề án Số hóa truyền hình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do các đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều giải pháp đồng bộ cộng thêm sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn nên giai đoạn 1 của Đề án thành công ở mọi mặt. Từ khâu tuyên truyền đến công tác phát sóng, triển khai thị trường đầu thu, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo được triển khai rất quyết liệt; người dân không phàn nàn, thắc mắc hay khiếu nại gì. 

Bộ trưởng cũng đánh giá, công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đã vào cuộc tích cực góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt số hóa truyền hình giai đoạn 1. Nhờ cách tuyên truyền sáng tạo, tích cực mà tỷ lệ người dân xem analog biết đến số hóa để chủ động mua thiết bị chuyển sang xem số, góp phần rất lớn vào thành công của giai đoạn 1.

Các doanh nghiệp truyền dẫn tích cực triển khai phát sóng số, đáp ứng được yêu cầu vùng phủ sóng số mặt đất rộng hơn và tốt hơn analog, cả chất lượng phần phát và phần thu xem của người dân đều tốt hơn truyền hình analog. Người dân xem truyền hình nét hơn, xem được nhiều kênh hơn.

Công tác thiết lập thị trường đầu thu cũng hiệu quả với chính sách yêu cầu các nhà sản xuất tivi phải tích hợp DVB-T2 từ năm 2013, thiết lập thị trường tivi đa dạng với hơn 800 loại tivi số giúp cho người dân có thể dễ dàng thu xem.

Đặc biệt công tác hỗ trợ đầu thu DVB-T2 được Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích làm tốt, người dân phấn khởi không phàn nàn khiếu nại.

Bộ trưởng nhấn mạnh giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình đã thành công đáp ứng được nhu cầu thu xem truyền hình của người dân. Không chỉ dư luận và nhân dân trong nước đánh giá cao, mà ngay cả các nước bạn ASEAN cũng đánh giá Việt Nam đã thực hiện thành công số hóa truyền hình ở 5 thành phố lớn.

Số hóa truyền hình đã triển khai thành công ở 5 thành phố lớn.

50% dân số cả nước đang xem được truyền hình số

Tính đến nay, toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng đã ngừng phát sóng từ ngày 1/11/2015; tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ ngừng phát sóng từ ngày 15/8/2016.

Tiểu ban giúp việc đã thành lập 4 đoàn công tác khảo sát tình hình sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ từ ngày 12/9 - 15/9/2016. Kết quả khảo sát như sau: Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số địa bàn các tỉnh lân cận đã bao phủ và lớn hơn vùng phủ sóng các kênh truyền hình tương tự trước đây. Chất lượng hình ảnh, âm thanh các kênh chương trình truyền hình của VTV và các kênh truyền hình địa phương tốt hơn nhiều sao với truyền hình tương tự mặt đất.

Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích đã hỗ trợ cho 460.232 hộ gia đình đủ điều kiện nằm trong vùng ảnh hưởng của việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, có 16.052 hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam; 444.180 hộ nghèo, cận nghèo tại 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và địa bàn của 19 tỉnh lân cận.

Ngoài số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương được Bộ TT&TT hỗ trợ, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 5.043 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Đà Nẵng, Hà Nội hỗ trợ cho 12.018 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Hà Nội. Các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ theo tiêu chuẩn Trung ương đã được hỗ trợ đầu thu DVB-T2 với tình trạng hoạt động và chất lượng thu tín hiệu  tốt. Các hộ gia đình nhận hỗ trợ STB đều rất phấn khởi vì được xem nhiều kênh truyền hình chất lượng cao mà không phải trả phí.

Giai đoạn 1 được coi là giai đoạn đặc biệt quan trọng vì khi phủ sóng truyền hình số mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ người dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương mà người dân địa bàn lân cận thuộc 20 tỉnh khác (bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai, Long An) bị ảnh hưởng. Theo ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn 1 của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên chiếm gần 50% dân số cả nước./.

Theo ICTnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất