Thứ Sáu, 27/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 22/11/2009 15:20'(GMT+7)

50 năm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài - những bài học kinh nghiệm

Lễ Bế giảng một Lớp học tiếng Việt tại UBNVNONN dành cho sinh viên kiều bào tại Mỹ (Ảnh minh hoạ).

Lễ Bế giảng một Lớp học tiếng Việt tại UBNVNONN dành cho sinh viên kiều bào tại Mỹ (Ảnh minh hoạ).

Từ đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã hình thành và đến nay có gần bốn triệu người sinh sống tại 102 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có gần 400.000 trí thức có trình độ đại học, trên đại học, chuyên gia kỹ thuật và hàng chục vạn doanh nghiệp đang làm ăn phát triển, đời sống của bà con đang dần ổn định và ngày càng có nhiều hoạt động hướng về đất nước.

Công tác đối với NVNONN gắn liền với lịch sử cách mạng của dân tộc. Ngay từ rất sớm, các bậc tiền bối cách mạng, các nhân sĩ yêu nước đã sớm nhận thấy vai trò của người Việt ở nước ngoài và đã tiến hành vận động xây dựng phong trào Việt kiều hướng về ủng hộ cách mạng trong nước. Năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra "Nhóm người An Nam yêu nước" tại Pháp nhằm tập hợp những người lính thợ, thủy thủ, trí thức hoạt động ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam. Tiếp đó, Người đã sang Trung Quốc, Thái-lan tiếp tục lập cơ sở, xây dựng phong trào, sau đó mở rộng ra cả các nước Lào, Cam-pu-chia.

Công tác đối với NVNONN luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm thúc đẩy. Năm năm sau ngày miền bắc hòa bình, ngày 23-11-1959, Ban Việt kiều Trung ương chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, qua 50 năm, công tác này đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Từ lúc ban đầu chỉ là một Hội đồng liên ngành với vai trò chủ yếu là đón tiếp và ổn định cuộc sống cho kiều bào ở Thái-lan, Tân Ðảo hồi hương và hỗ trợ phong trào Việt kiều yêu nước ở các địa bàn, đến nay Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã được xác định là một cơ quan cấp Tổng Cục, trực thuộc Bộ Ngoại giao, với chức năng và nhiệm vụ như: tham mưu với Ðảng và Nhà nước về các chính sách liên quan đến NVNONN; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp giúp NVNONN ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng về Tổ quốc, bảo vệ quyền lợi của bà con; hỗ trợ tăng cường các mối giao lưu giữa cộng đồng với trong nước... Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (ngày 23-11-1999), Ủy ban đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhất.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, Ban Việt kiều Trung ương và nay là Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, với vai trò vừa làm quản lý nhà nước vừa làm công tác vận động kiều bào, đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và bà con đã tích cực tham gia đóng góp tiền bạc, của cải và cả hy sinh xương máu cho công cuộc kháng chiến cứu nước. Chúng ta không thể quên những phong trào "Nở hoa kháng chiến", "Hũ gạo nuôi quân", "Dũng sĩ Khe Sanh" của kiều bào ta ở Thái-lan; những bà con kiều bào ở Pháp đã bỏ cả công ăn việc làm, ngày đêm phục vụ các phái đoàn đàm phán của ta, từ Hội nghị Phông-ten-nơ-blô năm 1946 đến Hội nghị Pa-ri năm 1968 - 1973. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kiều bào và thanh niên, sinh viên Việt Nam ở các nước tư bản như Pháp, Mỹ, Nhật Bản..., hòa với khí thế chiến đấu của nhân dân trong nước, đã tích cực xuống đường cùng với nhân dân yêu hòa bình sở tại biểu tình, đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, tạo nên phong trào phản chiến rộng khắp ở nước Mỹ và trên thế giới, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của nhân dân ta.

Ðất nước hòa bình thống nhất, công tác về NVNONN tiếp tục được thúc đẩy trong bối cảnh và tình hình mới, với nhiệm vụ đoàn kết NVNONN vì mục tiêu xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước và đã có những bước tiến quan trọng. Những năm sau giải phóng, đất nước ta ở trong giai đoạn khó khăn nhất do bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây cấm vận, Ban Việt kiều Trung ương đã tích cực vận động kiều bào giúp thân nhân trong nước thông qua việc gửi kiều hối, gửi hàng hóa... Những đóng góp này đã có giá trị nhất định trong thời kỳ kinh tế đất nước còn khó khăn. Ðến nay, công tác vận động kiều bào về nước thăm thân, làm ăn kinh doanh, tham gia giảng dạy, hợp tác khoa học - kỹ thuật... đã được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số người về nước ngày một tăng, mấy năm trở lại đây, trung bình hằng năm có khoảng 500 - 600 nghìn lượt người về, trong đó có hàng nghìn lượt trí thức và doanh nhân về nước làm việc. Hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp đang đầu tư về Việt Nam với khoảng 3.000 dự án có tổng số vốn khoảng hai tỷ USD. Lượng kiều hối chính thức gửi về nước cũng ngày càng tăng, tính riêng năm 2008 đạt 7,4 tỷ USD.

Cùng với công tác vận động, công tác xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến kiều bào cũng được đẩy mạnh. Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được một số chính sách, từng bước đáp ứng những nguyện vọng thiết thân của NVNONN. Ðặc biệt kể từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ra đời, một loạt các chính sách đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch; về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam... Một số thí dụ về những chính sách mới ra đời gần đây: Quy chế miễn thị thực cho NVNONN (tháng 9-2007), Luật Quốc tịch sửa đổi tạo điều kiện cho NVNONN có thể giữ quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác (tháng 11-2008), Luật sửa đổi Ðiều 121 Luật Ðất đai và điều 126 Luật Nhà ở mở rộng thêm đối tượng và quyền cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước (tháng 6-2009)... Có thể nói, cho đến nay, về cơ bản đã bước đầu hình thành hệ thống các chính sách đối với NVNONN và sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh.

Từ thực tiễn công tác đối với NVNONN nửa thế kỷ qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác này như sau:

Thứ nhất, cần quán triệt đầy đủ và sâu sắc tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Ðảng và Bác Hồ. Ðây là yếu tố quyết định tạo nên sự thắng lợi của công tác đối với NVNONN.

Ðại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhờ có đoàn kết mà dù là một nước nhỏ bé nhưng các thế hệ cha ông chúng ta đã đánh thắng bao kẻ thù xâm lược để có một đất nước độc lập, thống nhất như ngày hôm nay. NVNONN là một bộ phận cấu thành của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ðiều này đã được thể hiện trong Văn kiện Ðại hội IX của Ðảng Cộng sản Việt Nam "Ðồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam" và đã được thể chế hóa trong Hiến pháp cũng như nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn công tác đối với NVNONN đã cho thấy mục tiêu của công tác này qua các thời kỳ luôn là bảo vệ các quyền lợi chính đáng của đồng bào, giúp đỡ đồng bào yên tâm làm ăn, hướng về Tổ quốc, vận động bà con tham gia vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc và điều này chỉ có thể có hiệu quả tốt khi được tiến hành trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Ngày nay, đại đoàn kết dân tộc có mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tất cả NVNONN, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, hoàn cảnh ra đi, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc. Quán triệt tinh thần trên, ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 36-NQ/T.Ư nêu rõ: "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước". Ðây sẽ là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của công tác đối với NVNONN trong tình hình mới.

Thứ hai, phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NVNONN tại từng khu vực địa bàn, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới các chính sách nhằm đáp ứng đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của NVNONN trong mối quan hệ với đất nước và thực hiện tốt các chính sách trên.

Trong công tác đối với NVNONN, công tác xây dựng chính sách giữ vai trò quan trọng. Với đặc thù kiều bào sống xa Tổ quốc, ta chưa có điều kiện và khả năng để tạo ra các mối liên hệ trực tiếp với từng người ở tất cả các quốc gia trên thế giới, việc ban hành các chính sách với tinh thần đổi mới và thiết thực sẽ có sức lan tỏa lớn đối với mỗi kiều bào và thân nhân, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con mà còn giúp bà con hiểu rõ hơn về những chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với cộng đồng. Ðể đạt được hiệu quả như vậy, các chính sách được sửa đổi hoặc xây dựng mới phải trên cơ sở thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng và đáp ứng những nhu cầu thiết thân của bà con.

Từ trước tới nay, Nhà nước ta đã thể chế hóa nhiều chủ trương của Ðảng thành các chính sách cụ thể và đã làm cho mối quan hệ giữa kiều bào với đất nước ngày càng gắn bó hơn. Từ những năm đầu sau giải phóng, kiều bào về nước còn nhiều ngần ngại, còn phải chịu "cơ chế xin - cho" ở nhiều cơ quan Nhà nước, ở sân bay, cửa khẩu... đến nay bà con gần như đã không còn sự khác biệt so với người trong nước. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục thường xuyên rà soát để có những điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với những biến chuyển của tình hình cộng đồng cũng như tình hình trong nước và nghiêm túc thực hiện các chính sách này để thật sự đưa Nghị quyết 36 cũng như các chủ trương của Ðảng và Nhà nước vào cuộc sống.

Thứ ba, phải tạo được sự thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực công tác đối với NVNONN.

Mối liên hệ giữa Ðảng, Nhà nước đối với đồng bào ở nước ngoài chủ yếu thông qua mối liên hệ giữa chính quyền đối với bà con, vì vậy ứng xử của các cơ quan chính quyền với đồng bào là rất quan trọng. Chúng ta chỉ có thể tạo được lòng tin cho đồng bào, để bà con thật sự thấy gắn bó với quê hương, đất nước khi có sự thống nhất về quan điểm và hành động của các cơ quan chức năng đối với bà con. Tuy nhiên, trên thực tế, có những cơ quan, cá nhân, do nhiều nguyên nhân, không dễ dàng bỏ những quy định mang tính ràng buộc, hạn chế, phân biệt đối xử đối với kiều bào và điều đó gây trở ngại cho công tác vận động. Sau Nghị quyết 08-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị, sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cơ quan được nâng lên một bước và đến Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, điều này đã được khẳng định rõ: "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân". Ðây là lần đầu tiên Ðảng ta có một Nghị quyết về công tác đối với NVNONN. Trên yêu cầu đó, Nhà nước thể chế hóa các chủ trương của Ðảng thành các chính sách thiết thực, tạo ra sự thu hút đối với NVNONN, tạo điều kiện để các cơ quan, đoàn thể và nhân dân tham gia vào công tác này. Các tổ chức Ðảng, đoàn thể nhân dân, chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc tinh thần này, để tạo ra sự đồng bộ, thống nhất về nhận thức đối với công tác NVNONN, và từ đó nêu cao trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và đẩy mạnh công tác này.

Thứ tư, cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức thông tin, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền. Ðây là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của công tác đối với NVNONN.

NVNONN sống xa Tổ quốc, không có điều kiện thường xuyên chứng kiến những thực tế của đất nước, nhất là những đổi thay kể từ khi ta thực hiện chính sách đổi mới. Mặt khác, các thế lực chống đối lại luôn ở bên cạnh, thường xuyên bằng mọi phương tiện đưa ra những thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình đất nước và những chủ trương của Ðảng, Nhà nước ta. Vì vậy, việc đem đến cho kiều bào những thông tin chính xác và kịp thời là rất quan trọng, giúp bà con hiểu rõ về đất nước, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những ý đồ tuyên truyền xấu.

Những năm gần đây, với sự nỗ lực của các cơ quan trong nước, công tác thông tin tuyên truyền phục vụ cộng đồng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đặc biệt là thông qua các phương tiện như mạng in-tơ-nét và kênh truyền hình VTV4. Ðến nay VTV4 đã phủ sóng được các khu vực châu Âu, châu Á, Tây Úc, Bắc Mỹ và Bắc Phi là những nơi có đông bà con ta sinh sống. Bên cạnh đó, chúng ta còn thường xuyên tổ chức các đoàn văn nghệ đi biểu diễn phục vụ cộng đồng, các tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đem văn hóa Việt Nam đến trực tiếp với bà con.

Trong tình hình mới, công tác thông tin tuyên truyền phục vụ cộng đồng cần làm tốt hơn nữa chức năng phổ biến đường lối chính sách của Ðảng và Nhà nước, chính sách đối với NVNONN và tình hình đất nước. Mặt khác, công tác thông tin tuyên truyền còn cần phải góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ nhau của người Việt Nam ở nước ngoài để ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc dân tộc và hướng về đất nước.

Thứ năm, cần thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với người có công, có thành tích nổi bật trong xây dựng cộng đồng và đóng góp cho đất nước, nhằm động viên kịp thời và tạo sự gắn bó giữa NVNONN với quê hương.

Khen thưởng đối với NVNONN chính là thể hiện sự ghi nhận của đất nước đối với những đóng góp của bà con. Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện tương đối tốt công tác khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân kiều bào có nhiều công lao đóng góp trong các cuộc kháng chiến trước đây và có thành tích trong củng cố, phát triển cộng đồng, xây dựng đất nước hiện nay. Ðã có hàng nghìn tập thể và cá nhân kiều bào được khen thưởng thành tích kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và xây dựng cộng đồng, đất nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã từng bước đa dạng hóa các hình thức khen thưởng, tôn vinh những đóng góp của NVNONN. Ðiều này đã có tác dụng tích cực, cổ vũ tinh thần hướng về đất nước của bà con.

Thời gian tới, để công tác khen thưởng đối với NVNONN có hiệu quả hơn, chúng ta cần tiếp tục hoàn chỉnh chính sách khen thưởng, đặc biệt quan tâm giải quyết những trường hợp tồn đọng, nhất là đối với kiều bào ở Pháp và Thái-lan; tiếp tục mở rộng khen thưởng tới các hội đoàn mới của người Việt Nam ở nước ngoài. Mặt khác, bên cạnh việc khen thưởng đúng người, đúng việc còn cần phải kiên quyết đấu tranh với những hành động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và của đất nước, tiến tới xóa bỏ về cơ bản sự chống đối của các phần tử phản động, cực đoan trong cộng đồng.

Năm 2009, Ủy ban Nhà nước về NVNONN kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập bằng một loạt các hoạt động đầy ý nghĩa suốt từ đầu năm và cao điểm là Hội nghị NVNONN lần thứ nhất từ ngày 21-11 đến 23-11 với sự tham gia của gần 1.000 kiều bào về từ khắp các châu lục trên thế giới. Ðây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước tới nay về công tác NVNONN. Với chủ đề "Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh tích cực góp phần vào sự nghiệp chấn hưng đất nước", Hội nghị sẽ là diễn đàn rộng rãi để các đại biểu trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến cộng đồng, các biện pháp giúp cộng đồng phát triển thành đạt và phát huy trí tuệ của bà con người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước. Ðây cũng là dịp để biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động cộng đồng NVNONN, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

50 năm là một chặng đường dài, với những thành quả to lớn đã đạt được, Ủy ban Nhà nước về cộng đồng NVNONN sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh hơn nữa công tác đối với cộng đồng NVNONN, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần và những nỗ lực đó, công tác đối với cộng đồng NVNONN thời gian tới chắc chắn sẽ có những bước chuyển mới mạnh mẽ hơn và thực hiện hiệu quả hơn chính sách đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu cao cả "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

NGUYỄN THANH SƠN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất