Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 30/10/2009 10:46'(GMT+7)

Tạo bộ mặt mới cho kinh tế nông thôn

Mùa vàng ở vùng cao (Ảnh minh họa)

Mùa vàng ở vùng cao (Ảnh minh họa)

Mục tiêu tổng quát và lâu dài của công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã được Đảng và Nhà nước xác định là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả, bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại. Kết hợp chặt chẽ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các ngành, các địa phương. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư các vùng xung yếu, vùng biên giới, cửa khẩu, hải đảo phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia...

Trong những năm gần đây, nông nghiệp nước ta về cơ bản đã chuyển sang sản xuất hàng hoá, phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá (bình quân 4,2%/năm). Công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn bước đầu phục hồi và phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, môi trường sinh thái và đời sống nông dân ở hầu hết các vùng được cải thiện rõ rệt. Quan hệ sản xuất từng bước đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hoá; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ được phát huy tốt hơn; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng cao... Những thành tựu đó góp phần rất quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tạo bộ mặt mới cho kinh tế địa phương nhiều vùng miền.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang lại từ công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được như mong đợi, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch chậm, chưa theo sát với thị trường. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn phân tán, manh mún, mang nhiều yếu tố tự phát; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất chậm; trình độ khoa học, công nghệ của sản xuất nhiều mặt còn lạc hậu nên năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp, kém hiệu quả và thiếu bền vững. Công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản phát triển chậm; ngành nghề và dịch vụ chưa thu hút được nhiều lao động; lao động còn phổ biến là thủ công, tỷ lệ qua đào tạo thấp, thiếu việc làm nghiêm trọng. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở một số vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Quan hệ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hoá theo cơ chế mới. Đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân ở nhiều vùng nông thôn còn thấp kém, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng đang tăng lên.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua nhiều năm chiến tranh, nông dân và nông thôn nước ta còn nghèo, thiếu vốn, dân trí thấp, gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị máy móc, thiết bị và áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, vị trí của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chưa đầy đủ và chưa sâu sắc. Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chậm được điều chỉnh kịp thời, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học, công nghệ và thị trường. Hệ thống quản lý, chỉ đạo phát triển nông nghiệp và nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá và xây dựng nông thôn mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch chất lượng thấp, chưa phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác nghiên cứu và triển khai khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, nhất là giống cây trồng, vật nuôi và chế biến nông, lâm, thuỷ sản chưa được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Việc nghiên cứu vận dụng các kinh nghiệm về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước vào điều kiện nước ta còn nhiều hạn chế.

Để thực hiện hoàn thành được mục tiêu, phát huy những thế mạnh, hạn chế khắc phục những tồn tại, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị hoá nông thôn; Xây dựng đời sống văn hoá - xã hội và phát triển nguồn nhân lực...

Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành hạ, gắn với chế biến và tiêu thụ. Phát triển sản xuất và chế biến các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu có lợi thế của từng vùng, với quy mô hợp lý; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm có thế mạnh của từng vùng như lúa gạo, thủy sản, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, chè, cao su, rau quả nhiệt đới, thịt lợn... trên thị trường trong nước và quốc tế. Đối với những mặt hàng còn đang phải nhập khẩu nhưng trong nước có điều kiện sản xuất có hiệu quả như: bông, đậu tương, thuốc lá, dầu ăn, sữa, bột giấy... hợp lý ở các vùng để từng bước thay thế nhập khẩu. Đẩy mạnh việc đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng, chế biến trong nông nghiệp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu hợp lý. Đồng thời, đầu tư đồng bộ cho chương trình nuôi trồng và đánh bắt thủy sản gắn với chế biến hiện đại, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà nước hỗ trợ quy hoạch và hướng dẫn nông dân khai thác tốt diện tích mặt nước, bao gồm cả những diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi, để nuôi trồng thủy sản, phát triển các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng nước biển, nước lợ, nước ngọt; tổ chức sản xuất và cung cấp giống tốt, phòng chống các loại bệnh, bảo đảm cho nông dân nuôi trồng có hiệu quả.

Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích phát triển mạnh các ngành công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ, cần nhiều lao động như sản xuất vật liệu xây dựng công nghiệp khai thác mỏ, dệt may, da giày, cơ khí lắp ráp, sửa chữa... để thu hút và thực hiện phân công lao động ngay trên địa bàn. Hình thành các khu công nghiệp ở nông thôn, gắn kết ngay từ đầu lợi ích kinh tế giữa người sản xuất nguyên liệu với các nhà máy chế biến công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đất, hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn sử dụng máy móc, công cụ cải tiến, thực hiện cơ khí hoá các khâu sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhiều loại hình dịch vụ ở nông thôn trước hết là các dịch vụ kỹ thuật, tín dụng, thương mại, đời sống... để tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng có khả năng thu hút vốn và nhiều lao động để phát triển sản xuất, kinh doanh ngành nghề đa dạng, tăng năng lực chế biến, tiêu thụ nông sản, làm dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn. Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn kinh tế tư nhân phát triển. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, quy mô, cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế - xã hội nông thôn. Hợp tác xã tập trung làm dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp; tổ chức thực hiện tốt việc quy hoạch, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất; liên kết với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để bán vật tư, tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân. Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã đào tạo cán bộ; có chính sách thuế phù hợp đối với các hoạt động dịch vụ. Phát triển các quỹ tín dụng nhân dân ở xã để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Doanh nghiệp nhà nước tập trung thực hiện những việc mà các thành phần kinh tế khác chưa làm được; hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Tổ chức sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong kinh doanh lúa gạo, phân bón, phát triển chế biến nông, lâm, thuỷ sản quy mô lớn, kỹ thuật cao và liên kết kinh tế có hiệu quả với các hộ nông dân, hợp tác xã sản xuất nguyên liệu; giữ vai trò chủ yếu trong việc thực hiện các nhiệm vụ công ích. Thực hiện tốt sự liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và giữa các thành phần kinh tế; tạo điều kiện để nông dân và hợp tác xã mua cổ phần của các doanh nghiệp, tham gia cổ phần ngay từ đầu với các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ký hợp đồng với nông dân (qua các hợp tác xã); hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra với giá cả hợp lý.

Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi theo hướng sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nước sinh hoạt và cải thiện môi trường, phòng chống, hạn chế và giảm nhẹ thiên tai. Áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ tưới - tiêu tiết kiệm nước trong việc xây dựng và quản lý công trình thuỷ lợi. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thoả đáng, cùng với các địa phương và đóng góp của nhân dân để phát triển nhanh hệ thống giao thông nông thôn; nâng cấp các tuyến đường đã có, từng bước cứng hoá mặt đường, xây dựng cầu, phục vụ cho vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân. Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển các nguồn điện năng tại chỗ, bảo đảm đến năm 2010 tất cả các xã đều có điện sử dụng. Có chính sách đầu tư phát triển hệ thống thông tin nông nghiệp hiện đại; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và nông thôn. Đầu tư thoả đáng cho các vùng nghèo, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đạt được mục tiêu công bằng xã hội.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hoá, phục hồi và phát triển văn hoá truyền thống, phát huy tình làng, nghĩa xóm, sự giúp đỡ và hỗ trợ nhau phát triển trong cộng đồng dân cư nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hoá, bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ và phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân. Phát triển công tác thông tin đại chúng và các hoạt động văn hoá, khuyến khích, động viên những nhân tố mới, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh, bảo vệ thuần phong mỹ tục ở nông thôn. Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, y tế phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Dành vốn ngân sách đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, bảo đảm hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động, đưa tỷ lệ được đào tạo nghề lên khoảng 30% vào năm 2010. Có chính sách thu hút những người được đào tạo về làm việc ở nông thôn, nhất là miền núi và vùng sâu, vùng xa..../.

Đỗ Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất