Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 19/10/2010 14:43'(GMT+7)

53 người chết và mất tích do mưa lũ

Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu

Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu

Tính đến chiều 18/10, đợt lũ lớn từ ngày 14 đến 18/10 tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An đã làm chết 30 người, 200 xã bị ngập với trên 152 nghìn hộ dân bị hư hỏng nhà cửa, hàng vạn nhân khẩu đang cần cứu trợ khẩn cấp.

Ngoài ra, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 người chết và 2 người mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông; 1 người mất tích tại Quảng Bình đang được xác minh.

Đặc biệt, sáng 18/10, một chiếc ôtô khách chở 37 người đã  bị trôi tại khu vực Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, lực lượng chức năng đã cứu được 17 người, 1 người do biết bơi nên đã tự thoát ra khỏi dòng nước lũ và  chủ động liên hệ với UBND huyện Nghi Xuân để báo tin, còn 19 người vẫn bị mất tích.

Mấy ngày qua, được sự giúp đỡ của Trung ương, các địa phương vùng lũ đã chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, di dời dân lên vùng an toàn, tổ chức phân phát lương thực, thuốc men cho dân, không để ai phải đói rét trong những ngày tránh lũ. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích cây vụ đông và diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh này đã bị nước lũ gây hư hại.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương với  các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chiều 18/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các điạ phương khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại, lên kế hoạch triển khai sản xuất ngay các loại cây lương thực ngắn ngày để cứu đói cho dân.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương ngoài việc cứu trợ lương thực thực phẩm, nước uống còn phải chăm lo đến chăn màn, quần áo ấm, thuốc chữa bệnh cho nhân dân, kiên quyết không để bà con nào thiếu ăn, thiếu mặc, chết đói, chết rét.

Đối với cơn bão Megi, đây là cơn bão lớn, hướng đi phức tạp, các cơ quan thông tin, truyền thông cần tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền đến người dân thông tin về cơn bão.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành tùy theo chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú tránh an toàn; rà soát việc di dời dân và có phương án đảm bảo an toàn các khu nuôi trồng thủy sản, dân cư vùng cửa sông, vùng trũng thấp ven sông ven biển. Cần quán triệt phương án "4 tại chỗ", đề phòng nguy cơ sạt lở, lũ quét ở vùng núi.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu: "Ứng phó với cơn bão thì việc đầu tiên và hết sức quan trọng là phải kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn để bảo vệ  tính mạng và tài sản của người dân. Đối với 374 tàu thuyền đang ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì đề nghị các địa phương nắm bắt lại số lượng tàu thuyền của mình và kiên quyết kêu gọi vào bờ chứ không neo đậu tại vùng Trường Sa và Hoàng Sa nữa, thực hiện công tác neo đậu cho an toàn, tránh trường hợp chúng ta bị thiệt hại ngay tại bờ. Chuẩn bị các lực lượng ở địa phương như dân quân, doanh nghiệp thanh niên, quân đội…để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cơn bão, để tránh thiệt hại ở mức thấp nhất do cơn bão gây ra…"

Chủ động ứng phó với siêu bão Megi

Trước tình hình bão số 6 diễn biến phức tạp,  hôm nay (18/10), nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã triển khai khẩn cấp các biện pháp chủ động ứng phó với bão.

Sau cuộc họp giao ban trực tuyến triển khai phương án đối phó với siêu bão Megi, chiều nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương ven biển nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển và chủ động kêu gọi các phương tiện vào bờ tránh trú bão; đồng thời triển khai ngay các phương án di dời dân.

Dự báo hướng đi của bão

Đến trưa 18/10, tỉnh Quảng Ngãi còn hơn 460 tàu thuyền với trên 4.000 ngư dân đang hoạt động trên biển; Trong đó, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có 12 tàu với 174 lao động, ở khu vực Trường Sa có 85 tàu với 1882 lao động, còn lại ở các vùng biển khác...

Đến 14 giờ chiều 18/10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi hơn 4.000 tàu thuyền vào bờ. Để chủ động đối phó với mưa bão, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo sở Công Thương dự trữ thêm 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền đề phòng mưa lũ dài ngày. Trước đó, các địa phương cũng đã chuẩn bị gần 250 tấn gạo và hơn 150 tấn mì ăn liền cùng  xăng dầu, muối ăn sẵn sàng giúp dân khi cần thiết.

Mấy ngày qua, mưa to kết hợp với triều cường gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại nhiều điểm  ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc… Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, hàng trăm hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, nhưng mới có 40 hộ được di dời. Hiện, toàn tỉnh vẫn còn hơn 180 km đê bao chất lượng kém, không có đê bồi, bãi cây chắn sóng nên không đảm bảo an toàn, thường bị hư hỏng nặng trong mùa bão lũ

Đến 16 giờ chiều 18/10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định và gia đình các chủ tàu đã kêu gọi được gần 2.000 tàu thuyền đang đánh bắt ngoài biển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 100 tàu thuyền với hơn 800 ngư dân vẫn chưa liên lạc được.

Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang phối hợp với gia đình các chủ tàu tập trung kêu gọi tàu thuyền và thông báo diễn biến về cơn bão số 6 để tìm nơi tránh trú an toàn. Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng đặc biệt tập trung bảo vệ các hồ chứa.

Bộ đội Biên phòng và Đài Duyên hải vẫn tiếp tục liên hệ với bà con các chủ tàu để thông tin diễn biến cơn bão. Toàn tỉnh có 182 hồ chứa nước, sau vụ mưa lũ năm 2009, đã có 42 hồ chứa bị xuống cấp. Để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước này, các địa phương thường xuyên kiểm tra. Với những công trình quá suy yếu, tỉnh chỉ đạo kiên quyết không cho tích nước.

Nỗ lực cứu nạn nhân trong vụ lật xe khách ở Hà Tĩnh

Vào cuối giờ chiều 18/10, những nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ xe khách bị lũ cuốn trôi tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn được tiến hành khẩn trương.

Theo nguồn tin của Đài TNVN, đã có thêm một người may mắn thoát chết giữa “cơn đại hồng thuỷ” chưa từng có ở mảnh đất nghèo Hà Tĩnh: Người may mắn thoát chết là một người ở tỉnh Nam Định. Do biết bơi nên người này đã tự thoát ra khỏi dòng lũ dữ và chiều nay chủ động liên hệ với Uỷ ban Nhân dân huyện Nghi Xuân để báo tin. Như vậy, đến thời điểm này vẫn còn 19 người mất tích trong vụ xe khách bị nước lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh.

Cho đến 16 giờ chiều 18/10, hàng trăm người thuộc các lực lượng Quân đội, Công an, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân  vẫn chưa tìm thấy chiếc ô tô khách gặp nạn, cùng số người mất tích. Dù mệt mỏi, bơ phờ vì đói và rét sau 3 ngày đêm liên tục ngâm mình trong nước lũ, các đội cứu hộ cứu nạn vẫn không quản ngại, tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân. Ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Nghi Xuân cho biết: “Hiện nay chúng tôi huy động gần 1 tiểu đoàn công binh của quân khu 4, cùng với 4 xuồng và các ca nô để phối hợp với địa phương tìm kiếm. Nhưng do mặt sông rộng, nước chảy xiết nên công tác tìm kiếm rất khó khăn. Chúng tôi vẫn tích cực tìm kiếm đến tối nay, chúng tôi sẽ họp với quân khu 4 để tìm biện pháp mới”.

Sau vụ xe khách và hành khách bị cuốn trôi thì một chiếc xe 7 chỗ cũng bị nhấn chìm tại ngay vị trí dưới chân cầu Rong, Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, hai người trong xe may mắn chỉ bị thương - Ảnh: Tuổi trẻ

Để tìm kiếm nạn nhân và chiếc xe gặp nạn, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã điều động lực lượng Bộ đội công binh, với phương tiện xe lội nước, xuồng cao tốc, thiết bị rà phá bom mìn (để xác định vị trí xe) và tìm kiếm, trục vớt những người bị nạn.

Tuy nhiên, theo Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Tư lệnh Quân khu 4, do vị trí xe bị chìm nằm ở phía bắc cầu Rong, trên quốc lộ 1A thuộc xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, với tốc độ nước chảy xiết như hiện nay có thể xe đã trôi đi vài cây số về phía hạ lưu sông Lam.

Trong khi đó, hiện nay khu vực này nước lũ đang lên đỉnh điểm, do đó có thể một số thi thể hành khách sẽ trôi ra bên ngoài xe dọc sông Lam. Công việc tìm kiếm cứu hộ do vậy gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định công tác cứu người như cứu hoả, tỉnh Hà Tĩnh- với sự hỗ trợ của các lực lượng Quân đội, Công an, sự quan tâm chỉ đạo sát sao các cấp, các ngành chức năng- huy động toàn lực tìm kiếm người mất tích.

Theo phản ánh của một số hành khách còn sống sót, trong số những người mất tích, có 2 cháu nhỏ dưới 5 tuổi, 3 cô gái trong độ tuổi từ 17 đến 19. Trước mắt, tỉnh Hà Tĩnh trích ngân sách hỗ trợ 17 người sống sót, mỗi người 3 triệu đồng. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hỗ trợ mỗi người 600 nghìn đồng.

Hiện 16 trong số 17 người sống sót, sức khoẻ đã bình phục; còn một phụ nữ bị sốc nặng phải nằm điều trị ở bệnh viện do day dứt vì không cứu được con, dù khi gặp nạn chị đã nắm được tay con nhưng cuối cùng đứa trẻ vẫn bị nước lũ cuốn trôi./.

Danh sách các nạn nhân còn sống trong vụ xe bị cuốn trôi

1.     Cao Đắc Chí – Hải Hậu - Nam Định

2.     Đỗ Văn Toàn – Hải Hậu - Nam Định

3.     Nguyễn Văn Giá – Hải Hậu - Nam Định

4.     Phan Văn Độ - Hải Hậu - Nam Định

5.     Trần Văn Tấn - Hải Hậu - Nam Định

6.     Đinh Văn Lộc - Giao Thủy - Nam Định

7.     Phạm Đình Nghiệp - Trực Ninh - Nam Định

8.     Đinh Công Luận - Gia Viễn - Ninh Bình

9.     Lường Hữu Thành - Hoằng Hóa - Thanh Hóa

10.  Đinh Thị Khánh Linh - Hoằng Hóa - Thanh Hóa (con anh Thành)

11.  Hà Xuân Tọa  - Hoằng Hóa - Thanh Hóa

12.  Nguyễn Thanh Thắng - Hải Hậu - Nam Định

13.  Ngô Văn Đề - Hải Hậu Nam Định

14.  Trần Đăng Lực - Kim Sơn - Ninh Bình

15.  Trần Thị Mây - Đắk Mây - Đắk Nông

16.  Trần Văn Trường - Hải Hậu - Nam Định (lái xe)

17.  Phan Anh Quý - Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk (lái xe)

18. Chưa rõ danh tính - người Nam Định

(Theo VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất