Thứ Sáu, 27/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 8/11/2009 18:34'(GMT+7)

“Xây dựng nông thôn mới sợ nhất là phá vỡ bản sắc”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng.

Cuộc đối thoại giữa phóng viên báo QĐND với đồng chí Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo gợi mở nhiều vấn đề trong triển khai thực hiện các mô hình thí điểm này...

Mô hình vẫn còn nhiều bất cập

- Đến thời điểm này, việc lựa chọn, xây dựng thí điểm 11 mô hình nông thôn mới cấp xã đã triển khai đến đâu thưa đồng chí?

- Như chúng ta đã biết, Ban Bí thư đã có Chỉ thị về việc lựa chọn 11 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, , Hà Tĩnh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Phước, Trà Vinh, Kiên Giang Nam Định làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Theo kế hoạch, mỗi tỉnh, thành phố chọn một xã để tổng kết, rút kinh nghiệm, sau đó mới nhân ra diện rộng. Đến nay, 11 tỉnh, thành phố đã phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới và thành lập Ban Quản lý xây dựng mô hình nông thôn cấp xã; triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học, cứng hóa kênh mương nội đồng… Các địa phương triển khai 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo từng giai đoạn từ nay đến 2015, với mục tiêu đến tháng 6-2011 sẽ đạt được các tiêu chí theo yêu cầu để rút kinh nghiệm.

- Được biết, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương đã có kết luận bước đầu về quá trình triển khai thực hiện của 11 mô hình này?

- Đúng thế! Cuối tháng 10 vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương đã họp và có kết luận cả những mặt đã làm được, những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, đồng thời chỉ đạo những nội dung công việc cần tiếp tục thực hiện từ nay đến hết năm 2009.

- Vậy tinh thần chung của mặt “cần khắc phục” là gì?

- Nhìn chung, quá trình tổ chức thực hiện công việc về xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã còn chậm. Ở địa phương còn tình trạng chờ đợi, chưa chủ động phê duyệt đề án và triển khai nội dung theo kế hoạch, chưa tích cực huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực tại chỗ, sự tham gia của người dân thực hiện đề án; các sở, ngành chưa có kế hoạch ưu tiên cho các xã điểm thực hiện trước các chương trình, mục tiêu quốc gia; Ban quản lý một số xã chưa phát huy hết trách nhiệm, năng lực còn hạn chế, lúng túng trong tổ chức thực hiện những công việc cụ thể.

Không nên kỳ vọng 11 mô hình điểm đều đạt cả 19 tiêu chí quốc gia

- Có thể hiểu rằng, trước mắt chúng ta sẽ làm tốt 11 mô hình thí điểm, còn “dài hơi” hơn triển khai, nhân rộng. Vậy, chắc hẳn nguồn vốn đầu tư cho Chương trình cũng không phải nhỏ?

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là phấn đấu đến năm 2020 sẽ có hơn 50% số xã đạt chuẩn, cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, tăng thu nhập của người dân lên gấp 2,5 lần hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo dưới 3%. Để đạt được mục tiêu này, trung bình mỗi xã cần đầu tư từ 120 đến 150 tỉ đồng, huy động từ nhiều nguồn như của Nhà nước, vốn vay, doanh nghiệp đầu tư và do người dân tham gia. Trong đó, sẽ có khoảng từ 6 đến 7 hạng mục dự kiến được Nhà nước hỗ trợ 100%, còn lại hỗ trợ từ 30 đến 90% tuỳ từng vùng và nội dung hỗ trợ.

- Theo lộ trình, đến giữa năm 2011 sẽ kết thúc thực hiện thí điểm các mô hình, thời gian như vậy có quá vội vã?

- Chương trình thí điểm dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 6-2011. Thời gian như vậy là không quá vội vã, vì chúng ta đã chuẩn bị từ 2 đến 3 năm. Thực ra, cũng không nên kỳ vọng cả 11 xã làm điểm đều đạt đầy đủ 19 tiêu chí quốc gia. Nói thật, xã nào đạt đủ từ 6 đến 7 tiêu chí cũng đáng mừng lắm rồi. Qua 11 mô hình này, có thể hình hài nông thôn mới đã hiện hữu, người dân nông thôn Việt Nam sẽ thấy được hướng đi, thấy chính sách của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể hóa và quan trọng nhất là thấy được cái họ cần làm cho chính mình.

- Xin hỏi, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng chí sợ nhất điều gì?

- Nói thật, Chương trình xây dựng nông thôn mới trước hết là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đây được coi là khâu đột phá! Tôi sợ nhất là nếu không làm tốt sẽ phá vỡ bản sắc văn hóa dân tộc! Chẳng hạn, trong khâu quy hoạch không khéo thì các cổng làng nông thôn sẽ đều giống nhau, như thế sẽ không phải là làng quê Việt Nam nữa!

- Xin cảm ơn đồng chí!

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất